Vào nội dung chính
THÁI LAN

Người biểu tình dọa "bắt sống" Thủ tướng Thái

Bước sang ngày thứ hai của chiến dịch làm « tê liệt » thủ đô Bangkok, hôm nay 14/01/2014, lãnh đạo biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban đe dọa « bắt sống » Thủ tướng và các thành viên chính phủ nếu bà không chịu từ chức trong nhưng ngày tới. 

Đoàn biểu tình chống chính phủ tập hợp gần phố Chidlom - REUTERS /Chaiwat Subprasom
Đoàn biểu tình chống chính phủ tập hợp gần phố Chidlom - REUTERS /Chaiwat Subprasom
Quảng cáo

Tại Bangkok, người biểu tình vẫn tiếp tục chốt chặn các tuyến giao thông chính đồng thời tiếp tục bao vây các trụ sở công quyền. Chủ trương tránh đụng độ bạo lực, Thủ tướng Thái Lan hôm qua 13/01/2014 kêu gọi thương lượng và nêu khả năng hoãn bầu cử, đối lập vẫn dửng dưng trước đề nghị mới của bà Yingluck tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình. Thông tín viên RFI tại Bangkok, Frédéric Belge :

" Khoảng vài trăm người biểu tình sáng nay đã phong tỏa trong vài giờ văn phòng của hải quan cảng Bangkok nhưng không gây nhiều khó khăn cho chính quyền. Hành động tượng trưng này không mang lợi ích chiến lược bởi người biểu tình đã được mời quay trở lại một vị trí khác.

Cuối ngày hôm nay, các bộ có thể sẽ bị tấn công, nhưng hiện tại chính phủ khẳng định không một cơ quan hành chính nào bị ảnh hưởng bởi chiến dịch của Suthep Thaugsuban. Giao thông bị hạn chế tại nhiều điểm trong trung tâm thành phố, nhưng chính phủ của bà Yingluck Shinawatra vẫn chưa đến mức bị đẩy lùi vào những nơi cố thủ cuối cùng của mình.

Tối qua, bà Thủ tướng đã phát biểu kêu gọi các đảng phái chính trị cùng ngồi lại họp với nhau vào thứ Tư 15/01/2014 để thảo luận về khả năng hoãn lại cuộc bầu cử dự tính diễn ra vào ngày 02/02 tới đây. Cử chỉ này được đánh giá nhằm tháo gỡ chiến dịch phong tỏa thủ đô.

Hiện tại, lãnh đạo phong trào phản kháng Suthep Thaugsuban vẫn khăng khăng nói ông sẽ không chấp nhận một thỏa hiệp nào, tuy nhiên trong một phát biểu hôm qua, ông cũng ngỏ ý mong muốn tìm được giải pháp chấm dứt xung đột. Một lối thoát có thể chỉ xảy ra nếu bà Yingluck Shinawatra và chính phủ từ chức để thay thế bằng Hội đồng nhân dân như ông Thaugsuban mong muốn là đã đến lúc phải thay đổi thể chế của đất nước."

Cho đến cuối ngày hôm nay, chiến dịch phong tỏa thủ đô của đối lập vẫn diễn ra không có sự cố nào. Chính phủ cho biết vẫn họat động bình thường. Chính quyền thông báo đã cho triển khai khoảng 20 nghìn cảnh sát và binh lính tại thủ đô.

Tuy nhiên, theo ghi nhận tại chỗ của AFP, xung quanh các địa điểm biểu tình, hầu như không thấy bóng lực lượng giữ gìn trật tự. Tránh tối đa đụng độ với người biểu tình lúc này là ưu tiên của chính phủ, vì để bạo lực đổ máu xảy ra sẽ rất có thể là tiền đề để quân đội ra tay đảo chính.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.