Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Chiến sự và lòng nghi kỵ đe dọa nỗ lực hòa bình tại Miến Điện

Trong bối cảnh Miến Điện đang xoay chuyển chính trị theo chiều hướng dân chủ thì xung đột võ trang giữa quân đội và sắc tộc Kachin có thể làm tiêu tan hy vọng vãn hồi hòa bình, kết thúc cuộc nội chiến 60 năm. Thái độ không khoan nhượng của quân đội Miến Điện là nguyên nhân đánh mất lòng tin cậy của đối lập võ trang.

Lãnh đạo lực lượng Kachin và đại diện chính quyền Miến Điện - Reuters
Lãnh đạo lực lượng Kachin và đại diện chính quyền Miến Điện - Reuters
Quảng cáo

Theo chương tình đàm phán thì vào giữa tháng Năm này, chính phủ trung ương và tổ chức sắc tộc thiểu số Kachin ở cực bắc Miến Điện sẽ trở lại bàn hội nghị. Mục đích của nỗ lực này là để chấm dứt cuộc tranh chấp mà số nạn nhân tử vong không thể đếm được từ khi xung đột bùng lại vào năm 2011, sau 17 năm hưu chiến, làm 100 ngàn dân bỏ làng đi tỵ nạn.

Trong khuôn khổ hòa giải và hòa hợp dân tộc, chế độ chính trị Miến Điện đã chấp nhận sinh hoạt chính trị đa đảng, chính quyền dân sự thành công ký hiệp định hòa bình với 14 trên 16 sắc tộc thiểu số. Tuy nhiên cho đến nay, các nỗ lực hòa giải với hai lực lượng quan trọng là Quân đội độc lập Kachin và Quân đội dân tộc giải phóng Shan không mang lại kết quả mong muốn.

Hai tổ chức này đặt yêu sách là chính quyền trung ương phải chấp nhận xây dựng một hệ thống liên bang từ chính trị đến an ninh. Thế nhưng quân đội Miến Điện, chứ không phải là chính phủ dân sự lý giải là cần ngưng bắn trước, đàm phán chính trị sau.

Trưởng đoàn thương thuyết của hai tổ chức nổi dậy Naing Han Tha cho biết chính quân đội Miến Điện không chấp nhận cho các sắc tộc thiểu số quyền lợi bình đẳng với người Miến. Ngược lại, các sắc dân thiểu số cũng không chấp nhận thái độ và ý thức hệ « kẻ cả » của quân đội.

Một bản phúc trình của tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) công bố gần đây thẩm định là quân đội Miến Điện có cung cách rất đáng lo ngại tuy chưa đủ chứng cớ để khẳng định là phe quân nhân tiến hành kế hoạch phá hoại hòa đàm.

Trên thực địa, trong khi diễn ra hòa đàm thì các đơn vị chủ lực Miến Điện áp sát tổng hành dinh của lực lượng võ trang Shan khiến cho ban lãnh đạo và dân Kachin phản đối và đánh dấu hỏi về thực tâm hòa bình của quân đội.

Bản báo cáo nhân quyền của Liên Hiệp Quốc do đặc sứ Tomas Ojea Quintana công bố hồi tháng Tư cũng nhấn mạnh đến những hành vi không thể chấp nhận được của một quân đội quốc gia : đó là những vụ cưỡng hiếp phụ nữ Kachin, bắt giam một cách tự tiện và tra tấn thanh niên sắc tộc thiểu số.

Trong tháng Tư, tức là vài tuần trước khi hòa đàm mở lại, xung đột vũ trang xảy ra và kéo dài một tuần lễ gần kề các trại tạm cư làm gần 3000 dân Kachin tỵ nạn phải chạy trốn. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã phải tố cáo điều mà ông gọi là « điềm xấu » và « luật ăn miếng trả miếng » của hai bên.

Thái độ của quân đội buộc các lực lượng vũ trang đối lập phải buông súng trước khi đàm phán giải pháp chính trị làm tình hình bế tắc. Trước đây, tập đoàn tướng lãnh nhân danh « thống nhất lãnh thổ » để độc quyền cai trị suốt 65 năm cho đến 2011 mới giải thể để nhường chổ cho một chính quyền dân sự thân tây phương.

Nhưng theo AFP, vào lúc hòa đàm với người Kachin và Shan bước vào giai đoạn quyết định thì quân đội Miến Điện lại tỏ dấu hiệu cứng rắn hơn và can thiệp nhiều hơn vào bàn hội nghị bất chấp nguy cơ phá vỡ nỗ lực của chính phủ cải cách của Tổng thống Thein Sein.

Song song với cản lực ngăn chận tu chính hiến pháp để không cho nhà đối lập Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống 2015, phe mặc áo kaki tại quốc gia Đông nam Á này không che giấu tham vọng tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trên chính trường.

Kết quả hòa đàm vào giữa tháng Năm sẽ là bài trắc nghiệm cho chính phủ Thein Sein và cho thấy rõ hơn tương quan lực lượng giữa phe cải cách và quân đội. Vận tốc dân chủ hóa và nền hòa bình tại Miến Điện cũng tùy thuộc vào cán cân này.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.