Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Ý đồ của Bắc Triều Tiên khi kêu gọi hòa giải với miền Nam

Tại Liên hiệp quốc hôm qua, 24/01/2014, Bắc Triều Tiên một lần nữa lại kêu gọi chấm dứt thù địch với Seoul, kêu gọi chính quyền miền Nam « chặn đứng cái vòng lẫn quẫn của vu khống và thù hận ».

Ông Sin Son Ho, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hiệp quốc © REUTERS /B. McDermid
Ông Sin Son Ho, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hiệp quốc © REUTERS /B. McDermid
Quảng cáo

Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hiệp quốc đã mở một cuộc họp báo tại New York ( chuyện hiếm có ) để tuyên bố rằng Bình Nhưỡng muốn tránh xảy ra một « lò thiêu hạt nhân », kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực để chấm dứt các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn ở bán đảo Triều Tiên.

Trong một bức thư được gởi đi ngày 24/01, nhưng đề ngày 16/01, Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên, theo lệnh của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un, cũng đã đưa ra lời kêu gọi hòa giải với Hàn Quốc.

Vào tuần trước, Bình Nhưỡng đã đưa ra nhiều đề nghị kêu gọi Seoul hủy bỏ các cuộc tập trận chung thường niên với Hoa Kỳ vào tháng 2 tới, đồng thời gợi ý là hai bên tạm ngưng xỉ vả nhau. Nhưng chính phủ Hàn Quốc đã bác bỏ những đề nghị đó, cho rằng đây chỉ là trò tuyên truyền của miền Bắc.

Đối với phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, những căng thẳng hiện nay chính là do « những khiêu khích quân sự của Bắc Triều Tiên » và theo phát ngôn viên này, tình hình hiện nay chỉ có thể được giải quyết một khi Bình Nhưỡng chấm dứt những lời lẽ đe dọa và thù địch.

Các chuyên gia về Bắc Triều Tiên hiện đang cố tìm hiểu xem thật sự ý đồ của chế độ Bình Nhưỡng là gì. Trước hết, họ nhận thấy là bức thư của Uỷ ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên không còn gọi chính quyền Seoul là « bù nhìn của Mỹ », « kẻ phản bội » hay « chế độ tham nhũng thối nát ». Bức thư này cũng được gởi ngay trước khi diễn ra cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn thường niên.

Cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn năm ngoái ( 03/2013 ) đã gây phản ứng dữ dội từ phía Bình Nhưỡng. Lúc đó, Bắc Triều Tiên đã dọa tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ của Mỹ đảo Guam và Hawai.

Một số chuyên gia tin rằng năm nay, nếu các cuộc tập trận này vẫn diễn ra như thường lệ, chính quyền Bình Nhưỡng có thể sẽ lấy cớ để dùng vũ lực đáp trả, cáo buộc Seoul đã « cố tình bỏ ngoài tai » đề nghị hòa bình của miền Bắc.

Nhưng hãng tin AsiaNews, trích dẫn nguồn tin từ những người Bắc Triều Tiên lưu vong, cho biết có một lý do khác khiến Bình Nhưỡng phải xuống giọng kêu gọi hòa giải với Seoul : Chế độ Kim Jong-Un nay đã cạn tiền, đang bên bờ vực phá sản. Ngay cả quân đội, thành phần « con cưng » của chế độ, tình trạng cũng trở nên tồi tệ thêm. Lãnh đạo họ Kim rất cần trợ giúp kinh tế và biết rằng chỉ có thể hòa dịu với miền Nam thì mới hy vọng nhận được trợ giúp đó.

Hiện giờ, có thể nói là chính phủ Seoul đang góp phần nuôi dân miền Bắc, thông qua các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tôn giáo gởi lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm cho dân Bắc Triều Tiên. Du khách miền Nam cũng thích tham quan vùng núi Kumgang ở miền Bắc, mang lại một nguồn ngoại tệ không nhỏ.

Dân Hàn Quốc cũng gởi rất nhiều tiền cho thân nhân ở Bắc Triều Tiên, một nguồn ngoại tệ khác cũng rất quan trọng. Nếu có những hành động khiêu khích quân sự, Bắc Triều Tiên coi như sẽ chặn đứng những nguồn viện trợ và ngoại tệ cần thiết đó.

Một lý do khác, cũng theo nguồn tin mà AsiaNews trích dẫn, đó là chế độ Kim Jong-Un không muốn lệ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh, đến mức Bắc Triều Tiên trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Ông Jang Song-Teak, chú dượng của Kim Jong-Un, trước đây là người đặc trách quan hệ với Trung Quốc và cũng là người quản lý các đặc khu kinh tế ở vùng biên giới Bắc Triều Tiên-Trung Quốc. Khi xử tử ông Jang Song-Taek đầu tháng 12 vừa qua, Kim Jong-Un có thể coi như đã cắt đứt liên hệ với Bắc Kinh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.