Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Cánh cửa chỉ mới hé mở cho bà Aung San Suu Kyi tranh cử tổng thống

Hôm qua, 05/01/2014, hàng ngàn người đã biểu tình ở Rangun để đòi xóa bỏ những đạo luật mang tính trấn áp và chấm dứt các vụ bắt giữ mang tính chính trị ở Miến Điện. Nhưng những người biểu tình cũng đòi chính phủ sửa đổi bản Hiến pháp năm 2008, để lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi có thể lên làm tổng thống Miến Điện.

Bà Aung San Suu Kyi lần đầu bước vào Quốc hội Miến Điện tại Naypyitaw ngày 2/5/2012.
Bà Aung San Suu Kyi lần đầu bước vào Quốc hội Miến Điện tại Naypyitaw ngày 2/5/2012. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Hiến pháp Miến Điện năm 2008, do chính quyền quân sự cũ soạn thảo, đã được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý đúng một tuần sau cơn bão Nargis ( khiến 138 ngàn người chết và mất tích ). Hiến pháp này trao rất nhiều quyền cho phe quân đội, trong đó họ được nắm 25% số ghế của Quốc hội không cần qua bầu cử.

Đặc biệt, Hiến pháp hiện hành cấm một công dân Miến Điện có chồng hoặc con mang quốc tịch nước ngoài trở thành Tổng thống. Điều khoản này như vậy cản trở nhà đối lập Aung San Suu Kyi lên làm nguyên thủ quốc gia Miến Điện, bởi vì chồng quá cố của bà là người Anh, và hai con trai của bà hiện mang quốc tịch nước ngoài.

Bà Aung San Suu Kyi đã cho biết sẽ đại diện đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ra tranh chức tổng thống Miến Điện. Chức vụ này sẽ được chọn bởi các dân biểu Quốc hội được bầu lên trong cuộc bầu cử năm 2015. Liên đoàn quốc gia vì dân chủ được dự báo là sẽ giành thắng lợi và như vậy ứng cử viên của đảng này trên nguyên tắc sẽ được chọn là tổng thống .

Trong thời gian gần đây, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã liên tiếp đưa ra lời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp Miến Điện theo đúng các chuẩn mực dân chủ. Ngày 02/01 vừa qua, ngay chính tổng thống Miến Điện Thein Sein cũng đã tuyên bố ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sửa đổi điều khoản cản trở nhà đối lập Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống.

Là một cựu tướng lãnh, tiếng nói của ông Thein Sein dĩ nhiên là có ảnh hưởng rất lớn, thế nhưng theo quy định hiện hành, mọi sửa đổi Hiến pháp cần phải được thông qua với hơn 75% số phiếu ở Quốc hội. Điều này có nghĩa là muốn sửa đổi Hiến pháp, nhất thiết phải có sự ủng hộ của phe quân sự Miến Điện, mà như đã nói ở trên hiện đang nắm 25% số ghế ở Quốc hội. Chính vì vậy mà thứ bảy tuần trước, bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi quân đội tham gia vào việc cải tổ Hiến pháp.

Từ cách đây vài tháng, một Ủy ban Quốc hội, gồm đại diện của các chính đảng và của quân đội, đã bắt đầu họp bàn về cải tổ Hiến pháp Miến Điện. Ủy ban này sẽ trao báo cáo kết luận trước cuối tháng Giêng. Nhưng không chắc là ủy ban này sẽ đưa ra những đề nghị theo đúng mong muốn của phe đối lập. 

Trước mắt, người ta được biết là Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang, đảng của tổng thống Thein Sein, hiện nắm đa số ở Quốc hội Miến Điện, chỉ đề nghị một sửa đổi nhỏ về Hiến pháp, tức là con dâu của ứng cử viên tổng thống không nhất thiết là công dân Miến Điện. Nhưng các dân biểu đảng này vẫn giữ nguyên quy định là các con của ứng cử viên tổng thống phải là người mang quốc tịch Miến Điện. Theo lời một dân biểu Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang, để bà Aung San Su u Kyi tranh cử tổng thống, hai con trai của bà phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài và xin nhập tịch Miến Điện.

Trong bài phát biểu ngày 02/01, tổng thống Thein Sein đã không nhắc đến những đề nghị sửa đổi Hiến pháp của đảng cầm quyền, cũng như không nói rõ là ông sẽ thúc đẩy đảng của ông đi xa hơn nữa hay không. Hiện cũng chưa biết là ông Thein Sein có tranh chức tổng thống nhiệm kỳ 2 hay không.

Một điều chắc chắn là các ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền sẽ tìm cách ngăn chận việc sửa đổi Hiến pháp theo hướng có lợi cho nhà đối lập Aung San Suu Kyi, cho dù làm như vậy là đi ngược lại với xu thế dân chủ hóa ở Miến Điện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.