Vào nội dung chính
THÁI LAN - CHÍNH TRỊ

Thái Lan : Quân đội bác bỏ kêu gọi lật đổ chính phủ của đối lập

Hôm nay, thứ bảy 14/12/2013, theo hãng thông tấn AFP, quân đội Thái Lan đã bác bỏ lời kêu gọi đòi lật đổ Thủ tướng Yingluck, sau cuộc gặp công khai giữa các lãnh đạo quân đội và đối lập. Quân đội Thái Lan khuyến khích đối lập « thương thuyết » và ủng hộ bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn như dự kiến.

Tướng lĩnh Thái Lan trả lời họp báo, sau cuộc gặp lãnh đạo đối lập, 14/12/2013. Từ trái qua phải, Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-o-cha, Tổng tư lệnh Thanasak Pratimaprakorn, Tư lệnh Hải quân Narong Pipatta và Tư lệnh Không quân Prachin Chantong.
Tướng lĩnh Thái Lan trả lời họp báo, sau cuộc gặp lãnh đạo đối lập, 14/12/2013. Từ trái qua phải, Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-o-cha, Tổng tư lệnh Thanasak Pratimaprakorn, Tư lệnh Hải quân Narong Pipatta và Tư lệnh Không quân Prachin Chantong. © Reuters
Quảng cáo

Trong cuộc gặp với lãnh đạo quân đội – được truyền hình trực tiếp -, lãnh đạo đối lập Suthep Thaugsuban kêu gọi quân đội ủng hộ phong trào biểu tình, gây áp lực buộc chính phủ từ chức « để chấm dứt » khủng hoảng. Tuy nhiên, người đứng đầu quân đội Thái Lan, tướng Thanasak Patimaprakon, kêu gọi phe biểu tình tiếp tục đàm phán với chính phủ nhằm đạt được « một đồng thuận ». Tham gia vào cuộc hội kiến kể trên còn có tư lệnh các binh chủng lục quân, không quân và hải quân.

Về cuộc bầu cử ngày 02/02/2013, tướng Thanasak Patimaprakon kêu gọi đối lập không nên « tẩy chay » như dự kiến. Theo lãnh đạo quân đội Thái, sẽ có « những quan sát viên trung lập » giám sát cuộc bầu cử.

Lãnh đạo đối lập Thái Lan Suthep Thaugsuban biết rằng, nếu tổ chức bầu cử sớm phe ủng hộ chính phủ sẽ lại giành chiến thắng. Lập trường của phe đối lập là kiên quyết gây áp lực để thay thế chính quyền hiện hành bằng một « hội đồng nhân dân », có sứ mạng tiến hành các cải cách để chấm dứt ảnh hưởng của « gia tộc Thaksin ». Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - anh trai của Thủ tướng đương nhiệm, bị quân đội lật đổ năm 2006 và hiện đang sống lưu vong – được cho là vẫn duy trì ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Thái Lan.

Lãnh đạo đối lập Suthep Thaugsuban tuyên bố, trong một diễn đàn được tổ chức hôm nay tại trường Đại học Thammasat ở Bangkok, Thái Lan đang đối mặt với trạng thái « chân không quyền lực », « không có chính phủ, không có quốc hội ». Giới quan sát ghi nhận, quyết định hồi đầu tuần của Thủ tướng Yingluck giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử Quốc hội sớm vào ngày 02/02/2014 không làm phe đối lập hài lòng, cho dù số lượng người tham gia vào phong trào chống chính phủ dường như có giảm bớt.

Khả năng quân đội can thiệp là hoàn toàn có thể tại một đất nước đã từng diễn ra 18 cuộc đảo chính hay âm mưu đảo chính trong 80 năm gần đây, tức là kể từ khi ra đời nền quân chủ lập hiến Thái Lan. Tuy nhiên, từ đầu cuộc khủng hoảng chính trị lần này, quân đội Thái Lan từ chối tham gia và đề nghị đóng vai trò trung gian. Trong tuần này, tư lệnh lục quân, tướng Prayut Chan-O-Cha đầy thế lực, cam kết để cho « các nhà chính trị tự giải quyết vấn đề này ».

Vào lúc bùng nổ các bạo động đầu tiên vào đầu tháng 12, quân đội đã đưa khoảng 3.000 binh sĩ không vũ trang đến tăng viện cho cảnh sát, để tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Yingluck và lãnh đạo phong trào nổi dậy Suthep Thaugsuban. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không có kết quả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.