Vào nội dung chính
ÚC - HÀNG KHÔNG

Vụ máy bay Malaysia mất tích : Chuyển hướng tìm kiếm xuống đáy biển

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc, ông Angus Houston, người phụ trách điều phối các hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích ở ngoài khơi bờ biển phía tây Úc cho biết, có rất ít hy vọng tìm thấy các mảnh vụn của máy bay trên mặt nước,do vậy trong những ngày tới hoạt động tìm kiếm sẽ tập trung vào đáy biển vùng phía nam Ấn Độ Dương.

Tàu Ocean Shield của Úc đã thu được các tín hiệu từ đáy biển.
Tàu Ocean Shield của Úc đã thu được các tín hiệu từ đáy biển. Peter D. Blair/Handout via Reuters
Quảng cáo

Các tín hiệu phát đi từ đáy biển mà tàu Ocean Shield của Úc thu được vào cuối tuần qua, mở ra hướng tìm kiếm khả dĩ nhất. Các tín hiệu này « tương hợp » với sóng được phát đi từ các hộp đen của máy bay.

Cụ thể là các nhà điều tra đã thu được tín hiệu thứ nhất trong vòng một giờ 20 phút và tín hiệu thứ hai trong vòng 13 phút. Trong lần thứ hai này, có hai sóng khác biệt được ghi nhận. Một sóng có thể được phát đi từ hộp đen DFDR, ghi các thông số liên quan đến chuyến bay như độ cao, tốc độ. Sóng thứ hai có thể xuất phát từ hộp đen CVR, ghi âm thanh, các trao đổi trong phòng lái. Do vậy, các nhà điều tra cho rằng họ đang ở rất gần các hộp đen.

Công việc hiện nay là tiếp tục dò thu tín hiệu cho phép xác định rõ và thu hẹp khu vực tìm kiếm. Trong những ngày tới, một tàu lặn tự động, Bluefin-21, sẽ được đưa xuống đáy biển để tìm kiếm hộp đen.

Tàu lặn Bluefin-21 có hình dáng như một thủy lôi, dài gần 5 mét và có gắn thiết bị thu sóng, máy ảnh. Tàu này thường được dùng vào việc chụp đáy biển, tìm kiếm mảnh vỡ tàu, khảo cổ đáy biển, phát hiện mìn. Bluefin-21 nặng 750 kg, có thể độc lập hoạt động trong vòng 20 giờ, ở độ sâu tối đa là 4500 mét.

Điểm hạn chế là tàu lặn Bluefin-21 không thể cùng một lúc mang theo thiết bị thu dò tín hiệu, sóng và máy ảnh. Do vậy, mỗi khi thu được một tín hiệu khả nghi, tàu phải nổi lên mặt nước để tháo thiết bị thu tín hiệu và lắp đặt máy ảnh, rồi lại lặn xuống để chụp ảnh.

Do vậy, theo ông Houston, « đây là một quy trình lâu và rất khó khăn, nhất là khi tìm kiếm dưới đáy đại dương ».

Chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines mất tích từ ngày 08/03. Nếu hướng tìm kiếm hộp đen theo tín hiệu sóng thu được là đúng, thì đây là một bước tiến ngoạn mục, bởi vì các hộp đen chỉ phát tín hiệu trong khoảng một tháng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.