Vào nội dung chính
THÁI LAN - KINH TẾ

Sức kháng cự của kinh tế Thái Lan trước khủng hoảng chính trị

Tại Thái Lan, cuộc khủng hoảng chính trị bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế của đất nước. Bởi vì, quốc gia có thu nhập trung bình khó có thể đạt được mức tăng trưởng tương xứng với đặc trưng của một nền kinh tế đang trỗi dậy. Câu hỏi đặt ra là liệu Thái Lan lần này có thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng giống như những lần trước hay không ?

Du khách ngoại quốc tại Grand Palace, Bangkok, Thái Lan (Ảnh chụp ngày 02/06/20
Du khách ngoại quốc tại Grand Palace, Bangkok, Thái Lan (Ảnh chụp ngày 02/06/20 REUTERS
Quảng cáo

Phong trào phản kháng, xuống đường biểu tình bắt đầu rầm rộ từ cuối tháng 11. Theo số liệu do cơ quan phụ trách du lịch cho biết, Thái Lan đã mất đi khoảng một triệu lượt du khách : 600 ngàn dân Thái quyết định ở nhà không đi du lịch và 400 ngàn khách quốc tế đã hủy hoặc hoãn du lịch sang Thái Lan. Làn sóng biểu tình xẩy ra vào thời điểm bất lợi nhất cho ngành du lịch. Bởi vì, hàng năm, đây là mùa đông du khách nhất. Các công ty du lịch rất lo ngại. Có tới 37 chính phủ khuyên công dân của họ không nên tới Thái Lan vào lúc này.

Ngành du lịch chiếm tới 8% tổng sản phẩm quốc nội Thái Lan. Con số này có thể nhân đôi nếu tính cả những khoản lợi gián tiếp của các hoạt động liên quan, như vận tải. Đây thực sự là một cú sốc đối với ngành du lịch, nhưng chưa đến mức trở thành một thảm họa vì trước khi xẩy ra khủng hoảng chính trị, số lượt du khách đã tăng rất mạnh. Nếu tính chung cho cả năm 2013, số lượt du khách tăng 20%, một con số kỷ lục.

Các lĩnh vực khác của nền kinh tế Thái Lan có chịu tác động của khủng hoảng hay không ?

Ngành lắp ráp xe hơi cũng như điện tử, hai lĩnh vực mũi nhọn của công nghiệp Thái Lan phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài hơn là tình hình chính trị trong nước. Do kinh tế thế giới chưa hẳn phục hồi, các xuất khẩu trong năm nay tăng chậm. Tình hình cũng tương tự đối với đầu tư tại Thái Lan trong lúc mức tiêu thụ của các hộ gia đình chững lại. Trong bối cảnh không mấy sáng sủa này, chính phủ Thái Lan đã tiến hành nhiều dự án lớn. Việc xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc, các dự án làm đường bộ, xây cảng biển, sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động của nền kinh tế.

Thế nhưng, việc tài trợ cho các dự án lớn, giờ đây bị đình trệ do khủng hoảng chính trị. Việc phát hành công trái huy động vốn chỉ được thực hiện một khi có chính phủ mới, tức là phải đợi đến mùa xuân năm 2014. Tình trạng tê liệt này diễn ra trong bối cảnh chưa có gì chắc chắn là Thái Lan sẽ nhanh chóng thoát ra khỏi khủng hoảng chính trị. Hậu quả là giới đầu tư ngoại quốc và các công ty xuyên quốc gia lưỡng lự trong việc phát triển, mở rộng hoạt động. Đây chính là mối đe dọa nghiêm trọng, đè nặng lên nền kinh tế Thái Lan. Bởi vì, luồng vốn đầu tư ngoại quốc giảm sẽ nhanh chóng làm tăng lãi suất và do vậy, việc huy động tài chính cho nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, Thái Lan vẫn có tiếng chống chọi tốt trước các cuộc khủng hoảng

Đánh giá về sức kháng cự của Thái Lan, một số chuyên gia dùng hình ảnh chảo không dính, được phủ chất teflon : Dường như Thái Lan có khả năng thoát ra mọi cuộc khủng hoảng, cho dù đó là thảm họa thiên tai, chính trị hay tài chính.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tại Châu Á gây nhiều thiệt hại, nhưng Thái Lan vẫn có được mức tăng trưởng 5%.

Bằng chứng gần đây nhất là sức bật của nền kinh tế Thái Lan sau các đợt bạo động, đối đầu liên tiếp giữa phe Áo Đỏ thân Thaksin và phe Áo Vàng chống chính phủ trong suốt thời gian từ 2008 đến 2011.

Trong cuộc khủng hoảng chính trị lần này, nền kinh tế Thái Lan giống như một tre, oằn mình chống trả, nhưng không bao giờ gẫy gục.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.