Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc dùng Binh pháp Tôn Tử để chinh phục châu Âu

Trung Quốc tấn công vùng Trung Âu, đó là tựa đề bài phân tích của thông tín viên tờ Le Monde tại Bucarest trong số báo đề ngày hôm nay, 04/01/2014. Mở đầu bài báo, tác giả nhắc lại rằng cách đây 2500 năm, Tôn Tử, tác giả cuốn Tôn Tử Binh pháp nổi tiếng, đã từng viết : "Chiến lược thắng lợi trọn vẹn là không cần đánh mà khuất phục được kẻ địch".

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường - Reuters
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường - Reuters
Quảng cáo

Theo thông tín viên tờ Le Monde, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dường như đã học được bài học đó. Lên nắm quyền từ tháng 03/2013, ông đã đến Bucarest vào tháng 11 năm ngoái để dự Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Đông Âu lần thứ 3. Tháp tùng ông là một phái đoàn hùng hậu gồm khoảng 200 chủ công ty Trung Quốc.

Sau khi đã đổ vào châu Phi hàng tỷ đôla, nay Trung Quốc vung tiền sang Trung Đông Âu. Tại thượng đỉnh Bucarest, ông Lý Khắc Cường đã loan báo Bắc Kinh sẵn sàng cấp 10 tỷ euro tín dụng cho các nước Đông Âu. Rumani, quốc gia đã đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2013, hy vọng sẽ nhận được hơn phân nửa khoản tín dụng đó. Bộ trưởng Giao thông Rumani cho biết các nguồn tài trợ của châu Âu không đủ cho các dự án cơ sở hạ tầng, cho nên nước này phải tìm thêm các nguồn tín dụng khác.

Nhưng theo thông tín viên tờ Le Monde, khi chinh phục Trung Đông Âu, Trung Quốc muốn nhắm đến mục tiêu xa hơn, đó là thâm nhập các thị trường của Liên hiệp châu Âu. Trung Quốc muốn lợi dụng thế yếu của Liên hiệp châu Âu để tiến về phía Tây.

Cuộc họp thượng đỉnh ở Bucarest là nằm trong kế sách « chia để trị ». Trong một châu Âu có hai vận tốc, với một bên các nước Cộng sản cũ thuộc khối Đông Âu nghèo và các nước Tây Âu giàu có, Trung Quốc đã tìm thấy một mảnh đất mầu mỡ để đầu tư hàng tỷ euro và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn.

Cũng theo thông tín viên tờ Le Monde, thế hệ trẻ ở Đông Âu nay rất thất vọng trước một châu Âu già cỗi đang bị quyến rũ bởi những luận điệu bài ngoại. Trung Quốc đã hiểu điều đó và ông Lý Khắc Cường nay muốn « không cần đánh mà vẫn khuất phục được kẻ địch ».

Ngày tàn của Chu Vĩnh Khang

Cũng về Trung Quốc, tờ Le Monde hôm nay quan tâm đến sự thất sủng của Chu Vĩnh Khang, nhân vật mà cho đến tháng 11/2012 còn là một trong 9 ủy viên ban thường vụ Bộ Chính trị, tức là những nhân vật lãnh đạo cao nhất trong chế độ Bắc Kinh.

Le Monde nhắc lại thông tin của Tân Hoa Xã ngày 02/01 loan báo vụ bắt giữ ông Lý Sùng Hy, một nhân vật thân cận với cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc.

Cho tới nay, theo thông lệ, trong các vụ thanh toán chính trị tại Trung Quốc, không bao giờ các uỷ viên ban thường vụ Bộ Chính trị bị cáo buộc công khai. Nhưng chủ tịch Tập Cận Bình đã cho thấy là ông không ngần ngại làm theo cách của ông. Trong cuộc chiến chống tham nhũng nhằm phục hồi uy tín của Đảng cũng như nhằm củng cố quyền lực cá nhân, họ Tập đã hứa là không chừa một ai, từ hàng « ruồi muỗi » cho đến « cọp beo ».

Theo nhận định của Le Monde, đánh vào Chu Vĩnh Khang là một cách để Tập Cận Bình thanh toán di sản của thế hệ lãnh đạo cũ, thế hệ của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Đó là thời kỳ mà mặc dù chính quyền vẫn rêu rao quyết tâm chống tham nhũng và xây dựng một xã hội hài hòa, nhưng giới lãnh đạo vẫn bất lực và xung đột xã hội ngày càng trầm trọng.

Cam Bốt : Bất mãn xã hội ngày càng lớn 

Vụ đàn áp biểu tình đẫm máu tại Cam Bốt ngày 03/01 cũng thu hút sự chú ý của các nhật báo Pháp hôm nay, qua hàng tựa của Le Figaro : « Tại Cam Bốt, công nhân dệt may thách thức chính quyền ».

Tờ báo cho biết, theo các nhà quan sát, nỗi bất mãn của người dân Cam Bốt với Hun Sen ngày càng tăng. Những vụ vi phạm nhân quyền, nạn tham nhũng và vơ vét tài nguyên (đất, gỗ, khoáng sản, dầu khí) thường xuyên được nêu lên, nhưng chẳng làm cộng đồng quốc tế quan tâm.

Tờ báo Aujourd’hui en France thì báo động là bùng nổ xã hội từ các nhà máy dệt may có nguy cơ lan rộng ra toàn Cam Bốt, một đất nước vừa nghèo vừa tham nhũng thối nát, dưới sự lãnh đạo của Hun Sen cầm quyền suốt từ năm 1985 đến nay.

Vụ hành hung phóng viên độc lập Ukraina

Về thời sự châu Âu, tờ Libération hôm nay trở lại sự kiện một nữ phóng viên đối lập Ukraina, Tetiana Tchornovol, bị hành hung dã man trong đêm Noel vừa qua. Các nhà hoạt động nghĩ rằng đây là một hành động trả đũa từ phía chính quyền Kiev.

Tờ báo nhắc lại là trước ngày bị hành hung, Tetiana vừa đăng trên trang blog của cô nhiều bức ảnh chụp dinh thự nguy nga của bộ trưởng Quốc phòng Urkaina với hàng tựa « Đây là nơi một tên đồ tễ đang sống ».

Vụ tấn công nhà báo nói trên đã gây chấn động dư luận Ukraina, vào lúc mà phong trào biểu tình chống chính phủ bước vào tuần thứ sáu. Từng ra ứng cử nhưng đã thất cử trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 10 năm ngoái, Tetiana còn tham gia rất tích cực vào phong trào biểu tình và đã vài lần trực tiếp xung đột với cảnh sát. Nhà báo độc lập Nataliya Goumenyouk lo ngại là sẽ có nhiều phóng viên điều tra khác bị tấn công như Tetiana.

Nhân dịp này, Libération đăng bài phỏng vấn cựu tổng thống Viktor Iouchtchenko. Cựu lãnh đạo Ukraina cho rằng những người biểu tình hiện đang đấu tranh cho một định hướng chính trị mới, đó là con đường hội nhập châu Âu.

Theo ông Iouchtchenko, Ukraina chỉ có hai con đường : xích gần lại châu Âu, tức là con đường hiện đại hóa, đối lại với con đường thân Nga. Ông cảnh báo rằng, nếu không có sự yểm trợ của châu Âu, Urkaina sẽ khó mà cưỡng lại sức hút của nước Nga, mà theo nước Nga thì « chẳng khác gì đi vào nhà tù ».

Trang nhất các báo Pháp

Các nhật báo Pháp hôm nay đưa tựa lớn trên trang nhất về những đề tài rất khác nhau. Tờ Le Monde báo động về việc « Quân đội Pháp kẹt giữa gọng kềm ở Bangui ( thủ đô Trung Phi ) ». Tờ Le Figaro chú trọng đến hiện trạng « Châu Âu bất lực trước làm sóng nhập cư trái phép ». Nhật báo Công giáo la Croix thì quy trở lại Thế chiến thứ nhâấ 1914, nhân dịp kỷ niệm 100 năm khởi đầu cuộc chiến tàn khốc này.

Báo Libération thì đăng lời kêu gọi của nhà sử học Pierre Rosanvallon mời người dân Pháp kể chuyện đời thường trên giấy hoặc trên mạng, để có thể hiểu được xã hội Pháp hiện nay. Nhật báo bình dân Aujourd’hui en France loan tin ngay trên trang nhất là tại Paris sắp có một khách sạn dành riêng cho... mèo và các dịch vụ chăm sóc loài thú này đang mọc lên như nấm.

Khách sạn dành cho các chú .... mèo

Ai cũng biết rằng dân Pháp rất cưng chó mèo, sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để chăm sóc những con thú cưng này, thậm chí mướn khách sạn cho chúng. Theo tờ Aujourd’hui en France, một khách sạn dành riêng cho mèo sắp mở cửa tại Paris.

Tờ báo cho biết giá phòng của khách sạn mang tên Aristide là 25 euro một đêm, 50 euro cho cuối tuần và 150 euro cho cả tuần. Mỗi « phòng » rộng khoảng 4 thước vuông để các chú mèo có thể vui chơi thoải mái. Khách sạn có thể đón tiếp cùng lúc 25 vị khách bốn chân. Chưa gì đã có 150 khách giữ chỗ trước.

Từ tháng 10 năm ngoái tại Pháp cũng đã có một trang web mang tên Bibulun, nay quy tụ đến 2000 thành viên, gồm những người sẵn sàng giữ giùm chó mèo cho những người khác với tiền công.

Nhưng theo tờ Aujourd’hui en France, vào thời điểm khủng hoảng như hiện nay, những dịch vụ nói trên gây bất bình cho nhiều người vì đang có biết bao người đang cần trợ giúp. Tại thủ đô Berlin của Đức, hiện cũng đã có một cửa hàng thức ăn dành riêng cho chó mèo và báo chí Đức cũng đã đồng thanh phản đối.

Con vua vẫn làm vua ... người giàu lại giàu thêm  

Sẵn nói về chuyện giàu nghèo, cũng xin điểm qua một bài trên tờ Libération hôm nay, theo đó, trong năm 2013, 300 người giàu nhất thế giới lại còn giàu thêm, với lợi nhuận tổng cộng 524 tỷ đôla.

Như vậy là kể từ nay họ nắm giữ tổng cộng 3.700 tỷ đôla, tức là gần gấp một rưỡi GDP của nước Pháp hay gấp 1000 lần GDP của Burkina Faso. Chỉ với món tiền 524 tỷ đôla là đủ để giúp 1,2 tỷ người trên thế giới thoát ra khỏi tình trạng nghèo khó cùng cực.

Trong số 200 tỷ phú giàu nhất toàn cầu, nhiều nhất là Mỹ với 66 người. Trong số này chỉ có 9 người Pháp. Còn số nhà tỷ phú Trung Quốc (16) cao gấp đôi so với Ấn Độ (8).

Cũng theo Libération, xu hướng đã giàu lại còn giàu thêm sẽ tiếp diễn trong năm nay, bởi vì các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục cho vay tiền gần như miễn phí. Do các lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp, các thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng điểm và kinh tế sẽ tăng ít nhất là 2%.

Phần điểm báo hôm nay xin kết thúc bằng một tin vui cho những người đầu hói. Theo tờ Le Figaro, các nhà nghiên cứu Anh và Mỹ vừa lập được một kỳ công, đó là nuôi lớn trong phòng thí nghiệm những nhóm nhỏ tế bào có thể sản sinh ra những sợi tóc. Tiến bộ khoa học này mang lại hy vọng là một ngày nào đó chúng ta có thể tái tạo cả một mái tóc bồng bềnh từ một vài chân tóc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.