Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Bà Aung San Suu Kyi hy vọng Miến Điện vượt qua được sự chia rẽ

Tại Đức, lãnh tụ đối lập Miến Điện, giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi nhân chuyến viếng thăm Berlin hôm 10/04/2014 đã bày tỏ mong muốn đất nước mình sẽ vượt qua được tình trạng chia rẽ và xung đột sắc tộc.

Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Đức Angela Merkel - Reuters
Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Đức Angela Merkel - Reuters
Quảng cáo

Trong cuộc đàm luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà Aung San Suu Kyi, 68 tuổi, cho rằng Miến Điện « cần có sự hỗ trợ của tất cả các nước tin tưởng vào nền dân chủ », để có thể thành công trong quá trình chuyển đổi dân chủ và ra khỏi chế độ độc tài quân sự. 

Nhà dân biểu đối lập chuẩn bị ra ứng cử tổng thống vào năm tới tuyên bố : « Đối với tôi, Berlin không chỉ là biểu tượng cho thành công trong phát triển, mà còn cho thành công về thương thảo, về mặt đoàn kết chính trị ». 

Theo bà Aung San Suu Kyi : « Miến Điện là một liên minh, và chúng tôi mong rằng sẽ là một liên minh thực sự dân chủ. Dân tộc chúng tôi sẽ vượt qua được những khác biệt hiện nay và trở thành một quốc gia đảm bảo an ninh, tự do và hy vọng cho tất cả những người sinh sống tại đây ». 

Miền tây nam Miến Điện là nơi xảy ra các vụ đụng độ đẫm máu giữa người Phật giáo và Hồi giáo đã làm cho 250 người chết và trên 140.000 phải di tản kể từ năm 2012. 

Bị cộng đồng quốc tế lên án, chính quyền Miến Điện hôm thứ Tư 9/4 hứa hẹn sẽ bảo vệ các tổ chức nhân đạo trong vùng này bị những người dân tộc chủ nghĩa sắc tộc Rakhine theo đạo Phật tấn công hồi cuối tháng Ba. Người Rakhine chỉ trích các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và Liên Hiệp Quốc ưu ái những người Rohingya theo đạo Hồi. 

Về phía bà Angela Merkel đã ca ngợi các hoạt động của bà Aung San Suu Kyi, và cho biết Đức sẵn sàng ủng hộ để Miến Điện vạch ra được « con đường hướng về một tương lai tốt đẹp hơn ». Bà Merkel nhắc lại « khoảng thời gian không thể tin được » khi nhà đối lập Miến Điện bị quản thúc, mà « không hề từ bỏ những ý tưởng và niềm tin của mình ».

Thủ tướng Đức nói : « Đương nhiên tôi hết sức vui mừng khi bà Aung San Suu Kyi quyết định đóng một vai trò chính trị chủ chốt trong việc chuyển đổi đất nước ». 

Bà Suu Kyi được trả tự do vào năm 2010 sau khi bị tập đoàn quân sự cầm quyền từ nửa thế kỷ quản thúc suốt 15 năm. Sau đó bà tiến hành chính sách đối thoại thực dụng với Tổng thống cải cách Thein Sein. 

Trước khi được Thủ tướng Angela Merkel tiếp, nhà đối lập Miến Điện đã gặp gỡ Tổng thống Đức Joachim Gauck và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier, sau đó bà sẽ thăm Pháp vào cuối tuần.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.