Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Tập Cận Bình và Shinzo Abe cùng “ve vãn” Vladimir Putin

Thế Vận Hội Sotchi (07-23/02/2014) bên bờ Hắc Hải của Nga, đối với Bắc Kinh là dịp may để tiến lại gần hơn nữa với Matxcơva. Báo chí Trung Quốc không tiếc lời lên án Tây phương “chính trị hóa” một đại hội thể thao thế giới để công kích chế độ Putin. Lãnh đạo Nhật Bản cũng không để lỡ cơ hội thuận tiện để thảo luận thêm với Nga về xung khắc chủ quyền tại quần đảo Kuril.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại nhà khách chính phủ Nga Bocharov Ruchei ở Sotchi ngày 06/02/2014.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại nhà khách chính phủ Nga Bocharov Ruchei ở Sotchi ngày 06/02/2014. Reuters
Quảng cáo

Ngày N, thời khắc mà Tổng thống Nga mong chờ từ nhiều năm nay đã điểm : Thế vận hội mùa Đông Sotchi 2014 chính thức khai mạc vào lúc 20 giờ 15 phút hôm nay, giờ địa phương. Hơn 40 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ hiện diện bên cạnh Tổng thống Vladimir Putin nhưng chỉ làm nổi bật sự vắng mặt của nhiều nhà lãnh đạo khác, đặt biệt là Mỹ, Đức,Anh,Pháp.

Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel không tham dự buổi lễ, tuy không nói ra , nhưng lý do chính vẫn là để phản đối tình trạng vi phạm nhân quyền mà các hiệp hội phi chính phủ Nga nhiều lần tố giác. Một ngày trước khi Thế vận hội khai mạc, ngay tại Sotchi, đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã phải lên tiếng phê phán những đạo luật phân biệt đối xử của Nga đi ngược lại tinh thần hòa đồng của Hiến chương Thế vận.

Những câu hỏi liên quan đến vấn đề “có mặt hay vắng mặt” luôn làm cho chính quyền Nga nổi cáu. Ngoại trưởng Serguei Lavrov tuyên bố : "Không ai đếm số lãnh đạo quốc tế tham dự Thế vận hội, người nào tìm hiểu chuyện này là có ý đồ làm hại nước Nga”.

Tuy vậy, tại Sotchi, Tổng thống Nga không thiếu những đồng minh trung thành như Tổng thống Belarus, Alexander Loukachenko, Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong số lãnh đạo không phải là đồng minh của Nga, có Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan và Nhật Bản Shinzo Abe. Hai nhân vật được giới phân tích quan tâm nhất là lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản mà quan hệ bất hòa đang gây căng thẳng tại châu Á.

Báo chí tại Bắc Kinh nhấn mạnh đây là lần đầu tiên một chủ tịch nước Trung Quốc tham dự một đại hội thể thao ở nước ngoài. Hoàn Cầu Thời Báo, đại diện cho xu hướng cực đoan tại Hoa lục bình luận : Vào lúc đa số nhà lãnh đạo trên thế giới mà đặc biệt là lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức không tới Sotchi trong bầu không khí phê phán, thì sự hiện diện của ông Tập (Cận Bình) càng làm nổi bật giá trị quan hệ song phương Nga-Trung. Thế vận Sotchi bị công luận Tây phương “chính trị hóa” và nước Nga đã phải đối phó như trường hợp Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Theo AFP, không riêng gì Hoàn Cầu Thời Báo, mà từ nhiều ngày qua, báo chí chính thức của Trung Quốc luôn dành những trang báo lớn để quảng bá chuyến đi sang Sotchi của ông Tập Cận Bình và nhấn mạnh đến nhu cầu thắt chặt quan hệ với Nga, được mô tả là có cùng quyền lợi chiến lược với Trung Quốc và thường xuyên phải đối phó với Tây phương.

Bên cạnh nhu cầu nhập khẩu dầu khí của Nga, Bắc Kinh còn có dụng ý mượn tay Matxcơva để gây sức ép với Nhật Bản. Hôm qua, nhật báo Mainichi của Nhật, dựa theo nguồn tin ngoại giao của Nga và Nhật cho biết, Bắc Kinh nhiều lần đề nghị với Matxcơva “trợ giúp nhau” để tranh giành chủ quyền biển đảo với Tokyo : Trung Quốc ủng hộ Nga tranh quần đảo Kuril đổi lại Nga hậu thuẫn Trung Quốc đòi chủ quyền ở Senkaku/Điếu ngư.

Cho đến nay, Matxcơva khôn ngoan từ chối đề nghị của Bắc Kinh để không bị trói tay.

Chủ quyền biển đảo của Nhật , từ khi “diều hâu” Shinzo Abe trở lại chính quyền, được đặt lên hàng tối ưu của chính phủ. Trước khi lên đường sang Sotchi, Thủ tướng Nhật cam kết là sẽ “kiến tạo mối quan hệ tin cậy lẫn nhau với Tổng thống Putin, đạt được tiến triển trên hồ sơ quần đảo Kuril mà Nhật gọi là “lãnh địa phương Bắc”, tiến đến một hiệp định hòa bình với Nga , 68 năm sau thế chiến thứ hai.

Ngày 06/02 vừa qua, trong buổi lễ hàng năm đòi hỏi Nga trả lại chủ quyền biển đảo, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết ông sẽ “kiên nhẫn thương lượng” cho đến khi nào đạt được mục đích tối hậu.

Tổng thống Vladimir Putin, bị các cường quốc Tây phương tẩy chay, có thể bị tổn thương danh dự, nhưng vẫn được Trung-Nhật, hai cường quốc châu Á ve vãn. Với trữ lượng dầu khí quốc gia dồi dào, với tham vọng chính trị cao độ, với khả năng bén nhạy khai thác thời cơ, cựu trung tá mật vụ Nga vẫn củng cố được vai trò của một “Nga hoàng” trên chính trường quốc tế.

Bằng cớ là ông đã thành công thực hiện “giấc mơ nước Nga” qua Thế vận hội Sotchi mà kỷ lục thế giới đầu tiên là chi phí hơn 50 tỷ đôla cho hai tuần thi đấu, tốn kém gắp 3 lần dự kiến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.