Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ

Ấn Độ : Nạn thiếu ăn rình rập

Ngoài thời sự Pháp, các báo xuất bản tại Paris hôm nay tiếp tục theo dõi tình hình Thái Lan, không quên Trung Quốc và nhất là nhìn sang Ấn Độ. Nhân cuộc triễn lãm xe hơi mở ra hôm nay 05/02/2014 tại New Delhi, Le Monde ghi nhận ở trang kinh tế sức hút của Ấn Độ đối với các tập đoàn thế giới. Riêng Les Echos chú ý đến nạn thiếu ăn ở Ấn Độ, được cho là rất nghiêm trọng.

1/5 trẻ em Ấn Độ suy dinh dưỡng nặng, do thiếu ăn nên cơ thể còi cọc - REUTERS /Adnan Abidi
1/5 trẻ em Ấn Độ suy dinh dưỡng nặng, do thiếu ăn nên cơ thể còi cọc - REUTERS /Adnan Abidi
Quảng cáo

Qua bài phân tích của các kinh tế gia Pierre Jacquet và Akiko Suwa-Eisenmann - tựa đề « Ấn Độ trước thách thức của nạn thiếu ăn », Les Echos nêu bật trước tiên là gần một nửa trẻ em Ấn bị thiếu ăn và bị còi cọc.

Mở đầu bài viết các tác giả nhắc lại là tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (Thụy Sĩ), Bộ trưởng Tài chính Ấn đã trấn an các nhà đầu tư về kinh tế đất nước ông, tăng trưởng 2014 dự kiến là 6,2%. Nhưng đằng sau thành công của con cọp Ấn Độ, là thực tế nghèo nàn, thiếu dinh dưỡng của người dân : 1/3 dân chúng – tức khoảng 400 triệu người – sống hàng ngày với không đầy 1 đô la rưỡi, 1/5 trẻ em suy dinh dưỡng nặng, quá gầy ốm, gần một nửa thiếu ăn nên còi cọc, cơ thể không phát triển được.

Trước tình cảnh thiếu ăn triền miên này chính phủ Ấn đã đưa ra một chương trình an ninh lương thực rộng lớn, theo đó 75% dân nông thôn và 50% dân thành thị được mua mỗi tháng 5 ký lô ngũ cốc với giá rẻ, những người nghèo nhất có thể mua đến 35 ký, và cung cấp những bữa ăn miễn phí cho các bà mẹ, trẻ em. Đây là chương trình trợ giúp lương thực rộng lớn nhất thế giới.

Nhưng theo các tác giả bài báo, trong phần thực hiện chương trình, có nơi thành công, giảm được cường độ thiếu ăn, nhưng ở một số nơi khác thì còn rất chật vật, do năng lực chính quyền địa phương yếu, khả năng phân phối kém và không xác định đúng đắn đối tượng.

Vấn đề lớn nữa là với chủ trương trợ cấp như thế, với chính quyền là người mua, trữ lương thực, không tránh khỏi vấn đề thao túng giá cả và tham nhũng. Chi phí chương trình rất khó tính - theo một số nguồn tin nó chiếm từ 2 đến 3% GDP Ấn. Theo bài báo, có lẽ Ấn Độ nên thay đổi phương thức đối phó, sử dụng phương thức chuyển tiền.

Trung Quốc : Biển người di chuyển nhân ngày Tết

Ngoài Ấn Độ, Les Echos còn chú ý đến Trung Quốc, với « cuộc di chuyển chóng mặt của dân chúng trong dịp Tết Nguyên Đán ». Chỉ riêng bằng đường sắt, đã có đến 288 triệu dân đi xe lửa về quê ăn Tết.

Bài báo rất ngạc nhiên và hứng thú trước các trường hợp là do không phải ai cũng lấy được xe lửa về quê, nên đã trở nên gan lỳ : Một nữ giáo viên đã không ngần ngại dùng xe đạp vượt cả 2000 cây số, từ Bắc Kinh đến Tứ Xuyên để ăn Tết với gia đình ; một công nhân làm việc ở Quảng Đông đi môtô suốt 700 cây số để về Quảng Tây. Những trường hợp trên làm cho báo Les Echos vô cùng kinh ngạc.

Đối với tờ báo, sự di chuyển này còn cho thấy một khía cạnh khác, đó là tầm mức đô thị hóa nhanh chóng ở Trung Quốc và nó cũng làm cho người ta chú ý đến hoàn cảnh những người từ nông thôn lên tìm việc làm ở thành thị. Họ gặp nhiều khó khăn cho bản thân và cũng đặt ra nhiều vấn đề xã hội.

Theo tác giả bài báo cho dù có một số thay đổi nhưng người ta ước tính có khoảng 260 triệu người trong tình trạng không hợp lệ do vấn đề hộ khẩu, và con em không thể nào đi học. Như ở Thượng Hải, chỉ có 30% con em những người lao động này là được đến trường học. Muốn định cư trong thành phố thì cũng vô cùng tốn kém. Không một chủ nhân nào -và kể cả nhà nước- chịu gánh vác cho họ.

Thái Lan : Bầu cử nhưng vẫn bế tắc

Les Echos ở trang quốc tế cũng nhìn sang Thái Lan, nơi phe đối lập mở chiến dịch trên mặt trận tư pháp chống lại chính quyền. Ủy ban bầu cử cho biết đang xem xét khiếu nại của phe đối lập muốn hủy bỏ cuộc bỏ phiếu. Bầu cử đã không tiến hành được trong 9 trên số 77 tỉnh của Thái Lan.

Les Echos bên cạnh tình hình bế tắc nội bộ này, còn nêu lên hai tin không vui đối với Bangkok, đó là người đồng minh Hoa Kỳ đã tỏ nỗi lo ngại, lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đảo chính, bạo động, trong lúc Trung Quốc đình chỉ việc mua 1,2 triệu tấn gạo vì nghi ngờ tham nhũng.

Les Echos trích bộ trưởng Thương Mại Thái đã nói một cách chân thành « Trung Quốc đã không còn tin tưởng để giao dịch với chúng tôi từ khi Ủy ban chống tham nhũng điều tra về các vụ bán gạo ». Les Echos nhận thấy đây là cách để Trung Quốc tỏ thái độ với Thủ tướng Yingluck đã hỗ trợ nông dân bằng cách trả giá quá cao.

Báo La Croix cũng theo dõi diễn biến ở Thái Lan nói đến cuộc khủng gây tê liệt đất nước. Tờ báo đánh giá tình hình qua một số câu hỏi : Trước tiên, cuộc bầu cử phải chăng đã làm tình hình thêm nghiêm trọng ?

La Croix nhắc lại sau cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, những kịch bản đen tối nhất đã được gợi lên, từ đảo chính cho đến hậu quả trên mặt pháp lý đối với đảng cầm quyền. Kết quả bầu cử chỉ được công bố sau nhiều tuần lễ, trong khi phe đối lập gia tăng sức ép để cuộc bầu cử không được công nhận.

Trong tình cảnh này, tương lai Thái Lan ra sao ? Có vẻ rất đáng sợ : Theo tác giả bài báo ở một nước đã kinh qua 18 cuộc đảo chính do quân đội tiến hành từ năm 1932, thì không thể gạt qua một bên kịch bản này, và ngay lãnh đạo tối cao quân đội không loại bỏ khả năng đó.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ lên tiếng, cho biết là Hoa Kỳ không muốn thấy, bất kỳ trong tình huống nào, một cuộc đảo chính hay bạo lực, đủ cho thấy nỗi lo ngại trên khía cạnh này.

Một giáo sư đại học Kyoto cho là Thái Lan đang trong cơn hôn mê. Trong trường hợp đảo chính hay quyết định của Tư pháp không thuận lợi đối với chính quyền, phe Áo đỏ sẽ lại phản ứng mạnh, biểu tình chiếm đóng thành phố như vào năm 2010, làm 90 người thiệt mạng.

Tình hình chính trị mù mịt, kinh tế không thể sáng sủa được cho dù tăng trưởng dự kiến cho năm 2014 này là 3,2 %. Đầu tư nước ngoài theo bài báo dứt khoát tránh Thái Lan.

Pháp tấn công vào bệnh ung thư

Như thông lệ, đa số báo dành tít đầu cho thời sự nước Pháp. Hôm nay có hai chủ đề nổi bật : Kế hoạch chống ung thư (cancer) của Tổng thống Hollande, chủ yếu là nhắm vào tình trạng còn bất bình đẳng trong quyền được chữa trị, như báo Le Monde nêu trong hàng tít lớn : « Ung thư, nghiên cứu có tiến triển nhưng bất bình đẳng vẫn còn ».

Tờ báo điểm qua tình hình : Với 148.000 trường hợp tử vong vào năm 2012 và 355.000 ca mới mỗi năm, bệnh ung thư là nguyên nhân gây tử vong đầu tiên ở Pháp. Với những tiến bộ hiện nay, tỷ lệ chữa khỏi căn bệnh đã gia tăng, nhưng bất bình đẳng trong việc chữa trị giữa người giàu và nghèo vẫn còn. Xóa bỏ tình trạng này, đó là mục tiêu mà kế hoạch của Tổng thống Pháp nhắm tới.

Trong một hàng tựa trang đầu, báo Les Echos nêu khoản ngân sách 1,5 tỷ euro từ đây đến 2019, với mục tiêu « tạo cơ may cho tất cả mọi người » trong chữa trị.

Chính quyền Pháp lùi bước trên luật gia đình

Chủ đề thời sự thứ hai đề cập nhiều hôm nay làm các báo cánh tả Libération và L’Humanité (Cộng sản) không hài lòng : Đó là việc chính phủ cho dời lại ‘việc thông qua’ dự luật về gia đình.

Libération đăng bức ảnh ông Hollande cúi gầm mặt, thắc mắc trong hàng tựa « Gia đình : Tại sao ông Hollande đã thụt lùi ». Tờ báo nhận thấy là trước sự chống đối của một thành phần dân biểu của mình và nỗi tức giận các hiệp hội, phủ Tổng thống đã không biết giải thích ra sao quyết định đưa sau cuộc biểu tình hôm chủ nhật của phong trào ‘Biểu tình cho mọi người -Manif pour tous’.

Báo Cộng sản L’Humanité, cũng đăng cùng bức ảnh, cũng chỉ trích gay gắt, ghi nhận « Hollande lại lùi bước », bên trên dòng tựa « Nỗi nhục của gia đình ».

Le Figaro dành nguyên một trang trong cho sự kiện và cũng nêu bật chỉ còn 23% tín nhiệm Tổng thống Pháp theo kết quả thăm dò dư luận của Ifop công bố hôm qua. Nhưng điều làm Le Figaro lo ngại và nêu trong tựa trang nhất là thuế lại đè nặng lên thêm tầng lớp trung lưu.

La Croix thì chú ý đến một sự kiện rất nguy hiểm ở Pháp hiện nay đó là vùng bờ biển bị bão táp, thủy triều làm sói mòn, nhiều nơi sụp lở, đến nỗi mà lãnh đạo địa phương như ở vùng bờ biển Aquitaine, đã dự kiến cho di dời một số huyện ở đây vào sâu hơn trong đất liền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.