Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - KHÍ HẬU

GIEC chuẩn bị ra báo cáo mới về tác động của biến đổi khí hậu

Hôm qua 25/03/2014, theo AFP, GIEC – nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu – bắt đầu làm việc tại Yokohama (gần Tokyo), chuẩn bị ra một báo cáo mang đầy tính báo động về tình trạng khí hậu trên Trái đất. Theo một sơ thảo của bản báo cáo dài 29 trang của GIEC, nguy cơ ngập lụt tại Châu Á và Châu Âu sẽ tăng lên đáng kể. Nghèo đói và di dân do thảm họa thiên nhiên sẽ là các nhân tố chính gây ra xung đột.

Cảnh tàn phá sau trận bão Haiyan tại Tacloban, Philippines hôm 21/11/2013.
Cảnh tàn phá sau trận bão Haiyan tại Tacloban, Philippines hôm 21/11/2013. REUTERS/Erik De Castro/Files
Quảng cáo

Báo cáo đang được hoàn tất và sẽ được công bố vào ngày 31/03 tới của GIEC là phần thứ hai trong số ba phần của bản báo cáo số 5 của GIEC về biến đổi khí hậu. Báo cáo số 5 của GIEC, được hoàn tất bốn năm sau báo cáo số 4 (năm 2007), được dùng làm cơ sở cho các thương thuyết toàn cầu về hạn chế biến đổi khí hậu và các biện pháp đối phó để giảm thiểu tác hại của quá trình này, thông qua hội nghị thường niên về khí hậu tại Lima (Peru) cuối năm nay, và đặc biệt là thượng đỉnh khí hậu Paris 2015, để thay thế nghị định thư Kyoto sắp hết hiệu lực. Quyết định mà cộng đồng quốc tế hy vọng sẽ đạt được tại hội nghị thượng đỉnh 2015 tại Paris dự kiến đưa ra các chế tài để giới hạn mức độ nhiệt độ tăng của Trái Đất ở mức 2°C, nếu không các thảm họa thiên nhiên vô cùng khủng khiếp sẽ xẩy ra.

Nếu như phần một của báo cáo số 5 của GIEC khẳng định một cách dứt khoát xu thế nhiệt độ Trái đất tới 4°C so với thời tiền công nghiệp vào thời điểm 2100, thì phần hai của báo cáo này nhấn mạnh vào những tác động của biến đổi khí hậu và các khá năng thích nghi với thực tế này.

Tuyên bố tại phiên khai mạc hội nghị (kéo dài từ ngày 25-29/03), Chủ tịch GIEC, ông Rjendra Kumar Pachauri, tuyên bố : « Hội nghị này là vô cùng quan trọng. Báo cáo này sẽ mở rộng những hiểu biết của chúng ta về tác động của biến đổi khí hậu ».

Theo báo cáo sơ thảo, thế giới sẽ phải chuẩn bị cho việc sản lượng lương thực (lúa mì, gạo và ngô) sẽ giảm đến 2% mỗi thập niên, ngược lại nhu cầu lương thực sẽ tăng lên 14% từ đây đến năm 2050. Trong khi đó, với mỗi độ C tăng lên, các nguồn nước dùng cho sinh hoạt sẽ giảm 20%, tương đương với nhu cầu của 7% dân số thế giới. Và nếu không có hành động chuẩn bị, thì hàng trăm triệu người, trong đó một nửa là dân cư Châu Á, sẽ chịu nhiều cảnh ngập lụt hay xói lở tại các vùng ven biển, ven bờ sông…

Hơn 300 nhà khoa học tham gia thực hiện phần hai của bản báo cáo số 5, dựa trên hàng nghìn nghiên cứu trước đó. Trước khi được công bố chính thức vào ngày 31/3 tại Yokohama, bản tổng hợp này phải được sự đồng thuận của 195 quốc gia. Theo nhà khí hậu học Sylvie Joussaume thuộc CNRS (Pháp) và thành viên GIEC, thì có được một đồng thuận quốc tế về bản nhận định khoa học này là rất quan trọng, vì điều này cho phép các thương thuyết sau này có may đạt được kết quả.

Nhà khí hậu học Jean Jouzel, phó chủ tịch GIEC, cảnh cáo: « Chúng ta đang ở trên một lộ trình hướng tới mức tăng nhiệt độ từ 4 đến 5°C, từ đây cho đến cuối thế kỷ. Điều này (kịch bản khủng khiếp này) sẽ xẩy ra, nếu như năng lượng hóa thạch vẫn tiếp tục được sử dụng ». Hiện tại, lượng khí thải GES – mà ba phần tư là do các năng lượng hóa thạch – phần tiếp tục tăng, trong khi lẽ thế giới cần phải bắt đầu quá trình giảm thiểu việc sử dụng năng lượng hóa thạch để hy vọng giới hạn nhiệt độ tăng tối đa 2°C vào cuối thế kỷ này.

Đối mặt với một môi trường đang thay đổi một cách sâu sắc, với những tác động ngày càng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế và an ninh, các quốc gia đang tìm kiếm các biện pháp để thích nghi (như bảo vệ các vùng bờ biển, thay đổi các hoạt động nông nghiệp, đưa ra các chuẩn mực xây dựng mới, quản lý nguồn nước dùng...).Tuy nhiên, cho đến nay, các hoạt động nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu còn chưa có được các dự đoán chính xác ở cấp địa phương, cho dù nhận thức chung về biến đổi khí hậu đã có nhiều tiến bộ. Theo nhà nghiên cứu Hervé Le Treut, giám đốc Viện Pierre-Simon Laplace, « các cơ chế tác động đến các hiện tượng khí hậu lớn như gió mùa hay phản bão (anti-cyclone) còn chưa được hiểu rõ ».

Bên lề hội nghị tại Yokohama, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đưa ra báo động SOS về tính chất không biên giới của các thảm họa do biến đổi khí hậu. Greenpeace nhận định: "Với mỗi tấn dầu mỏ, than hay khí đốt, chúng ta đang tiến gần đến vực thẳm của tai họa do biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể tránh khỏi kết cục bi thảm này, nếu các loại hình năng lượng tái tạo được sử dụng nhanh chóng hơn dự tính và sẵn sàng để cạnh tranh được với hệ thống năng lượng cổ điển gây ô nhiễm".

Về phần mình, tổ chức phi chính phủ Oxfam cảnh báo : biến đổi khí hậu nhanh chóng có thể làm cuộc chiến chống nạn đói trên thế giới bị kéo lùi đến hàng thập kỷ. Theo giám đốc Oxfam, thì đây là « mối đe dọa lớn nhất đối với khả năng giành được chiến thắng trong cuộc chiến chống nạn đói ». Vào tháng Tư tới, phần thứ ba của bản báo cáo số 5 về các phương thức giảm thiểu mức độ trái đất nóng lên, sẽ được công bố tại Berlin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.