Vào nội dung chính
TÂY TẠNG

Một tu viện Tây Tạng nổi tiếng bị hỏa hoạn

Theo báo chí chính thức Trung Quốc và các mạng xã hội hôm nay 10/01/2014, một tu viện được coi là một trong những trung tâm lớn nhất của Phật giáo Tây Tạng tại Trung Quốc và trong quá khứ đã từng bị chính quyền đàn áp, đã bị hỏa hoạn mà nguyên nhân chưa được biết rõ.

Khu Tu viện Phật giáo Tây Tạng Serthar (Larung Gar) tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Khu Tu viện Phật giáo Tây Tạng Serthar (Larung Gar) tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). DR
Quảng cáo

Trang thông tin chính thức Zhongguo Xinwen Wang ( Trung Quốc Tân Hoa Văn, trực thuộc Tân Hoa Xã) cho biết, Tu viện Phật giáo Tây Tạng Serthar hay còn gọi là Larung Gar nằm tại tỉnh Tứ Xuyên, đã bị thiệt hại nặng nề do một trận hỏa hoạn bùng lên vào tối thứ Năm 9/1.

Ngọn lửa đã phá hủy ít nhất 10 kiến trúc của tu viện, nhưng không có ai bị thương. Trang tin trên nhấn mạnh, khoảng 450 lính cứu hỏa, công an và nhân viên cứu hộ đã được huy động để dập tắt hỏa hoạn. Một cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm xác định nguyên nhân vụ cháy.

Những hình ảnh đăng trên mạng Vi Bác cho thấy rất nhiều người đứng ngoài đường vào lúc nửa đêm, mắt dán vào ngọn lửa khổng lồ đang nuốt dần các tòa nhà của tu viện. Trong một tấm ảnh, các nhân viên cứu hộ đang di chuyển những đống đổ nát, có vẻ đang giúp đỡ những nhà sư mặc áo cà sa.

Tu viện Serthar, gọi theo tiếng Hoa là Sắc Đạt (Seda) nằm trong khu vực Tây Tạng ở độ cao trên 4.000 km, và cách thành phố gần nhất hàng trăm cây số. Tu viện này được thành lập vào năm 1980, và nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm Phật giáo Tây Tạng nổi tiếng trên thế giới, với khoảng 10.000 nhà sư, ni cô và tiểu tăng sống trong những căn nhà gỗ nhỏ.

Nhưng vào năm 2001, công an vũ trang Trung Quốc đã xông vào buộc hàng trăm nhà sư và ni cô phải rời tu viện, và phá hủy hàng ngàn căn nhà. Công an đòi hỏi các tu sĩ phải ký những văn bản tố cáo Đạt Lai Lạt Ma -lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng luôn bị Bắc Kinh đả kích. Người sáng lập tu viện là Khenpo Jigme Phuntsok bị tống giam suốt một năm sau vụ này.

Đầu năm 2012, tu viện Serthar lại bị một làn sóng đàn áp. Theo một nhóm các nhà hoạt động lưu vong, công an đã dùng hơi cay trấn áp một cuộc biểu tình hòa bình của người Tây Tạng trong khu vực.

Đã có trên 120 người Tây Tạng tự thiêu từ năm 2009 đến nay để phản đối Trung Quốc đàn áp tôn giáo và mưu toan tiêu diệt nền văn hóa của dân tộc mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.