Vào nội dung chính
THÁI LAN

Đảng Puea Thai bắt đầu chiến dịch tranh cử

Bất chấp phản đối của phong trào đối lập, đảng Puea Thai của đương kim Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã quyết định khởi động vào hôm nay, 04/01/2014 chiến dịch vận động tranh cử vào Quốc hội mới. Cuộc bầu cử dự trù vào tháng Hai tới đây đã bị phe đối lập tẩy chay, trong lúc những người biểu tình chống chính phủ đang chuẩn bị "đóng cửa" Bangkok.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawtra trả lời phóng viên tại trụ sở đảng Puea Thái - REUTERS /Sukree Sukplang
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawtra trả lời phóng viên tại trụ sở đảng Puea Thái - REUTERS /Sukree Sukplang
Quảng cáo

Chiến dịch vận động tranh cử của đảng Puea Thai bất đầu bằng những cuộc mít tinh tại miền Bắc và ở vùng ngoại ô thủ đô Bangkok, nơi mà trong thời gian gần đây đã bị nhiều cuộc biểu tình đôi khi biến thành bạo lực, đã làm cho 8 người thiệt mạng và khoảng 400 người bị thương.

Lãnh đạo đảng Puea Thai, ông Jarupong Ruangsuwan tuyên bố : « Tôi tin tưởng rằng chiến dịch sẽ diễn ra suôn sẻ - Chúng tôi không phải là những kẻ gây ra xung đột ». Nhân vật này cho biết thêm rằng khẩu hiệu cuộc vận động tranh cử sẽ là kêu gọi mọi người đi bỏ phiếu để « bảo vệ nền dân chủ ».

Nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã quyết định giải tán Quốc hội đương nhiệm và tổ chức cấp tốc một cuộc bầu cử trước thời hạn sau khi phải chịu áp lực dữ dội từ phía những người biểu tình. Những người này đã tỏ quyết tâm giúp đất nước thoát khỏi điều mà họ cho là ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - anh trai bà Yingluck - được cho là vẫn khống chế đảng Puea Thai từ nơi ông sống lưu vong là Dubai.

Nền chính trị Thái Lan thường xuyên bị lâm vào cảnh mất ổn định kể từ khi ông Thaksin bị giới tướng lãnh bảo hoàng lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2006.

Các cuộc biểu tình hiện nay, do một cựu dân biểu đối lập dẫn đầu, đã bùng lên sau khi chính quyền dề xuất một kế hoạch ân xá có khả năng cho phép ông Thaksin yên ổn về nước. Kế hoạch này sau đó đã bị tạm gác qua một bên.

Phong trào biểu tình, chủ yếu bao gồm những người miền Nam, bảo hoàng, tầng lớp trung lưu và trí thức sống ở đô thị, đã đe dọa là sẽ phá vỡ cuộc bầu cử vào ngày 02 Tháng Hai. Họ đã ngăn không cho các ứng cử viên đăng ký tại một số tỉnh phía Nam nơi phong trào đối lập chiếm ưu thế. Điều này có thể dẫn đến tình trạng Quốc hội không có đủ đại biểu để chọn một Thủ tướng.

Những người biểu tình cũng đã tuyên bố là sẽ chiếm đóng Bangkok kể từ ngày 13 tháng Giêng, để ngăn không cho công chức đển sở làm, đồng thời cúp điện, nước của các cơ quan chính phủ. Họ cũng có kế hoạch nhiều cuộc tuần hành ở thủ đô bắt đầu từ ngày mai 05/01 để tạo thêm động lực cho chiến dịch chiếm đóng Bangkok.

Về phần mình, Đảng Dân chủ Thái Lan, thành tố chính trong phe đối lập, đã cam kết hậu thuẫn cho các cuộc biểu tình và quyết định tẩy chay cuộc bầu cử.

Riêng Ủy ban Bầu cử Quốc gia, sau khi đã yêu cầu dời lại cuộc bầu cử và đã bị chính phủ từ chối, vào hôm qua, định chế này cho biết là cuộc bầu cử sẽ được tiến hành như dự kiến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.