Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - NHẬT BẢN

Ấn Độ - Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng

Với Trung Quốc trong tầm nhắm, hai Thủ tướng Nhật Bản và Ấn Độ vào hôm qua 25/01/2014, đã khẳng định một số kế hoạch nhằm « củng cố hơn nữa » công cuộc hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Thỏa thuận đã đạt được nhân cuộc họp thượng đỉnh tại New Delhi giữa Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe, đang công du Ấn Độ trong ba ngày.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Thủ tứong Ấn Độ Manmohan Singh tại New Delhi ngày 25/1/2014.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Thủ tứong Ấn Độ Manmohan Singh tại New Delhi ngày 25/1/2014. REUTERS/Adnan Abidi
Quảng cáo

Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh thường niên với ông Manmohan Singh, ông Shinzo Abe tuyên bố : « Khi một Ấn Độ mạnh mẽ và một Nhật Bản hùng cường đến với nhau, điều đó có thể làm nên những việc kỳ diệu ». Theo Thủ tướng Nhật : « Quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ có tiềm năng to lớn hơn bất kỳ mối quan hệ song phương nào khác trên thế giới ».

Trong thông cáo chung công bố sau cuộc họp, hai nhà lãnh đạo Nhật-Ấn đã « khẳng định quyết tâm tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng song phương ». Hai ông Singh và Abe cũng xác định trở lại ý chí đồng tiến hành các cuộc tập trận Hải quân trên một « cơ sở thường xuyên với tần suất cao hơn ».

Một cách cụ thể, Thủ tướng Ấn Độ xác nhận rằng New Delhi và Tokyo đã quyết định cùng nhau tập trận trên biển ít ra là mỗi năm một lần. Bên cạnh đó, Ấn Độ và Nhật Bản cũng tham gia vào cuộc tập trận hải quân đa phương Malabar bao gồm cả Mỹ và Úc.

Về phần Nhật Bản, nhân chuyến công du Ấn Độ lần này, Thủ tướng Abe đã thúc đẩy việc bán loại thủy phi cơ ShinMaywa US-2 cho lực lượng võ trang Ấn Độ. Đây là loại máy bay chuyên dùng cho các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn, sẽ không được trang bị vũ khí, đúng với tinh thần của lệnh cấm xuất khẩu vũ khí mà Tokyo từng tự áp đặt cho mình.

Diễn ra trong bối cảnh tranh chấp gay gắt giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Abe chắc chắn sẽ được Bắc Kinh tập trung theo dõi.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Abe đã liên tục công du khắp nơi trên thế giới, một mặt là để thực hiện nhiệm vụ mà ông tự trao cho mình là « nhân viên tiếp thị cho ngôi nhà Nhật Bản », một mặt khác là để tìm kiếm các đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Bản thân Ấn Độ - từng có một cuộc chiến đẫm máu ở vùng Himalaya vào năm 1962 với Trung Quốc, hiện đang có tranh chấp lãnh thổ trên bộ với người láng giềng – nước này cũng muốn tăng cường quan hệ với các nước khác trong khu vực nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tại New Delhi, ông Shinzo Abe đã tránh công khai đề cập đến tranh chấp Nhật Trung về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, trả lời nhật báo Ấn Độ Times of India vào hôm qua, Thủ tướng đã tỏ ý lo ngại trước việc « môi trường an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở nên căng thẳng hơn ». Nhật Bản hiện đang quan ngại trước âm mưu của Trung Quốc muốn khống chế các tuyến hàng hải quan trọng trong khu vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.