Vào nội dung chính
MALAYSIA - HÀNG KHÔNG

MH370 : Malaysia có thể bị mất quyền kiểm soát trên cuộc điều tra

Một chiếc Boeing của Mỹ bị rơi trên vùng biển quốc tế với đa số hành khách là người Trung Quốc, một chiến dịch tìm kiếm huy động phương tiện của khoảng 20 quốc gia, xác phi cơ đến nay vẫn biệt tăm… Tất cả các yếu tố trên đây gộp lại cho thấy là cuộc điều tra về chiếc máy bay bị mất tích của hãng Malaysia Airlines sẽ gặp nhiều khó khăn. Một trong những hệ quả là Malaysia, trên nguyên tắc phải là nước chỉ đạo công cuộc điều tra, có nguy cơ bị mất quyền chủ đạo trên cuộc điều tra.

Phi hành gia trên máy bay Úc Orion Air Force AP-3C xem bản đồ bay của chuyến MH370 Malaysia Airlines tại khu vực phía nam Ấn Độ Dương
Phi hành gia trên máy bay Úc Orion Air Force AP-3C xem bản đồ bay của chuyến MH370 Malaysia Airlines tại khu vực phía nam Ấn Độ Dương REUTERS/Michael Martina
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, 27/03/2014, ông Gerry Soejatman, một chuyên gia độc lập về hàng không, đã lưu ý : « Chúng ta đang phải đối mặt với một thảm họa hàng không phức tạp hơn nhiều so những vụ đã được ghi nhận từ trước đến nay, và Malaysia sẽ không kham nổi trách nhiệm nếu họ quyết định tiến hành điều tra một mình ».

Được đăng ký tại Malaysia, chiếc phi cơ Boeing 777 chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, theo chính quyền Malaysia, đã rơi xuống vùng biển quốc tế phia nam Ấn Độ Dương. Theo luật lệ quốc tế, cuộc điều tra về tai nạn này thuộc thẩm quyền của Kuala Lumpur.

Thế nhưng, thực tế cho thấy là quốc gia Đông Nam Á này không đủ năng lực chuyên môn và phương tiện thích hợp để tiến hành cuộc điều tra từ đầu đến cuối, do vậy, khả năng Malaysia phải khoán một phần công việc cho nước khác là điều không thể tránh khỏi.

Hiện nay, có một số quốc gia hay định chế được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc điều tra. Trước hết là Úc, sẽ chiếm lĩnh vị trí hàng đầu vì lẽ rất đơn giản : Úc là nước gần nơi máy bay bị nạn nhất, trong lúc địa bàn tìm kiếm lại ở xa tít ngoài khơi. Công việc điều phối công cuộc tìm kiếm do đó phải được thực hiện từ thành phố Perth ở vùng Tây Úc, và các mảnh vỡ của chiếc phi cơ bị nạn, một khi được vớt, sẽ được chuyển về nơi này.

Có một vai trò quan trọng không kém là Cơ quan An toàn Giao thông Vận tải Mỹ NTSB, và Cơ quan Điều tra Tai nạn Hàng không Anh Quốc AAIB. Sự can dự của hai cơ quan chuyên môn này vào công cuộc điều tra là tất yếu vì chiếc phi cơ bị nạn do Tập đoàn Boeing của Mỹ sản xuất, và được trang bị động cơ của tập đoàn Anh Rolls-Royce.

Còn một nước khác là Trung Quốc, từ đầu đến nay, luôn luôn lớn tiếng chỉ trích các khuyết điểm của Malaysia trong việc điều tra, cũng đòi được trực tiếp tham gia. Yêu cầu của Bắc Kinh cũng có phần hợp lý vì có đến 153 công dân Trung Quốc, tức là 2/3 số hành khách – đi trên chiếc máy bay bị mất tích.

Đối với chuyên gia Soejatman, vấn đề đặt ra cho Malaysia là nước này rốt cuộc có thể bị biến thành khán giả đứng nhìn các nước khác tiến hành cuộc điều tra.

Đây sẽ là một điều nhức nhối cho Malaysia, vốn nổi tiếng là một nước có tinh thần dân tộc rất cao. Theo ông Soetatman, đòi hỏi của Trung Quốc có thể là điều miễn cưỡng nhất đối với Malaysia vì lẽ quan hệ song phương đã căng thẳng hẳn lên từ lúc xẩy ra vụ chiếc phi cơ bị mất tích. Bên cạnh đó, bang giao hai bên còn hàm chứa những căng thẳng tiềm tàng liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, với việc hai lần Trung Quốc cho tàu chiến đến khiêu khích Malaysia tại khu vực bãi James Shoal đang tranh chấp giữa hai bên.

Một trong những nhược điểm của Malaysia, theo AFP, là tính chất thiếu minh bạch của chính quyền nước này trong việc quản lý các vấn đề công cộng. Kuala Lumpur bị tố cáo là cố tình bơm tiền để cứu hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines khỏi cảnh phá sản, do đó khó tránh khỏi bị mang tiếng là thiên vị trong cuộc điều tra về chuyến bay MH370.

Ngay cả kết luận của Malaysia là chiếc phi cơ đã bị rơi xuống Ấn Độ Dương sau khi cạn kiệt nhiên liệu cũng bị hoài nghi vì chưa có bằng chứng cụ thể nào.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.