Vào nội dung chính
ÚC - MALAYSIA

MH370 : Tàu lặn thăm dò xuất trận vào lúc phát hiện một vỉa dầu loang

Trong một cuộc họp báo vào hôm nay 14/04/2014, lãnh đạo trung tâm điều phối kế hoạch tìm kiếm chiếc Boeing của hãng hàng không Malaysia bị mất tích cho biết : Lần đầu tiên một chiếc tàu lặn không người lái sẽ được triển khai trong chiến dịch tìm kiếm.

Ngoài máy bay và tàu thuyền, tàu lặn không người lái được triển khai trong chiến dịch tìm kiếm MH370 - AFP  / RICHARD WAINWRIGHT
Ngoài máy bay và tàu thuyền, tàu lặn không người lái được triển khai trong chiến dịch tìm kiếm MH370 - AFP / RICHARD WAINWRIGHT
Quảng cáo

Quyết định dùng đến phương tiện hiện đại này được đưa ra trong bối cảnh vào hôm qua, một vết dầu loang đã được tàu hải quân Úc Ocean Shield phát hiện trong khu vực tìm kiếm chuyến bay MH370 bị mất tích.

Theo tướng Angus Houston, điều phối viên công tác tìm kiếm, chiếc Ocean Shield sẽ đình chỉ công việc rà tìm tín hiệu bằng phương tiện thăm dò âm thanh dưới biển tow-pinger trong ngày hôm nay, để « triển khai tàu lặn tự động Bluefin-21 ». Ông Houston tuy nhiên đã lưu ý mọi người là không nên đặt quá nhiều hy vọng vào việc sớm tìm thấy xác chiếc máy bay.

Sở dĩ giới tìm kiếm phải thay đổi phương tiện sử dụng, đó là vì từ ngày mồng 08/04 đến nay, họ không nhận thêm được một tín hiệu nào khác, ngoài 4 lần ghi nhận được các tín hiệu âm học với tần số dưới 30 khz, tương ứng với tần số âm do các chiếc hộp đen phát ra. Trên lý thuyết, hộp đen của chiếc Boeing bị mất tích chỉ đủ năng lượng hoạt động trong 30 ngày, nhưng từ hôm biến dạng đến nay, 38 ngày đã trôi qua.

Tàu lặn không người lái Bluefin mang hình dạng một chiếc thủy lôi dài gần 5 mét, nặng khoảng 750 ký, có khả năng hoạt động trong liên tục 20 tiếng đồng hồ, ở độ sâu tối đa là 4.500 mét, tức là độ sâu được cho là nơi phát đi các tín hiệu nhận được vào tuần trước.

Được trang bị máy sonar, phương tiện này thường được dùng để đo đạc đáy biển, tham gia các hoạt động tìm kiếm khảo cổ hay đại dương học, thu nhặt xác tàu chìm... Trong trường hợp sonar của chiếc tàu lặn Bluefin ghi nhận được tín hiệu khả nghi, nó sẽ được kéo lên, trang bị máy thu hình, rồi đưa trở xuống đáy biển.

Vấn đề là công việc khá phức tạp. Cho mỗi chuyến công tác, chiếc Bluefin phải mất 24 tiếng đồng hồ : 2 tiếng để xuống tới độ sâu cần thiết, hoạt động liên tục trong 16 tiếng đồng hồ, và mất thêm 2 tiếng để trồi lên ; việc phân tích các tín hiệu sau đó mất thêm 4 tiếng nữa.

Cũng theo tướng Angus Houston, vào tối hôm qua, Chủ nhật 13/04, chiếc Ocean Shield đã phát hiện một vỉa dầu loang ở khu vực đang tìm kiếm. Hai lít dầu đã được vớt lên để xét nghiệm, thoạt nhìn không giống loại dầu mà các loại tầu thuyền thường dùng, nhưng phải mất vài ngày mới biết được kết quả kiểm tra chính xác.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.