Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - XÃ HỘI

Điều tra dân số Miến Điện : Dân Rohingya dưới sức ép của Phật tử cực đoan

Cuộc thống kê dân số đầu tiên của Miến Điện kể từ 30 năm nay, khởi sự từ hôm nay 30/03/2014 và sẽ kéo dài trong 12 ngày. Được tiến hành với mục tiêu giúp chính quyền dân sự cải thiện chính sách trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, đô thị hóa…, tuy nhiên, cuộc điều tra dân số đã gây ra nhiều căng thẳng xã hội, đặc biệt liên quan đến các mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo tại bang Rakhine, cũng như tiến trình lập lại hòa bình giữa chính phủ với các nhóm thiểu số ở miền Bắc và Đông bắc.

Người Rohingya theo đạo Hồi ở Miến Điện là một trong các sắc tộc bị truy bức nhất trên thế giới, theo Liên Hiệp Quốc.
Người Rohingya theo đạo Hồi ở Miến Điện là một trong các sắc tộc bị truy bức nhất trên thế giới, theo Liên Hiệp Quốc. Reuters/Andrew Biraj/file
Quảng cáo

Từ Rangoon, thông tín viên Rémy Favre cho biết thêm chi tiết :

Họ đã biểu tình từ nhiều tuần nay để chống lại việc thống kê dân số, những Phật tử cực đoan thậm chí còn đe dọa tẩy chay cuộc bầu cử tại Arakan (tức bang Rakhine), khu vực rất bất ổn ở miền tây Miến Điện, nơi người theo đạo Hồi và người theo đạo Phật thường xuyên đụng độ.

Phe Phật giáo cực đoan không muốn người Hồi giáo được tự do ghi tên như một thành viên sắc tộc thiểu số, vì sợ rằng họ sẽ đăng ký như một công dân Miến Điện, để rồi sau đó sẽ đòi hỏi các quyền lợi.

Phe Phật tử cực đoan đòi hỏi chính quyền phải buộc người Rohingya ghi danh như là « người Bengali », tức sắc dân đến từ Bangladesh, để làm dịu làn sóng phẫn nộ tại bang Arakan.

Ở những nơi khác tại Miến Điện, các sắc tộc thiểu số khác cũng thể hiện rất nhiều lo ngại về cuộc thống kê dân số này.

Có nhiều dấu hiệu về sự lo ngại của các sắc tộc thiểu số về khả năng chính phủ không công bố các con số chính xác trong cuộc điều tra này, nhằm giảm thiểu tầm quan trọng của các sắc tộc thiểu số trong xã hội Miến Điện. Cụ thể là, người Kachin ở miền bắc Miến Điện tuyên bố không tham gia vào cuộc thống kê dân số tại các khu vực mà họ kiểm soát.

Các kết quả đầu tiên của cuộc điều tra dân số sẽ pải được công bố từ cuối năm nay, trước cuộc bầu cử Quốc hội 2015, thời điểm chuyển tiếp dân chủ quan trọng, có thể dẫn đến chiến thắng của nhà đối lập Aung San Suu Kyi, theo nhiều nhà phân tích. 

Điều tra dân số Miến Điện diễn ra trong không khí căng thẳng

Theo AFP, hôm nay 30/03/2014, cuộc điều tra dân số đầu tiên của Miến Điện diễn ra trong không khí căng thẳng, đặc biệt tại bang Rakhine. Giới Phật tử cực đoan đe dọa tẩy chay cuộc bầu cử, nếu người Rohingya đăng ký là thành viên của sắc tộc này. Nhiều gia đình Rohingya phản đối, nhiều người thậm chí tuyên bố sẽ thách thức quyết định của chính quyền.

Thứ bảy vừa qua, chính quyền tuyên bố người theo đạo Hồi, thuộc sắc tộc Rohingya, không được chấp nhận đăng ký với tư cách là người thuộc sắc tộc này trong cuộc điều tra dân số nói trên.

Hôm nay, nhiều gia đình Rohingya đặt biểu ngữ trước cửa nhà, từ chối không tham gia cuộc điều tra. Trong khi đó, có những lời kêu gọi người Rohingya không nhường bước trước đe dọa này, và tự khẳng định sắc tộc của mình. Trả lời phỏng vấn AFP, Hla Myint, một người Rohingya 58 tuổi, nói sẽ không đăng ký với tư cách người Bengali (tức thừa nhận mình là người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh), mà là người Rohingya.

Cách nay ít hôm, tại Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine, nhiều đám đông Phật tử cực đoan tấn công vào các trụ sở của Liên Hiệp Quốc và của các tổ chức phi chính phủ, bị cáo buộc đứng về phía người Hồi giáo Rohingya. Đạn lạc khiến một bé gái tử vong. Các nhân viên của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc – cơ quan tham gia tổ chức cuộc điều tra dân số - phải sơ tán khỏi thành phố này.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.