Vào nội dung chính
THÁI LAN

Quân đội Thái Lan sẽ lộ rõ ý đồ trong những ngày tới

Hôm qua, 20/05/2014, quân đội Thái Lan đã ban bố thiết quân luật trên toàn quốc. Thủ tướng lâm thời Thái Lan kêu gọi quân đội tôn trọng Hiến pháp. Quân đội tuyên bố đây không phải là một cuộc đảo chính, nhưng báo chí bị kiểm duyệt. RFI phỏng vấn bà Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia thuộc Trung tâm Châu Á, về tình hình Thái Lan.

Quảng cáo

RFI : Theo bà, có nên tin khi quân đội Thái Lan nói rằng đó không phải là một cuộc đảo chính ? 

Sophie Boisseau du Rocher (SBR) : Cũng có thể tin được phần nào, nhưng dù sao thì vẫn có rất nhiều ngờ vực. Trong những ngày tới, quân đội sẽ lộ rõ ý đồ thực sự của họ, đặc biệt là đối với chính phủ và Thủ tướng lâm thời hiện nay. Nếu quân đội vẫn giữ nguyên Thủ tướng, thì chúng ta có thể nghĩ rằng quân đội chỉ muốn can thiệp nhanh và ngắn gọn vào chính trường Thái Lan. Ngược lại, nếu quân đội hạ bệ Thủ tướng, thì rõ ràng là quân đội đã có ý đồ và lịch trịch từ trước và được giấu kín. 

RFI : Quân đội yêu cầu hai bên, phe Áo Vàng và phe Áo Đỏ, thương lượng với nhau. Liệu sáng kiến này có mang lại kết quả hay không, vì từ nhiều tháng qua, họ đã không nói chuyện được với nhau ?

SBR : Không nên xem xét cuộc thảo luận dưới góc độ là có hai phe, thân và chống Thaksin. Đó không phải là cách nhìn nhận đúng về tình hình Thái Lan. Cái chính là cần phải hiểu các luật lệ trò chơi chính trị tại Thái Lan, vận hành từ gần 50 năm qua và tạo ra một liên minh chặt chẽ giữa giới lãnh đạo chính trị, hoàng gia và quân đội. Câu hỏi là có thể cải cách luật lệ này hay không. Đây mới thực sự là vấn đề, đáng chú ý hơn là việc quan tâm đến trường hợp gia đình Thaksin, tranh luận chính trị và thách thức của cuộc đảo chính.

Liệu quân đội có thể triệu tập được các tác nhân muốn hoặc không muốn các cải cách, ngồi vào bàn đàm phán hay không ? Cho đến nay, điều gây ngạc nhiên là chính ông Suthep Thaugsuban, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, đã chỉ đạo các cuộc biểu tình chống chính phủ và ông từ chối đối thoại. Như vậy, các thách thức chính trị phức tạp hơn nhiều. Và điều cần phải thực sự tiến hành, đó là thay đổi và hiện đại hóa các luật lệ, tập quán hoạt động chính trị tại Thái Lan. 

RFI : Hiện nay, ai đại diện cho phe cải cách ?

SBR : Trước tiên, có những người thuộc phe Áo Đỏ, nhưng không nhất thiết là ủng hộ Thaksin và họ đòi phải có một cuộc cách mạng, thay đổi luật chơi trong lĩnh vực chính trị. Giới trí thức, giảng dậy, hàn lâm Thái Lan ghi nhận được sự biến đổi của vương quốc từ 50 năm qua, sự hình thành và trỗi dậy của một xã hội dân sự và họ thừa nhận rằng, xã hội dân sự này muốn có tiếng nói. Đó là thách thức chủ yếu.

Thật rất đáng tiếc là tại Thái Lan, chưa xuất hiện rõ ràng những chính khách. Chính vì thế mà người ta vẫn có cái nhìn truyền thống về sự chia rẽ giữa hai phe, một bên là phe Áo Đỏ và bên kia là phe Áo Vàng. Tuy nhiên, có một điều ngày càng rõ nét hơn từ vài tháng qua, đó là kể cả đảng Dân Chủ, được cho là ủng hộ phe Áo Vàng và đảng Pheu Thai, của cựu Thủ tướng Yingluck, đều không thực sự đáp ứng được đòi hỏi này của xã hội dân sự.

RFI : Giới quan sát bất ngờ trước việc quân đội ban hành thiết quân luật. Nhiều người không tin là việc này lại xẩy ra. Thế nhưng, Thái Lan dường như quen có các cuộc đảo chính. Vậy có gì khác biệt giữa việc ban hành thiết quân luật và các động thái trước đây của quân đội ? 

SBR : Trong một chừng mực nào đó, người ta vẫn nghi ngờ là có đảo chính. Vả lại, tuần trước, quân đội đã tỏ rõ lập trường khi tuyên bố là sẽ không ngần ngại can thiệp để tái lập trật tự và an ninh. Như vậy, có thể coi đó là một lời thông báo trước. Từ nhiều tháng qua, Thái Lan bị tê liệt thực sự, kinh tế bị ảnh hưởng bởi các rối loạn chính trị. Hiện nay, kinh tế Thái Lan đang chao đảo, không có tương lai và người ta chưa nhìn thấy lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Do vậy, quân đội muốn can thiệp.

Động thái này có thể là tốt trong ngắn hạn. Nhưng điều đáng chú ý là hiện giờ, chính phe Áo Đỏ đã khai thác tốt lá bài này, bởi vì họ không làm gia tăng căng thẳng trước các hành động của phe Áo Vàng, họ không rơi vào bẫy của phe Áo Vàng. Họ tỏ ra tương đối trầm tĩnh và thận trọng và chính điều này đã làm cho phe Áo Vàng tức tối vì không làm cho phe Áo Đỏ rơi vào bẫy một cuộc nội chiến hoặc một gây ra một sự xáo trộn trên quy mô lớn, khiến quân đội có lý do can thiệp.

Hiện nay, quân đội đóng vai trò chủ chốt. Ngược với những gì mà tướng Prayuth Chan Ocha, Tổng Tham mưu trưởng quân đội, tuyên bố, không thể giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng. Từ nhiều năm qua, vấn đề này đã làm suy yếu Thái Lan. Tuy vậy, nếu quân đội có đủ quyền lực để đưa tất cả các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán và thực sự thảo luận một lịch trình cải cách, trong trường hợp này, Thái Lan có cơ may thoát ra khỏi khủng hoảng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.