Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - TRUNG QUỐC

Đại sứ Liên Hiệp Châu Âu chỉ trích Bắc Kinh gia tăng đàn áp nhân quyền

Đại sứ Markus Ederer, trong buổi lễ kết thúc nhiệm kỳ ba năm tại Bắc Kinh, tuyên bố rất lo lắng về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, đang bị chế độ « siết chặt thêm ». Nhiều trường hợp tiêu biểu đã được đại sứ Liên Hiệp Châu Âu cũng như bộ ngoại giao Mỹ lên tiếng bênh vực.

Bà Lưu Hà, vợ giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba trả lời báo chí sau khi tòa án Hoài Nhu xử em bà là Lưu Huy 11 năm tù, ngày 09/06/2013.
Bà Lưu Hà, vợ giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba trả lời báo chí sau khi tòa án Hoài Nhu xử em bà là Lưu Huy 11 năm tù, ngày 09/06/2013. REUTERS/Petar Kujundzic
Quảng cáo

Theo AFP, trong bài phát biểu tại Bắc Kinh hôm nay 17/01/2014, nhân kết thúc nhiệm kỳ đại sứ Liên Hiệp Châu Âu, nhà ngoại giao Đức Markus Ederer đã dành thời giờ nêu lên trường hợp trấn áp « Phong trào Công dân mới ». Mạng lưới tranh đấu bất bạo động kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia vào sinh hoạt chính trị, làm chủ vận mệnh của mình, dựa vào các quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do lập hội và biểu tình mà Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ.

Đại sứ Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh đến chính sách « gia tăng trấn áp », mà một trong những nạn nhân được dư luận trong và ngoài nước biết đến là giáo sư Hứa Chí Vĩnh , đại học Bắc Kinh, giáo sư Tohti, người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương và bà Lưu Hà, mà chồng là giáo sư Lưu Hiểu Ba, Nobel Hòa bình 2011, bị án 11 năm tù.

Giáo sư Hứa Chí Vĩnh, luật gia, tranh đấu cải cách bộ máy tư pháp hiện nay do đảng Cộng sản chi phối, đã bị bắt từ tháng 7 /2013 và sẽ ra tòa vào tuần tới với tội danh « tụ tập gây rối trật tự bất hợp pháp với âm mưu lật đổ chính quyền ». Theo AFP, giáo sư Hứa Chí Vĩnh bị bắt sau khi ông ký kiến nghị yêu cầu chính quyền trả tự do cho các thành viên trong phong trào chống tham nhũng và những người kêu gọi cán bộ cao cấp công bố thu nhập và tài sản gia đình.

Nhân vật thứ hai được đại sứ Liên Hiệp Châu Âu quan tâm là giáo sư Ilham Tohti, người Duy Ngô Nhĩ. Vị trí thức khoa bảng Duy Ngô Nhĩ thường xuyên tố giác hành động đàn áp tại Tân Cương. Ông và bà mẹ bị hàng chục công an bắt dẫn đi mất tích hôm thứ tư vừa qua. Đại sứ Markus Ederer cho biết đã điện thoại cho chính quyền Trung Quốc yêu cầu xử lý đúng theo luật pháp, nói rõ giáo sư Tohti phạm tội gì và thông báo chổ giam giữ cho thân nhân.

Cuối cùng, đại sứ mãn nhiệm nói lên mối quan tâm của ông về trường hợp bà Lưu Hà, một nghệ sĩ nhiếp ảnh, vợ của tù nhân chính trị Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình 2010. Hiên nay bà Lưu Hà bị quản thúc 24/24, mặc dù không bị cáo buộc tội danh nào.

Bộ ngoại giao Mỹ hôm nay cũng lên tiếng phản đối vụ bắt giam giáo sư người Duy Ngô Nhĩ, Ilham Tohti. Bằng lời lẽ mạnh mẽ, phát ngôn viên Jan Psaki yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền tự do của giáo sư Tohti, của các sinh viên của ông, đúng theo các hiến chương, cam kết mà Bắc Kinh đã ký kết với quốc tế. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ cho rằng hành động « bắt giam nhà báo, luật sư, nhà hoạt động nhân quyền » là một « xu hướng đáng ngại » tại Trung Quốc từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.