Vào nội dung chính
HRW - MIẾN ĐIỆN

Người Rohingya chạy trốn khỏi Miến Điện bị lạm dụng

Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc – HCR, ngày hôm nay, 10/06/2014, đã tố cáo các vụ lạm dụng ngày càng gia tăng của những kẻ trong đường dây đưa người Hồi giáo Rohingya chạy trốn khỏi Miến Điện.

Người tỵ nạn Rohingya tại Thái Lan. Ảnh minh họa.
Người tỵ nạn Rohingya tại Thái Lan. Ảnh minh họa. UNHCR/V.Tan/
Quảng cáo

Năm 2012, hai làn sóng bạo động xung đột tôn giáo giữa người Hồi giáo Rohingya và người theo đạo Phật, đã làm rung chuyển bang Rakhine của Miến Điện. Hơn 200 người chết và 140 ngàn người phải chạy đi lánh nạn do các vụ bạo động này.

Trong cuộc họp báo ngày hôm nay, tại Geneve, ông Adrian Edwards, phát ngôn viên của HCR tuyên bố : « Hai năm sau khi xảy ra các vụ bạo động liên cộng đồng, hàng ngàn người vẫn tiếp tục chạy trốn bằng thuyền, từ Vịnh Bengale ».

Theo thẩm định của HCR, có hơn 86 ngàn người, đa số là người Hồi giáo Rohingya, đã phải chạy trốn khỏi Miến Điện, kể từ năm 2012. Và những người này đã là nạn nhân của các vụ « lạm dụng ngày càng gia tăng » của những kẻ buôn người và đưa người nhập cư trái phép, trong hành trình chạy trốn, hoặc tại Thái Lan hay Malaysia.

Ông Edwards cho biết, những người đã đến được Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, đã nói với nhân viên HCR là thuyền của họ chở rất đông người, quá tải, thường bị lạc hoặc gặp các sự cố kỹ thuật. Theo các nhân chứng, xác của những người qua đời trong hành trình chạy trốn, bị ném xuống biển.

Một số người tới được Thái Lan thì lại bị những kẻ buôn người nhốt trong các khoang lồng sắt hoặc trong các lán trại, nằm ở giữa rừng rậm, trong nhiều tháng, cho đến khi gia đình hoặc người thân của họ nộp tiền chuộc.

Trong những khu trại bất hợp pháp này, các nạn nhân không được nuôi dưỡng tử tế, bị đánh đập, và thậm chí, không có quyền đi lại.

Theo Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 800 ngàn người Rohingya, một thiểu số Hồi giáo vô tổ quốc vì không được chính quyền Miến Điện thừa nhận. Đa số đang sống tại bang Rakhine và đối với Liên Hiệp Quốc, đây là sắc tộc bị áp bức nhiều nhất trên thế giới.

Chính quyền quân sự Miến Điện trước kia đã tước quốc tịch của người Rohingya. Chính quyền dân sự hiện nay coi họ là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh và nhiều người Miến Điện không giấu diếm sự thù hằn đối với người Hồi giáo Rohingya.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.