Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - TRUNG QUỐC

Trung Quốc và Ấn Độ tìm cách xích lại gần nhưng vẫn còn nghi kỵ.

Chưa đầy một tuần sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhậm chức, Bắc Kinh đã cử Ngoại trưởng Vương Nghị sang New Delhi và hôm qua, 08/06/2014, Ngoại trưởng hai nước đông dân nhất hành tinh đã đàm phán với nhau. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, các cuộc thảo luận, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế, « mang tính xây dựng và thực chất », « tất cả các vấn đề quan trọng đã được đề cập và thảo luận một cách thẳng thắn và thân mật ». Vẫn theo New Dehli, đây là bước khởi đầu tích cực trong quan hệ giữa tân chính phủ Ấn Độ và chính phủ Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) và đồng nhiệm Ấn Độ Sushma Swaraj trước khi vào hội đàm tại New Delhi, ngày 08/06/2014.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) và đồng nhiệm Ấn Độ Sushma Swaraj trước khi vào hội đàm tại New Delhi, ngày 08/06/2014. REUTERS/Adnan Abidi
Quảng cáo

Bên cạnh chủ đề kinh tế, thương mại, theo giới quan sát, chắc chắn, hai bên còn đề cập đến tranh chấp biên giới, vốn đầu độc quan hệ giữa hai quốc gia đều có vũ khí nguyên tử.

Ông Narendra Modi, vốn nổi tiếng là người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, kể từ khi đảm nhiệm chức Thủ tướng, đã tuyên bố ủng hộ việc xích lại gần nhau giữa Ấn Độ và Trung Quốc và ông đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm New Dehli. Một trong những nội dung cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng hai nước ngày hôm qua là chuẩn bị cho chuyến đi của lãnh đạo Trung Quốc. Năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã công du Ấn Độ.

Ông Ranjit Gupta, chuyên gia về quan hệ quốc tế, thuộc Viện Hoa Kỳ-Ấn Độ, một tổ chức tư vấn, có trụ sở tại Washington, nói với AFP, « nhờ có quan hệ tốt đẹp (với các nước láng giềng, Trung Quốc, Pakistan), Ấn Độ sẽ tìm lại được con đường tăng trưởng và vị trí của mình tại Châu Á ».

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Trao đổi mậu dịch song phương lên tới 70 tỷ đô la. Tuy nhiên, New Delhi nhập siêu 40 tỷ, trong khi con số này chỉ là 1 tỷ trong giai đoạn 2001-2002.

Nếu như cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đồng thuận về mục tiêu nâng trao đổi mậu dịch song phương lên đến 100 tỷ vào năm 2015, thì việc tái lập lòng tin giữa hai bên không hề đơn giản do tranh chấp lãnh thổ, biên giới. Nhiều vòng đàm phán không giúp làm giảm căng thẳng.

Tháng 10/1962, quân đội Ấn Độ thời đó do trang bị tồi tệ, sau bốn tuần giao tranh với quân đội Trung Quốc dọc đường biên giới Himalaya, đã buộc phải rút lui. Quân đội Trung Quốc đã tiến sâu vào vùng đồng bằng Assam. Sau đó, Trung Quốc đã rút quân về đường biên giới hiện nay, nhưng vẫn tiếp tục tuyên bố có chủ quyền đối với một phần lớn lãnh thổ bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ, nơi có đường biên giới chung dài 1080 km với Trung Quốc.

Mặc dù trao đổi kinh tế song phương có tầm quan trọng, nhưng quan hệ ngoại giao giữa New Delhi và Bắc Kinh vẫn có nhiều nghi kỵ.

Trong thời gian vận động tranh cử Quốc hội, ông Narendra Modi đã tố cáo « đầu óc bành trướng » của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đáp lại là Trung Quốc « chưa bao giờ gây ra một cuộc chiến xâm lược để chiếm lãnh thổ của các nước khác ».

Vài giờ trước khi tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc, hôm nay, trong bài diễn văn gửi tới Quốc hội, tân Thủ tướng Ấn Độ cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại mạnh mẽ và kiên quyết trong quan hệ với Bắc Kinh. Ông Modi nhấn mạnh : Tân chính phủ Ấn Độ mong muốn duy trì quan hệ hòa bình và thân thiện với các nước, nhưng sẽ không tránh đối đầu nếu cần thiết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.