Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc, một cường quốc càng ngày càng hiếu chiến

Trung Quốc ngày càng hung hăng với các nước láng giềng, Syria tiếp tục tàn sát thường dân bằng vũ khí hóa học và Ireland phát hiện hố chôn gần 800 thi thể trẻ em là những chủ đề chính trong mục điểm báo ngày hôm nay 05/06/2014.

REUTERS/China Daily
Quảng cáo

« Trung Quốc, cường quốc càng ngày càng hiếu chiến » là tựa đề bài phân tích trên tờ nhật báo Les Echos. Theo Gabriel Grésillon, thông tín viên của Les Echos thường trú tại Bắc Kinh, nếu như cách đây 5 năm Trung Quốc còn được xem như là một quốc gia hòa bình, thì giờ đây đã trở thành một kẻ gây hấn tiềm tàng trong khu vực. Và hành động này ẩn chứa một rủi ro nghiêm trọng cho đất nước : làm sụp đổ uy tín của chính mình.

Với hình ảnh chú gấu trúc panda, tự thay chiếc đầu ôn hòa đáng yêu bằng đầu của một con gấu dữ, nhe nanh vuốt đe dọa trên phông nền quốc kỳ Trung Quốc, tác giả bài viết mở đầu bài phân tích bằng câu nhận định « Nơi đây là mồ chôn của sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc ». Một khái niệm được Bắc Kinh xây dựng từ năm 2003 và được xem như là một bảo bối để tô bóng hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

« Sự trỗi dậy hòa bình » có thể nói là một ý tưởng rất khôn khéo. Theo đó, vào lúc mà hàng hóa Trung Quốc tràn ngập trên toàn cầu, cả thế giới sẽ hiểu rằng Bắc Kinh không vì mục đích tham vọng bá quyền. Trung Quốc sẽ là một cường quốc dựa trên nền tảng không xâm phạm và ức hiếp láng giềng. Tất cả những xung đột trước đây, như cuộc chiến với Ấn Độ năm 1962 hay với Việt Nam năm 1979, đã lùi vào dĩ vãng.

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi trong năm 2014. « Giấc mơ Trung Hoa » của ông Tập Cận Bình chỉ là một vỏ sò trống rỗng, mà ai cũng có thể tự làm đầy tùy theo ý của mình, nhất là kể từ khi ông Chủ tịch Tập quyết định tăng cường sức mạnh quân sự cho đất nước.

Trung Quốc: "kẻ xúi giục gây gối"

Đương nhiên danh sách các vụ tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng cũng không phải mới mẻ gì. Chỉ có điều đáng chú ý là thái độ của Bắc Kinh đã hoàn toàn thay đổi chỉ trong vòng có vài năm. Từ lâu vốn nổi tiếng là cẩn trọng và chủ trương giữ nguyên « hiện trạng », Trung Quốc giờ đây cảm thấy có đủ tự tin làm « kẻ xúi giục gây rối » trong khu vực.

Tác giả bài viết công nhận rằng trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, cũng có một phần lỗi của chính quyền Tokyo. Việc chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa ba hòn đảo nằm trong quần đảo đã làm cho Bắc Kinh bực tức và theo lo-gic đã đẩy Trung Quốc đi đến hành động đối đầu. Đó là chưa kể đến cách nhìn méo mó của Tokyo về chính quá khứ lịch sử của mình, không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm tăng thêm căng thẳng với các quốc gia láng giềng khác nữa.

Nhưng điều đáng nói ở đây là cách hành xử hằng ngày của Trung Quốc. Từ nhiều thập niên nay, vùng quần đảo tranh chấp đó đã nằm dưới sự quản lý của chính quyền Nhật Bản. Trung Quốc ngang nhiên cho các chiến đấu cơ tiến gần các máy bay trinh sát của Nhật là một hành động "khiêu khích" quân sự cực kỳ nguy hiểm. Sốc hơn nữa là Bắc Kinh đơn phương ngang ngược thiết lập vùng nhận dạng phòng không trong khu vực, bao gồm cả vùng đang diễn ra tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đối với các quốc gia láng giềng phía Nam, Bắc Kinh cho xây dựng các cơ sở hạ tầng trên các vùng đảo đang có tranh chấp với Việt Nam và Philippines. Từ những quan sát đó, tác giả bài viết nhận định rằng, bất kể là lý do nào đi chăng nữa, các hành động gây hấn đó dù hợp pháp hay không, cho thấy có sự thay đổi về vị thế ngoại giao của Trung Quốc.

Đó là, cường quốc thứ hai trên thế giới này không còn là một quốc gia hòa bình nữa, mà đã trở thành « kẻ gây hấn tiềm tàng » trong toàn khu vực. Dẫu rằng sự đảo chiều này có vẻ như được nhìn nhận, trong thực tế, nó còn hàm chứa một mối nguy quan trọng cho đất nước : sự sụp đổ uy tín của quốc gia.

Tác giả lưu ý : « Để gầy dựng uy tín phải mất nhiều thời gian, nhưng tiếng xấu thì bám lấy rất là nhanh ». Đó chính xác là những gì Trung Quốc đang làm. Một mặt Trung Quốc xác định tính cần thiết xây dựng « quyền lực mềm » để cạnh tranh với Hoa Kỳ, như cho đầu tư ồ ạt để triển khai hệ thống Viện " Khổng tử " trên toàn thế giới. Nhưng song song với chiến dịch này, Bắc Kinh lại đánh đi những tín hiệu đe dọa gây sợ cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Gabriel Grésillon nhận thấy bất chấp việc sử dụng khôn khéo hình ảnh « gấu trúc » như là một công cụ ngoại giao, người ta cũng không thể nào xem Trung Quốc như là một kẻ khổng lồ vô hại đang ngủ yên. Và kết quả của những hành động đó là các nước xung quanh đang cố hợp lại tạo thành một mặt trận chung, tạo cho Tokyo một cái cớ để hoạt động tích cực hơn, như đóng vai « anh cả » trong khu vực. Mà gần đây nhất là Nhật Bản tuyên bố cung cấp tàu tuần duyên cho Việt Nam.

Tác giả cho rằng nếu thật sự muốn phát triển « quyền lực mềm » của mình, Trung Quốc cần phải có một thái độ khác cũng như học thuyết ngoại giao chín chắn hơn, xứng tầm với vị trí cường quốc mà họ muốn thể hiện trên trường quốc tế.

Nhưng cho đến thời điểm này, về mặt chính thức đa phần cách ứng xử bên ngoài lãnh thổ đều được minh chứng bằng một nguyên tắc bất di bất dịch: không can dự. Điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc chỉ có một nguyên tắc : thờ ơ đối với những gì không liên quan đến mình và dùng vũ lực khi có dính đến lợi ích của mình.

Syria : Assad lại dùng vũ khí hóa học thảm sát thường dân

Trong các tin thời sự quốc tế khác, độc giả có thể dễ dàng nhận thấy chủ đề các nguyên thủ phương Tây và Nga tề tựu về Paris để dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày đổ bộ lên Normandie hầu như lấn át mọi tin tức thời sự khác. Duy chỉ có báo Le Monde là đánh tiếng báo động chính phủ Syria lại dùng vũ khí hóa học tấn công thường dân.
Le Monde đưa tít trên trang nhất : « Syria, Assad tiến hành các vụ tấn công bằng Chlore, Phương Tây im lặng ».

Le Monde cho biết là Paris cùng với sự phối hợp của nhiều chuyên gia quốc tế đã nắm trong tay các bằng chứng cụ thể cho thấy quân đội Syria đã dùng clore, dưới dạng khí hóa học dội bom vào các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát. Đây là lần thứ hai chính quyền Damas sử dụng vũ khí hóa học bị cấm, trong vòng chưa đầy một năm. Lần thứ nhất là vào ngày 21/08/2013, Damas đã dùng khí sarin, làm thiệt mạng 1.400 người.

Đáng lưu ý là không còn bao nhiêu ngày nữa là đến 30/6, hạn Syria buộc phải giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học. Như vậy là một lần nữa Damas đã cố tình vi phạm Hiệp ước về vũ khí hóa học.

Tuy nhiên, tờ báo lấy làm khó chịu về thái độ « im lặng » của phương Tây. Cả Paris, lẫn Washington và Luân Đôn đều im hơi lặng tiếng khi nắm trong tay các bằng chứng cụ thể do chính các quốc gia này tiến hành điều tra mà có.

Obama - Putin, « chiến tranh lạnh » tại Paris

Hồ sơ Ukraina đang làm căng thẳng mối quan hệ giữa Nga với Phương Tây. Cùng hiện diện tại Pháp để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày đổ bộ lên vùng Normandie, 06/06/1944, nhưng sự đối đầu giữa hai nguyên thủ Nga – Mỹ khiến nhật báo Le Figaro cũng phải thốt lên : « Obama – Putin, chiến tranh lạnh tại Paris »

Tờ báo tiết lộ, Tổng thống Pháp François Hollande sẽ phải dùng bữa tối đến hai lần trong ngày thứ Năm này. Đầu tiên với Barack Obama, rồi sau đó với Vladimir Putin. Hai bữa tối, cách nhau khoảng hai giờ, nhằm tránh xảy ra các sự cố ngoại giao giữa hai nhà lãnh đạo đang lạnh nhạt lẫn nhau kể từ các khủng hoảng Syria và nhất là Ukraina. Theo các thân cận của tổng thống Pháp, khi từ chối vai trò « trung gian hòa giải », « François Hollande giờ phải diễn màn đi dây thăng bằng giữa Obama và Putin », như tựa đề bài viết trên trang 2.

Theo Le Figaro, ngành ngoại giao Pháp cũng biết là « điều kiện cho cuộc gặp gỡ lần này giữa Obama và Putin là chưa thuận lợi », nhưng Paris cũng mong là có thể nhân cơ hội Tổng thống Nga đến Pháp để tái thúc đẩy lại đối thoại trong hy vọng hạ nhiệt leo thang tại miền đông Ukraina.

Libération trong bài phân tích đề tựa « Ukraina : Vladimir Putin và phía Tây » còn nhận thấy là chuyến đi Pháp lần này sẽ giúp ông thoát khỏi cảnh cô lập ngoại giao. Bị phạt vì đã sáp nhập Crimée, năm nay Nga đã không được mời tham dự vào hội các ông chủ lớn, lúc này được gọi là G7 tại Bruxelles.

Tuy nhiên, nhờ vào lời mời của Pháp, liều thuốc phạt đã ít đắng hơn bởi vì ông Putin sẽ có mặt tại Normandie vào thứ sáu này 06/06, bên cạnh những nguyên thủ khác. Những vị này vẫn tiếp tục đe dọa đưa thêm các lệnh trừng phạt bổ sung nếu tổng thống Nga không buông thả Ukraina.

Irland : Giáo hội Công giáo lên ghế bị cáo

Cũng tại Châu Âu nhưng trên lãnh vực xã hội, hai tờ báo Libération và La Croix cũng quan tâm đến sự việc một nhà nghiên cứu sử học Ireland phát hiện 800 bộ xương trẻ em trong bể chứa phân của một tu viện cũ. Bài xã luận của nhật báo công giáo La Croix cho rằng « Giáo hội Công giáo Ireland lại một lần nữa ngồi ghế bị cáo ».

Nhà xã luận Dominique Quinio chắc chắn rằng những đứa bé này là con của những phụ nữ mang thai ngoài hôn nhân. Nhưng một loạt các nghi vấn được đặt ra về nguyên nhân cái chết. Các em chết vì lý do gì: do những căn bệnh chỉ ảnh hưởng đến những trẻ em nhà nghèo và thiếu ăn vào thời điểm đó ? hay do bị đối xử tệ ?

Tác giả đau đớn nhận xét điều gây sốc nhất không những vì số tử thi quá lớn (gần 800 bộ xương) mà còn vì sự vô danh tính của những thi thể được chôn xuống một cách lén lút, không áo quan, không nơi để tưởng niệm. Hình ảnh này cũng nhắc ta nhớ đến số phận của những phụ nữ trẻ bị cả một xã hội đè nặng bởi đạo lý công giáo phỉ báng.

Giáo hội Công giáo Ireland liên tục bị công kích : lạm dụng tình dục ở một bộ phận giáo sĩ, bóc lột sức lao động của những bà mẹ trẻ độc thân trong các cơ sở tiếp nhận, tách ly con với mẹ giao cho các gia đình giàu có nhận con nuôi mà thường không có sự đồng thuận của người mẹ…

Theo tác giả, thảm kịch này là hệ quả của việc Giáo hội Công giáo Ireland cũng như Quebec vào thời điểm đó thừa hưởng một quyền lực quá mạnh. Nó ảnh hưởng mạnh mẽ lên cả tập tục và các thể chế (trường học, bệnh viện, trại trẻ mồ côi…). Ông cũng cho rằng không nên phủ nhận những đóng góp của Giáo hội trong những dịch vụ mà xã hội dân sự không thể đảm trách hết được.

Nhưng cũng không vì thế mà phủi nhẹ trách nhiệm : trong nhiều thập kỷ qua, nhiều quý ông và quý bà khi cầu nguyện Chúa đã nghiêm trọng không giữ bổn phận đối với những người cơ nhỡ và những người yếu đuối nhất. Bằng chính cách hành xử của mình, con người đang phản bội lại yêu cầu đạo lý mà họ thường xuyên rao giảng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.