Vào nội dung chính
PHILIPPINES

Philippines và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro ký hiệp định hòa bình

Một bước tiến quyết định trong tiến trình tái lập hòa bình ở miền nam Philippines : Hôm qua, 27/03/2014, tại dinh Tổng thống Philippines, tổ chức Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro đã ký một thỏa thuận hòa bình với đjai diện chính quyền Manila.

Tổng thống Philippines (áo trắng) chứng kiến lễ ký kết hiệp định hòa bình giữa chính phủ và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro, Manila, 28/03/2014
Tổng thống Philippines (áo trắng) chứng kiến lễ ký kết hiệp định hòa bình giữa chính phủ và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro, Manila, 28/03/2014 REUTERS
Quảng cáo

Văn bản này thừa nhận việc thành lập vùng tự trị Bangsamoro và cho phép chấm dứt một cuộc xung đột kéo dài từ đầu năm 1970 đến nay, làm gần 150 ngàn người thiệt mạng.

Vùng tự trị Bangsamoro sẽ bao gồm 5 tỉnh trên đảo Mindanao và lân cận, ở phía nam Philippines, chiếm khoảng 10% tổng diện tích nước này.

Vùng tự trị sẽ có Quốc hội và lực lượng cảnh sát riêng. Về nguồn tài chính, Bangsamoro sẽ trực tiếp giữ lại 75% tổng các khoản thu thuế và đặc biệt là được hưởng 75% thu nhập đến từ các hoạt động khai thác tài nguyên trong vùng, nơi có rất nhiều mỏ khoáng sản.

Trong lĩnh vực tôn giáo, luật Hồi giáo Charia sẽ được áp dụng cho những người theo đạo Hồi, trong các hoạt động dân sự, nhưng không được áp dụng cho các vụ hình sự, phạm tội. Đương nhiên, chính quyền trung ương vẫn có các đặc quyền, đảm trách quốc phòng, ngoại giao, tiền tệ và lĩnh vực hành chính liên quan đến các quyền công dân.

Nếu mọi việc trôi chảy thì tiến trình tái lập hòa bình này sẽ được hoàn tất trong vòng 2 năm. Trước cuối năm nay, Tổng thống Benigno Aquino sẽ đệ trình Quốc hội và Hội đồng Bảo Hiến một dự luật về quyền tự trị.

Trong năm 2015, người dân các tỉnh có liên quan sẽ được tham khảo ý kiến thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Sau đó, một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập, trong khi chờ đợi cuộc bỏ phiếu vào năm 2016 để bầu ra Quốc hội vùng tự trị với 50 đại biểu.

Tổ chức chính trị của những người Hồi giáo ly khai ở miền nam Philippines xuất hiện từ những năm 1960. Năm 1969, Mặt trận giải phóng dân tộc Moro ra đời và tiến hành đấu tranh vũ trang. Vào thời điểm đó, vùng này đã có đông đảo người Hồi giáo trong lúc Philippines là một nước có đa số dân Thiên Chúa giáo.

Trong 45 năm qua, đã có nhiều cuộc thương lượng, ngừng bắn hoặc thỏa thuận, nhưng bạo lực vẫn tiếp diễn. Năm 1989, vùng tự trị đầu tiên đã được thành lập. Đến năm 1996, Mặt trận giải phóng dân tộc Moro đã ký một hiệp định quan trọng với chính phủ Philippines, nhưng rồi văn bản này cũng không được thực hiện. Trong những năm 1970, phong trào ly khai phải đối mặt với những chia rẽ nội bộ và từ đó, Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro ra đời năm 1978, tách ra khỏi Mặt trận giải phóng dân tộc Moro.

Hôm qua, chính tổ chức Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro đã ký hiệp định hòa bình với chính phủ.

Đây là hai trong số những tổ chức ly khai chính, nhưng tại một vùng có rất nhiều phe nhóm, bè phái, thì trong phong trào nổi dậy này, còn có tổ chức khủng bố Abu Sayyaf và nhiều nhóm vũ trang nhỏ khác.

Gần 150 ngàn người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài này, dân chúng phải di dời đi nhiều nơi để lánh nạn, tại một quốc gia thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai.

Tháng 11 năm ngoái, miền trung Philippines đã bị bão Haiyan tàn phá nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống của 9 triệu người. Tháng 09/2013, lực lượng vũ trang của Mặt trận giải phóng dân tộc Moro tấn công chiếm giữ cảng Zamboanga trong ba tuần đã làm 183 người thiệt mạng và 100 ngàn người phải đi sơ tán. Hậu quả kinh tế rất nặng nề tại nơi mà có tới 70% dân cư sống bằng nghề nông. Gần 1/3 dân cư Philippines sống dưới ngưỡng nghèo khó và làn sóng di dân, ra nước làm việc, diễn ra ồ ạt.

Thế nhưng, theo chuyên gia David Camroux, thuộc Viện nghiên cứu chính trị IEP, Paris, thì chính tình trạng nhân đạo và kinh tế khó khăn này có thể là yếu tố cho phép lạc quan về khả năng thực thi hiệp định hòa bình. Philippines không thể tiếp tục phí phạm sinh mạng con người và các nguồn kinh tế. « Một vùng được bình định sẽ cho phép khai thác tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tất cả các bên đều tranh thủ được nguồn lợi này, một khi thiết lập được việc phân bổ các nguồn thu nhập » vì đây là nguyên nhân chính gây xung đột.

Mặt khác, Tổng thống Aquino đã coi việc giải quyết cuộc xung đột này là một trong những mục tiêu chính trong nhiệm kỳ của ông.

Tuy vậy, việc tái lập hòa bình còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, vấn đề chính là sự chia rẽ trong phong trào nổi dậy. Tổ chức giải phóng Hồi giáo Moro đã đi theo hướng chấm dứt xung đột và từng bước giải giáp 10 ngàn binh sĩ của mình. Nhưng rất khó để biết là liệu các tổ chức vũ trang khác có chấp nhận ngưng chiến hay không.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.