Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Vì sao Bắc Triều Tiên đồng ý tổ chức cuộc gặp những gia đình ly tán?

Hôm thứ Sáu, 14/02, trong vòng hai cuộc gặp cấp cao giữa Nam và Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm, thuộc khu phi quân sự ngăn cách hai nước, chính quyền Bình Nhưỡng đã gây ngạc nhiên khi rút bỏ toàn bộ yêu sách đòi Seoul và Washington hoãn cuộc tập trận thường niên, như là điều kiện để tổ chức vào tuần tới, các cuộc gặp cho gần 100 gia đình bị ly tán do chiến tranh. 

Cuộc đối thoại Hàn Quốc (phải) -Bắc Triều Tiên ngày 12/2/2014.
Cuộc đối thoại Hàn Quốc (phải) -Bắc Triều Tiên ngày 12/2/2014. REUTERS/Bộ Thống Nhất/Yonhap
Quảng cáo

Theo thỏa thuận trước đó, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đã đồng ý tổ chức các cuộc gặp cho các gia đình bị ly tán, từ ngày 20 đến 25/02. Tuy nhiên, tại vòng một cuộc đàm phán kéo dài 13 tiếng đồng hồ, ngày 12/02, Bắc Triều Tiên đã đe dọa hủy thỏa thuận này, nếu Hàn Quốc và Hoa Kỳ không lùi lại thời điểm tiến hành cuộc tập trận thường niên, dự kiến bắt đầu ngày 24/02. Thế nhưng, Seoul đã kiên quyết bác bỏ yêu sách của Bình Nhưỡng.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Bắc Triều Tiên lại thay đổi thái độ nhanh như vậy ? Theo giới quan sát, đây là dấu hiệu cho thấy dường như Bình Nhưỡng rất quan tâm đến việc làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vào thời điểm hiện nay. Việc lãnh đạo Kim Jong Un muốn thâu tóm quyền lực là yếu tố giải thích vì sao Bắc Triều Tiên từ bỏ đòi hỏi hoãn cuộc tập trận Mỹ-Hàn nhưng vẫn đồng ý cho tổ chức các cuộc gặp giữa những gia đình bị ly tán. Do phải đối phó với những vấn đề nội bộ sau vụ thanh trừng ông Jang Song Thaek, được coi là nhân vật số hai của chế độ và hàng trăm cộng sự, người thân của nhân vật này, chính quyền Bình Nhưỡng có thể đặt ưu tiên vào lúc này là làm dịu quan hệ với Seoul.

Theo ông Kim Tae Woo, chuyên gia về quốc phòng thuộc Đại học Dongguk, Hàn Quốc, được báo The Christian Science Monitor trích dẫn, thì lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un « đang củng cố quyền lực của mình. Đó là lý do vì sao Bắc Triều Tiên đã rất cố gắng để cuộc đàm phán (với Hàn Quốc) đạt kết quả ».

Một chi tiết có thể chứng minh cho nhận định này : Khi quay trở lại Bàn Môn Điếm, ngày 14/02, để tiến hành vòng hai cuộc đàm phán, phái đoàn Hàn Quốc được biết là toàn bộ các thành viên phái đoàn Bắc Triều Tiên đã ở lại đây trong hai ngày qua và rất hồ hởi, sẵn sàng ký tuyên bố chung, mà không đưa điều kiện đòi hoãn cuộc tập trận.

Vậy Bắc Triều Tiên thu được lợi lộc gì sau hai vòng đàm phán ? Trong tuyên bố chung, hai bên « đồng ý kiềm chế không vu khống lẫn nhau, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và tin cậy giữa hai bên ». Mặc dù trong tuyên bố chung không nêu cụ thể, nhưng trong các cuộc thương lượng, phía Bắc Triều Tiên phàn nàn về việc các phương tiện truyền thông của Hàn Quốc đã có nhiều chỉ trích nhắm vào chính quyền Bình Nhưỡng, hoặc việc các nhà hoạt động nhân quyền Hàn Quốc thả bóng bay sang Bắc Triều Tiên, mang theo truyền đơn, bánh kẹo, thậm chí cả các đồng đô la Mỹ. Các hoạt động này gây bất lợi cho hình ảnh, uy tín của lãnh đạo Kim Jong Un và chế độ Bình Nhưỡng trong con mắt người dân Bắc Triều Tiên.

Việc thông tấn xã chính thức của Bắc Triều Tiên nhanh chóng công bố bản thông cáo chung, với những lời bình luận khác thường, cũng gây ngạc nhiên. Theo KCNA, hai bên khẳng định quyết tâm mở ra một giai đoạn mới thúc đẩy đoàn kết dân tộc, hòa bình, thịnh vượng, độc lập thống nhất qua việc cải thiện quan hệ Nam Bắc Triều Tiên. Thậm chí, hai bên còn đồng ý sẽ có các cuộc gặp ở cấp cao trong tương lai.

Tuy nhiên, hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên không hề được nhắc đến trong các vòng đàm phán lần này. Có thể Kim Jong Un đồng ý cho tổ chức các cuộc gặp giữa những gia đình bị ly tán là để đánh vào lòng người, hy vọng tranh thủ được sự ủng hộ của người dân. Không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng có những hành động khiêu khích khác để trả đũa vụ tập trận Mỹ-Hàn. Theo các hình ảnh vệ tinh được công bố trong những ngày qua, dường như Bắc Triều Tiên gia tăng các hoạt động tại căn cứ Sohae, nơi mà Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều vụ bắn thử tên lửa chiến lược. Một sự kiện đáng chú ý khác là hôm nay, nhân kỷ niệm sinh nhật cố lãnh tụ Kim Jong Il, chính quyền Bình Nhưỡng đã thăng cấp cho nhiều chỉ huy quân đội, trong đó có chỉ huy Đơn vị tên lửa chiến lược.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.