Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Vụ giàn khoan HD-981 gây căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung

Những hành động « gây hấn » của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh hải với những nước láng giềng đang gây căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung, đặt ra nhiều vấn đề về hợp tác giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới

Tướng Martin Dempsey (trái),Tổng tham mưu trưởng Hoa Kỳ và đồng nhiệm Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy trong buổi họp báo chung tại Lầu Năm Góc ở Washington ngày 15/05/2014.
Tướng Martin Dempsey (trái),Tổng tham mưu trưởng Hoa Kỳ và đồng nhiệm Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy trong buổi họp báo chung tại Lầu Năm Góc ở Washington ngày 15/05/2014. REUTERS/Yuri Gripas
Quảng cáo

Trên đây là tuyên bố của một quan chức cao cấp Hoa Kỳ hôm qua 15/05/2014 tại Washington khi trả lời hãng tin Reuters. Đối với quan chức này, việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến Biển Đông là có vẻ như là nhằm thực hiện chính sách khẳng định chủ quyền bằng những biện pháp cưỡng bức và hù dọa. Quan chức Hoa Kỳ cho biết Washington liên lạc rất chặt chẽ với chính phủ Hà Nội về cách thức đối phó hiệu quả nhất với Trung Quốc.

Khi tiếp Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy hôm qua, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và quan chức cao cấp khác của Mỹ cũng đã tuyên bố rằng hành vi của Bắc Kinh là « nguy hiểm và mang tính gây hấn », cần phải chấm dứt.

Theo nhận định của hãng tin Reuters, tình hình Biển Đông căng thẳng trở lại là một trong những thách thức to lớn đối với tổng thống Barack Obama, hiện đang gặp áp lực từ phía các đồng minh của Mỹ, muốn Washington đẩy mạnh chiến lược « xoay trục » sang Châu Á để đối phó với thế lực ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này.

Tại Washington hôm qua, tướng Phòng Phong Huy đã chỉ trích chiến lược « xoay trục » của Tổng thống Obama, cho rằng chính chiến lược này đã khuyến khích các nước Việt Nam, Philippines và Nhật Bản gây hấn với Trung Quốc. Nhưng quan chức Mỹ trả lời hãng tin Reuters hôm nay bác bỏ lời cáo buộc của tướng Phòng Phong Huy, cho rằng viên tướng này đã diễn giải « sai một cách cơ bản » chiến lược Mỹ. Theo ông, thái độ của Trung Quốc chỉ khiến các nước Châu Á muốn Hoa Kỳ can dự nhiều hơn vào các vấn đề quân sự, kinh tế và ngoại giao trong khu vực.

Washington vẫn nhấn mạnh rằng chính sách xoay trục sang Châu Á không phải là nhằm ngăn chận sự lớn mạnh của Trung Quốc, nhưng bản thân Bắc Kinh nên hành xử theo đúng các chuẩn mực quốc tế.

Khủng hoảng do vụ giàn khoan HD-981 đã nổ ra sau khi Tổng thống Obama vừa mới kết thúc chuyến công du Châu Á, trong đó ông đã cam kết là Hoa Kỳ sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo vệ các đồng minh trong khu vực.

Theo Reuters, sự kiện Nga sát nhập vùng Crimée của Ukraina trước sự bất lực của Hoa Kỳ khiến một số nước Châu Á sợ rằng Bắc Kinh cũng sẽ dùng vũ lực để áp đặt chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, cho tới nay Washington vẫn tuyên bố không đứng về phe nào và vẫn kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Nhưng bà Elizabeth Economy và ông Michael Lev, hai nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Quan hệ đối ngoại của Mỹ, trong một bài viết đăng trên tờ Washington Post hôm nay, cho rằng Hoa Kỳ và các nước ASEAN nên hợp lực thành một mặt trận thống nhất nhằm ngăn chận việc Bắc Kinh đơn phương xác quyết chủ quyền tại các vùng biển đang tranh chấp.

Hai nhà nghiên cứu này đề nghị rằng, cho dù Hoa Kỳ không có nghĩa vụ bảo vệ Việt Nam ( vì hai nước chưa ký hiệp ước quân sự ), nhưng Washington nên chuẩn bị hỗ trợ Việt Nam bằng cách tăng cường sự hiện diện của hải quân. Nếu lời nói không đi đôi với hành động, uy tín của Hoa Kỳ trong việc cam kết duy trì hòa bình và ổn định khu vực sẽ bị sứt mẻ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.