Vào nội dung chính
CHÂU Á

Triển vọng kinh tế 2014 : Hàn Quốc và Philippines dẫn đầu Châu Á

Năm 2013 sắp khép lại, nhật báo kinh tế Les Echos có bài dự đoán triển vọng kinh tế năm tới tại các nước Châu Á đang trỗi dậy. Bài viết mang tựa đề “Năm 2014, những lá bài của Châu Á đang trỗi dậy được xáo lại có lợi cho các nước nhỏ”. Les Echos tập hợp nhận định của các chuyên gia làm việc cho ngân hàng Anh Quốc RBS, tập đoàn tài chính Nhật Nomura và công ty tư vấn Pháp TAC.

Seoul :  Ngôi sao sáng của Châu Á là Hàn Quốc trong lúc kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại (© Seoul)
Seoul : Ngôi sao sáng của Châu Á là Hàn Quốc trong lúc kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại (© Seoul)
Quảng cáo

Theo Les Echos, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia không còn là những “siêu đầu máy” của khu vực, cho dù tỷ lệ tăng trưởng của các quốc gia này vẫn còn hấp dẫn ; Hàn Quốc là “học trò giỏi” của năm 2014, tiếp theo là Philippines.

2013 đối với nhiều nước Châu Á là một năm u ám, nền kinh tế các nước Châu Á đang trỗi dậy đối mặt với nhiều hiểm họa và tăng trưởng chậm lại, sau một thời gian được coi là các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế toàn cầu, suy trầm trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của khu vực này (không kể Nhật Bản) trong năm tới vẫn là khoảng 6%. Nhưng điều được Les Echos chú ý là triển vọng rất khác biệt giữa các nước, theo nhận định của các chuyên gia.

Tăng trưởng của Trung Quốc được đánh giá là chậm lại. Riêng về điểm này, giữa nhận định của các chuyên gia có sự chênh lệch nhiều nhất : ngân hàng RBS dự đoán Trung Quốc tăng trưởng 8,2%, tức vượt năm nay, trong khi đó công ty Nhật Nomura, thì đưa ra con số 6,9%, tức thụt lùi. Theo chuyên gia công ty tư vấn Pháp TAC, tỷ lệ tăng trưởng lùi xuống của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến các nước láng giềng, vốn phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu khoáng sản và nguyên liệu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó việc nợ nần chồng chất, trong cả hai khu vực công và tư, của Trung Quốc khiến giới quan sát đặt nhiều câu hỏi về tính vững chắc của hệ thống kinh tế nước này.

Ấn Độ và Indonesia được ghi nhận là vượt qua năm 2013 một cách khó khăn. Hai đồng rupi, “rupiah” của Indonesia và “rupee” của Ấn Độ, đều mất giá nặng (rupiah : 25% ; rupee : 13%). Nửa đầu 2014, New Delhi và Jakarta đều sẽ phải đối mặt với các kỳ bầu cử quan trọng. Sự suy yếu của môi trường kinh doanh và nạn tham nhũng gây trở ngại cho các nhà đầu tư. Chỉ có một ưu điểm chủ yếu của hai quốc gia này, đó là sự nổi lên của một tầng lớp trung lưu mới, trong đó phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt đồng nghề nghiệp.

Ngôi sao sáng của Châu Á là Hàn Quốc, một quốc gia có thể đứng vào hàng các nước phát triển. Các sản phẩm của Hàn Quốc rất được ưa chuộng tại các nước phát triển, như Hoa Kỳ, các quốc gia Châu Âu và Nhật Bản. Một điểm yếu của Hàn Quốc trong trung hạn mà Les Echos lưu ý là quá trình lão hóa của dân cư nước này, ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa và những hiệu năng của kinh tế Hàn Quốc.

Philippines với khoảng 11% lực lượng lao động ở ngoài nước cũng có nhiều lợi thế. Trong 10 năm gần đây, kiều hối đã góp phần quan trọng giúp cho quốc gia này có được thặng dư thương mại trung bình 3% GDP/năm. Les Echos nhận định, siêu bão Haiyan không có tác động lớn đến nền kinh tế Philippines, ngược lại việc tái thiết các khu vực thiệt hại sẽ mang lại động lực cho nhiều ngành sản xuất của đảo quốc.

Cũng về kinh tế Hàn Quốc, Le Monde có bài “Nợ nần của Hàn Quốc, nguy cơ mang tính xã hội nhiều hơn là tài chính”. Le Monde so sánh nợ của các gia đình Hàn Quốc vào năm 2012 là 163,8% thu nhập, so với tỷ lệ 100% của Pháp và 130% của Hoa Kỳ. Tờ báo nhận định, nợ nần tăng cao là một gánh nặng xã hội ngày càng nghiêm trọng đối với Hàn Quốc, đặc biệt đối với nhóm các gia đình nghèo.

Nga : Khủng bố tại Volgograd đặt câu hỏi về an ninh của Thế vận hội Sotchi

Về thời sự quốc tế, vụ khủng bố tự sát đẫm máu khiến ít nhất 16 người thiệt mạng tại nhà ga thành phố Volgograd (nước Nga) hôm qua 29/12 là chủ đề chính trên trang nhất Le Figaro với hàng tựa “”Nga : Khủng bố tại Volvograd đặt câu hỏi về an ninh của Thế vận hội Sotchi”.

Theo truyền thông Nga, người phụ nữ khủng bố - tự sát tên là Oksana Aslanova, gốc Daguestan, một trung tâm của lực lượng nổi dậy Hồi giáo ở miền bắc Kavkaz. Người nổ bom tự sát đã hai lần lấy chồng, đều là chiến binh Hồi giáo, và cả hai người đều bị các lực lượng an ninh Nga hạ sát. Thông tin này làm sống lại nỗi ám ảnh về “các góa phụ đen”, vũ khí đặc biệt đáng sợ của lực lượng Hồi giáo.

Trong một băng video, được đưa lên mạng hồi tháng 7/2013, lãnh đạo lực lượng nổi dậy Hồi giáo vùng bắc Kavkaz, Doukou Oumarov, kêu gọi “các chiến binh Hồi giáo trên khắp nước Nga” tấn công Thế vận hội Sotchi. Doukou Oumarov, nguyên là một chiến binh Tchechenia đòi ly khai, đã đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ khủng bố tự sát kép tại metro Matxcơva tháng 3/2010 (khiến khoảng 40 người thiệt mạng) và cuộc tấn công tại sân bay Domodedovo tháng 1/2011 (khiến ít nhất 35 người chết). Lãnh đạo phe Hồi giáo chưa có tuyên bố nào về hai vụ khủng bố tại Volgograd, vụ hôm qua và vụ ngày 21/10.

Theo chuyên gia của nhóm International Crisis Group, phe nổi dậy Hồi giáo muốn lợi dụng thời điểm ngay trước Tết dương lịch để gây được tiếng vang lớn nhất qua truyền thông. Câu hỏi được đặt ra là, nếu Volgograd bị tấn công khủng bố hai lần trong vòng ba tháng, thì thông điệp rất rõ ràng là Doukou Oumarov đang nhắm vào Thế vận hội mùa đông tại Sotchi.

Ả Rập Xê Út và Pháp muốn đầu tư cho quân đội Liban

Khủng bố tại Liban cũng mà một tâm điểm thời sự quốc tế khác được báo chí Pháp chú ý, sau vụ tấn công hôm qua tại trung tâm Beyrouth, nhắm vào một nhà hoạt động chống chế độ Damas và lực lượng Hezbollah. Les Echos có bài “Liban, một lần nữa trở thành mảnh đất tấn công khủng bố”. Vụ giết hại ông Mohammed Chatah, một người được coi là nhân vật ôn hòa, đã làm sống dậy nỗi lo ngại về một làn sóng tấn công khủng bố liên tục diễn ra tại Liban từ năm 2005-2012, nhắm vào những người đối lập với chính quyền Syria và lực lượng Hezbollah, đồng minh của chế độ al-Assad tại Liban.

Cũng liên quan đến Liban, Le Figaro có bài « Hollande sẵn sàng trang bị cho quân đội Liban nhỏ bé ». Tổng thống Pháp trong chuyến công du tại Ả Rập Xê Út hôm qua đã nêu ra vấn đề này với Quốc vương Abdallah. Trong chuyến đi này, Tổng thống Pháp cam kết Paris sẽ tiếp tục hỗ trợ vùng Vịnh về mặt chính trị, vào thời điểm mà Hoa Kỳ dường như đang có xu thế rút một phần ra khỏi khu vực này. Trong số các vấn đề của vùng Vịnh, hỗ trợ quân đội Liban là một mong muốn của Ả Rập Xê Út. Ả Rập Xê Ú hy vọng Pháp sẽ can dự mạnh hơn trong việc này, bởi quân đội Liban là một định chế cuối cùng, là biểu tượng cho sự thống nhất của quốc gia rất phân rẽ này, ở mức độ tối thiểu. Theo một số thông tin, Ả Rập Xê Út sẵn sàng bỏ ra 3 tỷ đô la để Paris giúp quân đội Liban tăng cường lực lượng.

“Pháp, đồng minh tốt nhất của Ả Rập Xê Út tại Liban cũng như tại Syria” là tựa đề bài viết khác cũng về chủ đề này trên tờ Le Monde.

Twitter : Doanh nghiệp mạng đắt giá nhất trên sàn chứng khoán Mỹ

Về kinh tế thế giới, sức hấp dẫn đang lên của Twitter trên sàn chứng khoán là chủ đề quan tâm chính của báo Le Monde với hồ sơ mang tựa đề “Internet : Twitter làm náo loạn chứng khoán”. Được lên sàn vào đầu tháng 11, cổ phiếu của mạng xã hội Twitter đã tăng lên gấp ba lần trong vài tuần lễ.

Twitter, mạng xã hội được khoảng 230 triệu người sử dụng, đang trở thành doanh nghiệp mạng đắt giá nhất tại Hoa Kỳ. Tổng giá trị chứng khoán của Twitter hiện nay là 36 tỷ đô la, cao hơn gấp 60 lần doanh số dự đoán theo các nhà phân tích. Sức hấp dẫn bất ngờ của Twitter khiến nhiều doanh nghiệp mạng khác muốn lên sàn ngay vào năm tới để kiếm lời, trong cơn sốt chứng khoán này. Viễn cảnh này khiến một số nhà phân tích lo ngại có thể hình thành một bong bóng Internet mới, sau vụ bùng nổ bong bóng chứng khoán Internet vào năm 2000.

Châu Âu chưa chuẩn bị để thích nghi với biến đổi khí hậu

Le Figaro quan tâm đến vấn đề thích nghi với biến đổi khí hậu vốn chưa được Châu Âu chú ý đúng mức qua bài viết “Khí hậu : Châu Âu khó thích nghi”. Tờ báo nhận định trong khi các chương trình hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính có nhiều tiến bộ, thì các chương trình thích nghi lại chậm trễ. Le Figaro tin tưởng Châu Âu sẽ đạt được mục tiêu giảm 20% lượng khí thải vào năm 2020, nhưng nhiều việc còn chưa được chuẩn bị để làm tốt việc thích nghi với biến đổi khí hậu.

Theo Le Figaro, điều đầu tiên là cần phải thay đổi tâm lý cho rằng có thể chống lại biến đổi khí hậu, để mở đường cho cách nhìn khác : cách nhìn chú trọng việc thích nghi. Hiện tại, các kế hoạch hành động thích nghi còn chưa được cụ thể hóa bằng con số. Trong các chương trình hành động về môi trường của các cấp chính quyền Châu Âu, phần dành cho việc thích nghi chỉ mới chiếm một vài trang nhỏ, trong số một loạt các biện pháp nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Một số nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu công chúng không chú ý đúng mức đến vấn đề này, để có các hành động tương thích, các hệ quả tiêu cực có thể sẽ rất lớn.

Pháp : Có nên trừng phạt Dieudonné

Về thời sự nước Pháp, vụ bê bối liên quan đến những lời lẽ bài Do Thái của nghệ sĩ hài Pháp gốc Phi Châu Dieudonné khiến báo chí Pháp tốn nhiều giấy mực, sau khi Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls tuyên bố nên cấm các buổi biểu diễn của ông Dieudonné, để tránh làm rối loạn trật tự công cộng.

Trong bài xã luận trên trang nhất “Nỗi hận thù và sự tỉnh táo”, La Croix bày tỏ nỗi thất vọng về tình trạng dư luận bị lôi cuốn một cách thiếu ý thức vào một cuộc tranh luận không đáng có, với nhận định “sự ngu dốt hạ đẳng này đã làm bùng cháy dư luận suốt kỳ nghỉ”. Tờ báo Công giáo kết luận : “Đối diện với nỗi thù hận, câu trả lời không thể dựa trên tính chất chủ quan của một quyết định hành chính, mà phải dựa trên sự sắc bén của luật pháp, về nguyên tắc không thiên vị”.

Về chủ đề này, Libé ration có hồ sơ trên trang nhất mang tựa đề “Dieudonné : Kiểm duyệt hay không ?”. Theo tờ báo, mọi hành động kiểm duyệt các cuộc biểu diễn sẽ phản tác dụng, và điều này chỉ khiến ông Dieudonné tự khép mình trong các ảo giác và biến mình trở thành nạn nhân.

Tuy nhiên, không nên do dự trong việc trừng phạt ông ta, nếu như ông ta phạm luật. Đặc biệt Libération khuyến cáo, truyền thông, các bậc phụ huynh, giới sư phạm nên làm tốt công việc giải thích cho công chúng, cho giới trẻ để họ thông hiểu câu chuyện này, một cách bài bản.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.