Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện: Dự án sửa Hiến pháp vẫn cản trở đối lập tranh cử Tổng thống

Trong thời gian qua, lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi đã nỗ lực vận động cho việc sửa đổi một điều khoản trong Hiến Pháp hiện hành có tác dụng tước bỏ quyền của bà ra tranh cử Tổng thống vào năm 2015. Tuy nhiên, trong bản dự thảo các điều khoản cần sửa đổi vừa được Uỷ ban hỗn hợp về Tu chính Hiến pháp công bố hôm 31/01/2014, không có đề nghị sửa đổi điều khoản kể trên.

Baf Aung San Suu Kyi lần đầu vào Quốc hội Miến Điện tại Naypyitaw ngày 2/5/2012.
Baf Aung San Suu Kyi lần đầu vào Quốc hội Miến Điện tại Naypyitaw ngày 2/5/2012. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Đó là điều 59 F, quy định rằng một tổng thống Miến Điện không thể là người có chồng hay vợ và con cái là công dân nước ngoài. Đây lại chính là trường hợp của bà Aung San Suu Kyi, hiện có hai người con mang quốc tịch Anh.

Theo Thông tín viên RFI – Rémy Favre – tại Rangoon, như vậy là sau hàng tháng trời duy trì thái độ mập mờ, giới lãnh đạo chính trị thuộc đảng cầm quyền ở Miến Điện hiện nay dường như đã loại trừ khả năng cải cách Hiến pháp một cách triệt để :

Từ gần ba năm nay, lãnh đạo Miến Điện là một chính quyền dân sự theo xu hướng cải tổ, vốn đã bắt đầu tiến trình cải cách dân chủ. Các nghị sĩ chịu trách nhiệm sửa đổi Hiến pháp chủ trương đi từng bước nhỏ. Tuy nhiên, hàng ngàn đề nghị điều chỉnh mà họ nhận được lại không đụng chạm đến các quy định quan trọng của văn bản trong đó có điều khoản ngăn cản, không cho bà Aung San Suu Kyi trở thành Tổng thống.

Đó là điều khoản trong Hiến pháp cấm những ai có vợ hoặc chồng là người nước ngoài không được nắm giữ chức vụ Tổng thống. Bà Aung San Suu Kyi đã kết hôn với một người Anh. Tương tự như vậy, các đại biểu quốc hội hiện thời sẽ không đụng chạm đến các điều khoản dành cho quân đội Miến Điện một phần tư số ghế quốc hội, qua đó cho họ quyền phủ quyết.

Nhìn chung, nếu Hiến Pháp được sửa đổi đúng theo các đề nghi vừa công bố, thì quân đội Miến Điện sẽ giữ nguyên các đặc quyền, trong lúc phe đối lập vẫn bị các hạn chế y như trước đây. Trong nhiều tháng qua, bà Aung San Suu Kyi đi khắp nước để giải thích cho những người ủng hộ bà về lý do vì sao Hiến pháp Miến Điện cần được sửa đổi.

Thế nhưng bà đã không tìm được đối tác bên phía chính quyền để vận động cho sự thay đổi. Tổng thống Miến Điện đã từ chối đàm phán trực tiếp với bà, trong lúc Tư lệnh quân đội thì từ chối gặp bà. Riêng vị Chủ Tịch Quốc hội thì đã công khai chôn vùi mọi cải cách đầy tham vọng viện cớ là cần phải duy trì sự ổn định chính trị.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.