Vào nội dung chính
PHILIPPINES-TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Philippines quyết trụ lại trên Bãi Cỏ Mây bất chấp áp lực Trung Quốc

 Trong một động thái công khai thách thức Trung Quốc, Manila vào hôm nay 14/03/2014, đã tái khẳng định chủ quyền của mình trên bãi Second Thomas - mà Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây – vùng quần đảo Trường Sa.Chính quyền Manila tỏ lập trường kiên quyết vào lúc Bắc Kinh nhắc lại luận điệu theo đó Philippines đã đồng ý rút chiếc tàu cũ dùng làm nơi đóng quân đi khỏi bãi đá này, và không ngần ngại dùng sức mạnh phong tỏa lực lượng Philippines đồn trú trên bãi. 

Biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Manila ngày 20/6/2013 phản đối Trung Quốc chiếm Bãi Cỏ Mây.
Biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Manila ngày 20/6/2013 phản đối Trung Quốc chiếm Bãi Cỏ Mây. REUTERS /Erik De Castro
Quảng cáo

Trong một bản tuyên bố chính thức, Bộ Ngoại giao Philippines đã xác định quyết tâm không lùi bước của mình khi nêu bật « quyền chủ quyền và tài phán » của Manila trên « một phần thềm lục địa của đất nước ».

Tuyên bố của Philippines nhắc lại rằng chiếc tàu mắc cạn trên bãi Second Thomas – mà Philippines gọi là Ayungin - là tiền đồn quân sự của Manila trong khu vực trong suốt 15 năm nay : « Chiếc tàu BRP Sierra Madre của Hải quân Philippines đã được bố trí trên bãi Ayungin vào năm 1999 để làm cơ sở thường trực của Philippines sau hành vi của Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp bãi Mischief vào năm 1995. »

Tương tự như bãi Second Thomas, bãi Mischief (tên Việt Nam là Đá Vành Khăn) là một rạn san hô thuộc vùng Trường Sa, cũng là đối tượng tranh chấp giữa bốn bên Philippines, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan. Vào năm 1995, Trung Quốc đã dùng sức mạnh chiếm đóng bãi này từ tay Philippines, rồi cho xây dựng các cơ sở kiên cố trên đó.

Chính hành động cưỡng chiếm Mischief Reef là chất xúc tác thúc đẩy ASEAN đàm phán và ký kết Bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) vào năm 2002. Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Philippines cũng nhắc lại rằng việc bố trí chiếc Sierra Madre trên bãi Ayungin được thực hiện trước lúc ký kết DOC, theo đó các bên cam kết không chiếm thêm cơ sở tại Biển Đông. Lời nhắc lại này nhằm phản bác một luận điệu khác của Bắc Kinh cho rằng Manila đã vi phạm DOC.

Báo chí Philippines tiết lộ là hiện có 7 người lính Philippines đồn trú trên chiếc tàu mắc cạn trên bãi Ayungin để đánh dấu một cách cụ thể chủ quyền của nước này. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh không ngừng gây sức ép để buộc Manila triệt thoái đơn vị đồn trú của mình và cho kéo chiếc tàu khỏi bãi đá này. Tại chỗ, Trung Quốc cũng tiến hành sách lược phong tỏa và mới đây đã tiến thêm một bước khi dùng võ lực ngăn chặn việc tiếp tế cho lực lượng Philippines trên bãi bằng đường biển.

Hành động thô bạo của Trung Quốc không chỉ bị Philippines cực lực phản đối, mà còn bị Hoa Kỳ tố cáo là một hành vi « khiêu khích ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.