Vào nội dung chính
CÚM H7N9

Ca tử vong thứ ba vì cúm gà tại Hồng Kông

Một hôm sau khi cho tiêu hủy hàng loạt gà vịt, chính quyền Hồng Kông hôm nay 29/01/2014 loan báo trường hợp tử vong thứ ba liên quan đến cúm gia cầm H7N9. Đó là một ông già đã từng lưu lại Trung Quốc. Từ một năm nay, Trung Quốc đã phải đối phó với virus H7N9, đã làm cho hơn 100 người nhiễm bệnh và hơn 20 người chết.

Bích chương chỉ dẫn cách ngừa virus cúm gia cầm H7N9 tại một bệnh viện Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 13/04/2013. Tính đến 01/2014, đã có hơn 20 người chết vì cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc.
Bích chương chỉ dẫn cách ngừa virus cúm gia cầm H7N9 tại một bệnh viện Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 13/04/2013. Tính đến 01/2014, đã có hơn 20 người chết vì cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Một phát ngôn viên Bộ Y tế cho AFP biết, ông cụ 75 tuổi từng ghé qua thành phố Thâm Quyến (Shenzhen) đã tử vong sáng nay. Như vậy chính quyền đã xác nhận thông tin từ báo chí, tuy nhiên không cho biết chi tiết cụ thể.

Mối lo ngại dịch cúm gà tại Hồng Kông, vốn đã bị khủng hoảng trầm trọng bởi nạn dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003, lại trỗi dậy với cái chết của hai người đàn ông nhiễm virus H7N9 từng lưu lại Trung Quốc.

Một ông lão 80 tuổi đã qua đời hôm 26/12/2013 sau khi cũng đã ghé qua Thâm Quyến – thành phố của Trung Quốc nằm cạnh lãnh thổ bán tự trị Hồng Kông. Một người khác 65 tuổi chết hôm 14/01/2014, cũng trong các điều kiện tương tự.

Hôm qua, 20.000 con gà đã bị tiêu hủy sau khi phát hiện một ổ bệnh cúm gà trong số gia cầm nhập từ Hoa lục. Chợ Trường Sa Loan (Cheung Sha Wan), chợ bán sỉ gia cầm duy nhất của Hồng Kông bị đóng cửa 21 ngày để tẩy độc.

Từ mùa đông 2013, Trung Quốc phải đối phó với nạn virus H7N9 lan truyền, làm cho 110 người nhiễm bệnh và 22 người tử vong.

Các loại virus cúm gà loại H5, H7 và H9 hiện diện từ lâu ở loài chim, có thể lây nhiễm cho người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nuôi bị nhiễm bệnh. Virus loại H7 thường lan truyền giữa các loài chim với nhau mà không lây cho người, cho đến khi loài virus H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc vào năm ngoái và lây lan nhanh, có lẽ từ các chợ bán gia cầm sống.

Các nhà khoa học nghi ngại một chủng virus biến thể của cúm gà có thể tạo điều kiện lây truyền từ người sang người, gây nên đại dịch.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.