Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - QUÂN SỰ

Trung Quốc cải tổ các quân khu để đối phó với Nhật Bản

Bắc Kinh đang xem xét phương án thu gọn các quân khu của mình từ bảy xuống còn năm để có thể đối phó một cách nhanh chóng hơn với một cuộc khủng hoảng. Tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun đã tiết lộ tin trên vào hôm nay, 01/01/2014, và cho biết thêm : Đây là một biện pháp của Trung Quốc nhằm chống lại liên minh quân sự Mỹ-Nhật.

Chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc thử nghiệm cất, hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh của Tân Hoa xã công bố ngày 25/11/2012.
Chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc thử nghiệm cất, hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh của Tân Hoa xã công bố ngày 25/11/2012. REUTERS/Xinhua/Zha Chunming
Quảng cáo

Trích dẫn các quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc và một số nguồn tin khác, tờ báo Nhật cho biết : Mỗi quân khu mới sẽ thành lập một bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp, điều khiển các lực lượng lục quân, hải quân và không quân cũng như một đơn vị tên lửa chiến lược. 

Phương án mới này đánh dấu một sự chuyển hướng từ chiến thuật chủ yếu mang tính chất phòng thủ dựa vào bộ binh, sang một chiến thuật linh hoạt hơn, kết hợp ba binh chủng hải, lục và không quân với các đơn vị tên lửa chiến lược.

Theo báo Yomiuri, một quan chức Trung Quốc thẩm định : « Đây là một biện pháp chủ động mà mục tiêu là đối phó với liên minh Nhật - Mỹ ». Kế hoạch tinh giản tổ chức quân đội Trung Quốc, còn nhằm tăng cường năng lực tấn công để đảm bảo thế thượng phong của không quân và hải quân Trung Quốc trên cả hai vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Bối cảnh của quyết định trên đây là tình trạng căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh do tranh chấp dai dẳng về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, hiện do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Hoa Kỳ, dù vẫn khẳng định không đứng về bên tranh chấp chủ quyền nào, nhưng đã cho rằng các hòn đảo thuộc quyền quản lý của Nhật Bản, và như vậy, nằm trong phạm vi áp dụng của hiệp ước an ninh theo đó Washington phải can thiệp để bảo vệ Tokyo, trên nguyên tắc, vẫn là một nước chủ hòa, không có quân đội.

Trung Quốc, vốn đã tranh thủ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ để gia tăng đáng kể các chi tiêu quân sự trong thập kỷ qua, cũng đang tranh giành chủ quyền trên Biển Đông với 4 nước Đông Nam Á, đặc biệt là với Philippines và Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.