Vào nội dung chính
NGA - TRUNG QUỐC

Tổng thống Nga công du Trung Quốc tìm kiếm đồng minh

Ngày 20/05/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thượng Hải. Mục đích của chuyến đi là tìm kiếm đồng minh trong lúc quan hệ giữa Nga và phương Tây lạnh nhạt, do khủng hoảng Ukraina.

Tổng thống Nga và chủ tịch TQ tại Thượng Hải. Ảnh ngày 20/05/2014.
Tổng thống Nga và chủ tịch TQ tại Thượng Hải. Ảnh ngày 20/05/2014. REUTERS/Carlos Barria
Quảng cáo

Đây là chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của Tổng thống Nga Putin, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên lãnh đạo Trung Quốc.

Trong hai ngày ở Thượng Hải, thủ phủ kinh tế của Trung Quốc, ông Putin sẽ tham dự diễn đàn an ninh khu vực và cùng với Chủ tịch Trung Quốc, đến quan sát cuộc tập trận chung giữa hai nước trên biển Hoa Đông.

Theo giới phân tích, Nga và Trung Quốc có những lợi ích chiến lược chung đối phó với các nước phương Tây. Trong chuyến đi này, nhiều hợp đồng kinh tế thương mại sẽ được ký kết. Đặc biệt là hợp đồng về khí đốt, cho phép Nga thâm nhập vào thị trường Trung Quốc rộng lớn, trong lúc Châu Âu đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc về khí đốt vào Nga.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne tường trình :

« Chuyến thăm này rất quan trọng về chính trị cũng như về kinh tế. Theo báo chí Nga, đối với Tổng thống Vladimir Putin, mục đích chuyến đi là nhằm « hồi sinh một thế giới đa cực ». Nói cách khác, Matxcơva tìm kiếm các đồng minh kể từ khi quan hệ của Nga với Châu Âu và Hoa Kỳ lạnh nhạt do khủng hoảng Ukraina.

Nước Nga mơ ước có Châu Á và các quốc gia trong hàng ngũ của mình. Đương nhiên, Trung Quốc hài lòng khi thấy Nga chống lại sự bá quyền tư tưởng phương Tây. Thế nhưng, Bắc Kinh không muốn thấy có những thay đổi về đường biên giới cũng như các cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết. Điều này giải thích vì sao Trung Quốc có một sự dè chừng nào đó đối với chính sách đối ngoại của Nga.

Dù sao, tại Matxcơva, người ta nói đến mối quan hệ mẫu mực giữa hai nước. Tổng thống Nga vừa tuyên bố : Giữa chúng tôi, không hề có bất cứ vấn đề chính trị nào có thể ngăn cản việc tăng cường hợp tác song phương. Bởi vì ông Putin coi Trung Quốc là một đối tác thương mại có thể thay thế Châu Âu.

Vả lại, trong chuyến đi tới Thượng Hải, hàng chục doanh nhân Nga đã tháp tùng Tổng thống Putin và khoảng ba chục thỏa thuận, hợp đồng sẽ được ký kết, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Thỏa thuận được mong đợi nhất là hợp đồng bán cho Trung Quốc 70 tỷ mét khối khí đốt trong vòng 30 năm. Đây là kết quả của hơn 10 năm thương lượng giữa hai nước ».

Giới quan sát nhấn mạnh tới bối cảnh chuyến công du. Nga bị phương Tây cô lập do cuộc khủng hoảng Ukraina, còn Trung Quốc đang khuấy động Biển Đông, ngang nhiên đưa giàn khoan dầu vào vùng biển của Việt Nam, làm cho tình hình khu vực căng thẳng.

Theo ông Raffaello Pantucci, chuyên gia cao cấp về an ninh và quốc phòng thuộc Royal United Services Institute, được AFP trích dẫn, « đối với Nga, chuyến đi nhằm chứng tỏ rằng : Các vị thấy đấy, chúng tôi có những lựa chọn khác. Chúng tôi có quan hệ chặt chẽ với Nga ».

Vẫn theo chuyên gia này, Trung Quốc thì hoạt động mạnh hơn ở Biển Đông và muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Nga.
Đồng thời, báo chí Trung Quốc ngày hôm nay, lại bác bỏ việc Bắc Kinh thắt chặt quan hệ với Matxcơva để chống lại phương Tây và Hoa Kỳ.

Theo xã luận Hoàn Cầu Thời Báo, « mối quan hệ chặt chẽ này không nhằm chống lại một bên thứ ba nào, nhưng có vai trò quan trọng trong việc ủng hộ lẫn nhau để bảo vệ không gian chiến luợc và tránh được sức ép từ bên ngoài ».

Ngày mai, lãnh đạo Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác tham dự Hội nghị tương tác các biện pháp xây dựng lòng tin tại Châu Á, một diễn đàn về an ninh khu vực, vào lúc Trung Quốc có những hành động hung hăng trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là với Việt Nam.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã xấu đi, kể từ đầu tháng Năm, khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ở Biển Đông, làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam, một số cuộc biểu tình đã dẫn tới bạo động.

Đồng thời, ở biển Hoa Đông, Trung Quốc vẫn thường xuyên đưa tàu và máy bay đến khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.
 

 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.