Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHẬT BẢN

Đấu khẩu Nhật-Trung thêm gay gắt

Ai cũng biết rằng quan hệ Nhật Bản -Trung Quốc trong những tháng gần đây không lấy gì là nồng ấm, nhưng có lẽ chưa bao giờ những lời qua tiếng lại giữa hai cường quốc Châu Á này lại gay gắt như thế.

Tổng thống Côte d'Ivoire Alassane Ouattara (T) đón tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại sân bay Felix Houphouet-Boigny, Abidjan, 10/01/2014
Tổng thống Côte d'Ivoire Alassane Ouattara (T) đón tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại sân bay Felix Houphouet-Boigny, Abidjan, 10/01/2014 REUTERS/Luc Gnago
Quảng cáo

Mới đây nhất, hôm qua, 15/01/2014, đại sứ Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu Phi Giải Hiểu Nham đã lên án điều mà ông gọi là « sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân Nhật ». Tuyên bố với các phóng viên ngay sau chuyến viếng thăm Ethiopia của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, vị đại sứ này còn nói ông Abe đã trở thành « kẻ gây rối lớn nhất » ở Châu Á. Để minh họa cho tuyên bố ấy, ông Giải Hiểu Nham còn đưa ra nhiều hình ảnh các nạn nhân Trung Quốc bị tra tấn và sát hại trong thời gian Đệ nhị Thế chiến.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Phi còn cáo buộc rằng chuyến công du Châu Phi vừa qua của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chính là nhằm « bao vây » Trung Quốc !

Phản ứng lại những lời chỉ trích nói trên của đại sứ Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Koichi Mizushima hôm nay tuyên bố Nhật là quốc gia « hòa bình và dân chủ hơn bao giờ hết ». Phát ngôn viên này nói : « Trong suốt 60 năm từ sau Đệ nhị thế chiến, Nhật Bản đã có nhiều đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực. Hòa bình, dân chủ và nhân quyền nay đã thuộc về bản sắc của dân tộc Nhật ».

Ông Mizushima còn khẳng định rằng Tokyo không hề có ý định bao vây Trung Quốc, mà trái lại muốn Trung Quốc là một đối tác « có trách nhiệm và đóng góp vào hòa bình và ổn định thế giới ».

Quan hệ Nhật –Trung vốn đã gặp sóng gió do vấn đề chủ quyền Biển Đông đã càng thêm căng thẳng sau khi ông Shinzo Abe vào cuối tháng 12 năm ngoái đến viếng đền Yasukuni, nơi có thờ cả một số tội phạm chiến tranh Nhật. Đây là lần đầu tiên từ năm 2006, một lãnh đạo chính phủ Tokyo đến thăm đền này. Hành động này không chỉ bị Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối kịch liệt, mà còn bị Hoa Kỳ chỉ trích.

Nhưng đặc biệt lần này, Trung Quốc dùng những từ ngữ hết sức nặng nề để đả kích cá nhân Thủ tướng Abe. Trên báo chí Anh quốc, vào đầu tháng Giêng, đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn đã lên án xu hướng « quân phiệt » của Thủ tướng Nhật và so sánh ông với chúa tể ác độc Voldemort trong truyện Harry Potter. Cũng trên tờ báo này, vài ngày sau, đại sứ Nhật tại thủ đô Anh quốc Keiichi Hayashi đã phản pháo, tuyên bố chính Trung Quốc đang đóng vai chúa tể hung ác Voldemort, lao vào chạy đua vũ trang và làm cho căng thẳng leo thang.

Kể từ khi Thủ tướng Abe đến viếng đền Yasukuni, các đại sứ ở Trung Quốc đã viết hơn 30 bài trên báo chí ngoại quốc để vận động công luận quốc tế lên án lãnh đạo chính phủ Nhật. Đến ngày 08/01, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc còn cho rằng cộng đồng quốc tế phải « cảnh cáo » Thủ tướng Nhật Abe về chuyến đi viếng đền Yasukuni.

Tóm lại, có lẽ do chưa giành được thế áp đảo trong vấn đề tranh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bắc Kinh nay đang cố khai thác quá khứ xâm lược của Nhật, nhân chuyện viếng đền Yasukuni để gán cho Thủ tướng Abe xu hướng « quân phiệt », nhằm qua đó đẩy Tokyo vào thế bị động.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.