Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG QUỐC

Pháp trải thảm đỏ đón các doanh nghiệp và đầu tư Trung Quốc

Nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris, bắt đầu tư ngày mai, 25/03/2014, chính phủ Pháp trải thảm đỏ đón chào các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Trung Quốc, với hy vọng thổi một làn gió mới vào mối quan hệ kinh tế song phương đôi khi bị hụt hơi.

Dây chuyền sản xuất xe hơi tại nhà máy  Đông Phong Peugeot Citroen, ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (ảnh chụp 13/02/2014)
Dây chuyền sản xuất xe hơi tại nhà máy Đông Phong Peugeot Citroen, ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (ảnh chụp 13/02/2014) REUTERS
Quảng cáo

Thứ Tư, 26/03, tại điện Elysée, Paris tổ chức lễ ký chính thức thỏa thuận về việc tập đoàn xe hơi Trung Quốc Đông Phong và Nhà nước Pháp tham gia vào vốn của tập đoàn xe hơi Peugeot PSA. Hôm sau, 27/03, MEDEF – đại diện giới chủ Pháp – tổ chức « Diễn đàn kinh tế Pháp – Trung » với sự tham gia của 400 doanh nghiệp.

Tham vọng của Paris là thúc đẩy các trao đổi thương mại giữa giữa Pháp và Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ 2009, đã bị giảm 2% tính theo giá trị, trong năm ngoái.

Giới chuyên gia cho rằng, Bộ Kinh tế Pháp muốn tái lập cân bằng quan hệ thương mại với Trung Quốc, mà không sử dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch. Trong năm 2013, nhập siêu của Pháp từ Trung Quốc lên tới 26 tỷ euro.

Bắc Kinh là đối tác thương mại đứng hàng thứ hai của Paris, nhưng Pháp đứng thứ 19 trong số các bạn hàng của Trung Quốc. Pháp chỉ chiếm có 1,2% thị phần Trung Quốc, thấp hơn bốn lần so với tỷ lệ của Đức.

Bà Françoise Lemoine, kinh tế gia tại Trung tâm nghiên cứu triển vọng và thông tin quốc tế (Centre d'Etudes Prospectives et d'Informations Internationales - CEPII) nhấn mạnh : « Các nhà xuất khẩu của Đức tại Trung Quốc có vị thế mạnh một cách đặc biệt », tuy nhiên « nếu so sánh với toàn bộ Châu Âu, thì các thành tựu của Pháp cũng không có gì đặc biệt lắm, không tốt, không tồi ». Vẫn theo chuyên gia này, « về các luồng đầu tư ra vào Trung Quốc, thì khoảng cách giữa Pháp và Đức không lớn như trong thương mại ». Tính đến cuối năm 2012, tổng đầu tư của Pháp tại Trung Quốc lên tới 16,7 tỷ euro, cao hơn gấp bốn lần tổng đầu tư của Trung Quốc tại Pháp.

Theo kinh tế gia Lemoine, « các doanh nghiệp Đức đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, trong lúc các đầu tư của Pháp lại đa dạng hơn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và đô thị », nhờ vậy, Pháp có được vị thế tương đối thuận lợi để tranh thủ làn sóng đô thị hóa và nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người dân Trung Quốc.

Ngay trước chuyến thăm Paris của ông Tập Cận Bình, có một tin đáng phấn khởi đối với ngành chế biến thực phẩm Pháp : Bắc Kinh thông báo kết thúc cuộc điều tra chống bán phá giá nhắm vào các nhà xuất khẩu rượu vang Châu Âu. Bên cạnh đó, ngành chế biến thịt của Pháp cũng sắp có được giấy chứng nhận bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, để có thể tiếp cận thị trường hơn một tỷ dân.

Ông Deniz Unal, cũng là chuyên gia tại CEPII nhận định : Giống như đã làm đối với Nhật Bản, trong một thời gian rất dài, Pháp đã tỏ ra rất hung hăng đối với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh vẫn trơ lỳ, không thèm để ý tới. Lúc đầu, Pháp nói rằng Trung Quốc chỉ sản xuất các sản phẩm có chất lượng thấp, rồi cáo buộc Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh. Giờ đây, giọng điệu của Pháp đã thay đổi, bởi vì Trung Quốc đã đạt tới một trình độ phát triển khác.

Vấn đề hiện nay đối với Pháp là phải đa dạng hóa cơ cấu hàng xuất khẩu, vốn chỉ tập trung trong tay một số ít công ty đa quốc gia, trên một vài lĩnh vực như hàng không, không gian, năng lượng, hàng cao cấp và chế biến thực phẩm. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp hầu như chỉ có vai trò thứ yếu. Điều này thể hiện rõ qua việc ký kết những hợp đồng lớn tại điện Elysée. Ngoài thỏa thuận quan hệ đối tác giữa Đông Phong và Peugeot, Pháp và Trung Quốc còn ký các hợp đồng cùng chế tạo trực thăng dân sự, các hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự.

Mặt khác, giới chuyên gia nhấn mạnh, làm ăn với Trung Quốc không phải dễ và cần cảnh giác. Ngoài đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu, việc thâm nhập thị trường Trung Quốc, đặc biệt là tham gia đấu thầu các dự án sử dụng vốn Nhà nước, rất khó khăn, thậm chí là không thể, và đây là điều đáng tiếc đối với Pháp, vốn có nhiều doanh nghiệp hàng đầu, như Veolia Environnement, chuyên xử lý nước và chất thải.

Bên cạnh đó, Paris phải « rất chú ý trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ ». Tập đoàn Đông Phong Trung Quốc đã « không trả giá đắt » khi góp vốn cho PSA để có được các bằng phát minh sáng chế của Pháp.

Một yếu tố khác rất quan trọng gây mất cân đối trong cán cân thương mại Pháp-Trung, đó là việc đồng tiền Trung Quốc luôn được kìm giữ ở mức thấp hơn giá trị thật, giúp Bắc Kinh hưởng lợi. Chính Bộ Kinh tế Pháp cũng phải công khai bày tỏ mối lo ngại này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.