Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Thái Lan : Cuộc đọ sức lại tiếp tục

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan kéo dài từ hai tháng qua, sau ít ngày cuối năm dịu xuống, nay đang có dấu hiệu bùng phát trở lại đẩy đất nước này vào vòng bất ổn không lối thóat. Những diễn biến qua và sắp tới ở chính trường Thái tiếp tục thu hút chú ý của báo Pháp trong ngày.

Biểu tình chống chính phủ Thái tại Bangkok. Ảnh ngày 07/01/2014.
Biểu tình chống chính phủ Thái tại Bangkok. Ảnh ngày 07/01/2014. REUTERS/Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Nhật báo L’Humanité có bài : « Thái Lan bấp bênh giữa đảo chính tư pháp và quân sự ». L’Humanité trở lại sự kiện hôm thứ Ba đầu tuần ( 07/01/2014), Ủy ban quốc gia chống tham nhũng Thái Lan (Nacc) thông báo dự định kiện 308 nghị sĩ, đa phần thuộc đảng cầm quyền Puea Thai. Theo cơ quan này các nghị sĩ nói trên đã vi phạm luật pháp lấy cớ cải cách Hiến pháp để thay đổi quy chế Thượng viện.

Hồi tháng 11/2013, tòa Bảo hiến nước này đã đánh giá ý đồ cải cách Thượng viện của các nghị sĩ trên là nhằm « lật đổ chế độ dân chủ ». Theo phát ngôn viên của Ủy ban nói trên, đa số các nghị sĩ này đang chuẩn bị ra ứng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào ngày 02/02/2014. Nếu bị buộc tội thì các nghị sĩ này sẽ buộc phải rút khỏi cuộc bầu cử sắp tới, vốn đang bị đối lập tẩy chay. Như vậy thất bại trong việc tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn như dự định thì Thái Lan sẽ rơi vào cuộc chiến pháp lý với trọng tài là tòa Bảo hiến.

Phe thân chính phủ hiện nay cho đây là một hình thức đảo chính nhằm gạt đảng Puea Thai ra khỏi chính quyền bằng con đường tư pháp. Trong khi mà đảng này từ năm 2001 đến nay liên tục giành thắng lợi trong mọi cuộc bầu cử. Đã hai lần các đảng phái lên thay thế Puea Thái nắm quyền bị giải tán vì vi phạm luật bầu cử.

L’Humanité nhận thấy, giờ đây quân đội không dính dáng, đẩy trách nhiệm cho chính phủ trong cuộc khủng hoảng lần nay. Mặt trận thống nhất vì dân chủ và chống độc tài, một tổ chức thân chính phủ đã cảnh báo nếu xảy ra đảo chính thì những người Áo Đỏ và tất cả những ai yêu dân chủ sẽ phản công lại và Thái Lan sẽ thay đổi không còn như ngày nay. Trái lại cảnh báo này cho thấy viễn cảnh chính trường Thái lại sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn không thóat ra được.

Trong khi đó, nhật báo Les Echos có bài : « Khủng hỏang Thái Lan sẽ trầm trọng với việc phong tỏa Bangkok ». Tờ báo đề cập đến những diễn biến sắp tới vào ngày 13/01/2014, phong trào chống chính phủ do đối lập dẫn đầu sẽ phong tỏa toàn bộ thủ đô Bangkok. Mục đích chính của đối lập vẫn là gây hỗn loạn khiến chính phủ không thể họat động được và phải giải tán.

Giới quan sát chính trị cho rằng với cuộc phong tỏa sắp tới đối chơi lá bài « được ăn cả ngã về không ». Theo Les Echos, trong trường hợp cuộc huy động sắp tới không thành và phong trào chống chính phủ suy yếu thì đối lập sẽ tiếp tục dùng đến kế họach B là vụ kiện của Ủy ban chống tham nhũng như đã nêu ở trên.

Mục tiêu của đối lập Thái Lan, theo Les Echos, là gây ra biến động để thúc đẩy quân đội phải nhảy vào hành động. Còn với bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra thì cuộc biểu tình tới đây sẽ là một thách thức mới. Sau khi bà đã đưa ra nhiều đề nghị với đối lập nhưng không được chấp nhận. Mặc dù kiên quyết không từ chức, chỉ chấp nhận thất bại nếu có thông qua bầu cử, nhưng bà thủ tướng đã chứng tỏ mình bất lực không thể tháo ngòi nổ của cuộc khủng hoảng lần này.

Với Les Echos, cuộc xung đột hiện nay mang giá trị trắc nghiệm cho cả hệ thống chính trị của Thái Lan. Có hai điều mà người Thái đang phải lựa chọn lúc này : hoặc để cuộc bầu cử diễn và chấp nhận kết qủa của nó, họăc là lại có thêm một cuộc đảo chính đưa tất cả về vạch xuất phát. Ở trường hợp thứ nhất thì Thái Lan thoát khỏi khủng hoảng với hình ảnh được cải thiện. Còn trong trường hợp thứ hai, Thái Lan tiếp tục với những bất ổn tiềm tàng.

Trung Quốc tiêu hủy nhưng vẫn cho kinh doanh ngà voi

Tiếp tục với những tin tức châu Á, vẫn trên báo Le Monde. Tờ báo trở lại với sự kiện cách đây ít hôm « Trung Quốc hủy 6 tấn ngà voi nhưng ở Thượng Hải việc buôn bán (ngà voi) vẫn tồn tại ».

Hôm 6 tháng Giêng vừa qua, trước sự chứng kiến của nhiều nhà ngoại giao, đại diện các tổ chức phi chính phủ và đông đảo báo giới, trong khuôn khổ của cuộc đấu tranh chống săn bắn trái phép voi châu Phi, Trung Quốc tiến hành tiêu hủy một phần kho ngà voi và sản phẩm từ ngà gồm hơn 6 tấn.

Hai tháng trước, Hoa Kỳ cũng đã tiêu hủy 6 tấn ngà voi. Philippines, Gabon và Kenya gần đây cũng đã tổ chức các sự kiện tương tự. Tuy nhiên chiến dịch của Trung Quốc được người ta chú ý nhiều hơn vì nước này tiêu thụ tới 70% lượng ngà voi buôn bán trên thế giới. Ít nhất trong ba năm qua, hải quan nước này đã thu giữ được 16 tấn ngà voi. Mặc dù đó là những cố gắng đáng ghi nhận nhưng, theo Le Monde, ở Trung Quốc vẫn tồn tại thị trường buôn bán ngà voi hợp pháp. Như ở Thượng Hải vẫn còn hàng chục cửa hàng được cấp phép kinh doanh sản phẩm ngà voi. Người ta vẫn có thể tìm thấy ở đó những chiếc ngà voi được trạm khắc tinh xảo bán với giá lên tới trên 100 nghìn euro.

Vì thế Le Monde cho rằng, cần phải cấm mọi hình thức buôn bán để ngăn chặn nhu cầu tiêu thụ. Việc này thuộc trách nhiệm ở cấp cao trong chính phủ Trung Quốc.

Pháp : Mô hình hội nhập cho người nhập cư bắt đầu có vấn đề

Về thời sự nước Pháp, báo Công giáo La Croix chạy tựa trang nhất « những trục trặc của hội nhập » nhân dịp hôm nay chính phủ Pháp thông báo những điều chỉnh trong chính sách hội nhập cho người nhập cư.

Theo La Croix, mô hình hội nhập cho người nhập cư của Pháp cần phải cải tiến lại. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong dư luận và đã đã nhiều lần được các chính phủ ở Pháp cân nhắc nhưng chưa làm được gì. Nhưng rõ ràng việc xem xét lại chính sách hội nhập cho người nhập cư vào Pháp lúc này là cần thiết.

Nước Pháp, trước kia từng được coi là vùng đất cởi mở, đã đón nhận 5 triệu người nhập cư mà trong đó 40% đã được nhập quốc tịch. Ban đầu mô hình hội nhập xã hội của Pháp có vẻ như vận hành hoàn hảo. Nhưng cùng với thời gian, vấn đề này ngày càng trở nên phức tạp khi các cộng đồng nhập cư cùng với sắc màu văn hóa và tôn giáo đa dạng đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cũng như kinh tế cho nước Pháp. Làm sao vẫn thừa nhận tính đa dạng văn hóa đồng thời vẫn bảo vệ được giá trị và bản sắc văn hóa của nước Pháp và của người Pháp ? Đây là vấn đề luôn gây tranh luận gay gắt mỗi khi người ta đề cập đến việc xem xét lại chính sách hội nhập.

Tây Ban Nha : Nghèo vì lãng phí

Nhìn sang nước láng giềng Tây Ban Nha, Libération đề cập đến tình trạng lãng phí tiền của trong khi Tây Ban Nha vẫn là một trong số những nước nghèo của châu Âu. Nhiều năm qua nước này đang phải vất vả chống chọi với khủng hoảng nợ nần, đó chính là hậu quả của một thời đầu tư ném tiền qua cửa sổ.

Libération chạy tựa bài viết : « Tây Ban Nha ném tiền tỷ qua cửa sổ ». Tờ báo điểm lại ở đất nước đang nợ nần chồng chất này hiện nay có rất nhiều công trình hạ tầng cơ sở bị bỏ dở hoặc không được sử dụng có hiệu quả. Đó là những dự án được thực hiện từ các nguồn vốn của nhà nước trong khoảng từ năm 1998 đến năm 2008.

Libération dẫn tra ví dụ, công trình xây dựng sân bay Don Quichotte tại thành phố Ciudad Real, cách Madrid 1 giờ xe lửa tốc hành. Sân bay này vừa được rao bán 100 triệu euro, tức là chỉ bằng 10% kinh phí xây dựng ban đầu lấy từ ngân sách nhà nước. Giờ đây người ta có thể tìm thấy ở Tây Ban Nha rất nhiều sân bay xây xong rồi bỏ hoang, những tuyến đường bộ thu tiền nhưng thưa thớt xe qua lại, những tuyến đường sắt có tàu chạy nhưng các toa trống không hay thậm chí có nhiều đài truyền hình không có camera mà cũng chẳng có phát sóng.

Đó là di sản để lại của một thập kỷ đầu tư mù quáng phục vụ những ý tưởng thích hoành tráng mà không hề tính đến hiệu quả kinh tế của công trình. Hậu quả là đến giờ Tây Ban nha mới rơi vào vũng lầy nợ nần mà từ hai năm nay vẫn chưa tìm cách nào thoát ra được.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.