Vào nội dung chính
NGA - TRUNG QUỐC

Nga - Trung, một liên minh mập mờ giữa hai nhà vô địch cờ vua – cờ vây

Nga và Trung Quốc cùng bắt tay nhau liên kết chống Mỹ. Nhưng mối liên kết đó được xây dựng trên lòng nghi kỵ. Nhiều chuyên gia ví liên minh này như là một nước đi có tính toán giữa hai nhà vô địch cờ vua và cờ vây. Chủ đề này được nhật báo kinh tế Les Echos số ra hôm nay 12/06/2014 đề cập đến qua bài phân tích đề tựa « Matxcơva – Bắc Kinh, những điểm mập mờ của một liên minh tình huống ».

Chủ tịch Tập Cận Bình và đồng nhiệm Nga Vladimir Poutine duyệt hàng quân danh dự tại Thượng Hải hôm 20/05/2014.
Chủ tịch Tập Cận Bình và đồng nhiệm Nga Vladimir Poutine duyệt hàng quân danh dự tại Thượng Hải hôm 20/05/2014. REUTERS/Alexei Druzhinin/RIA Novosti/Kremlin
Quảng cáo

Theo nhà xã luận Jacques Hubert-Rodier, tác giả bài viết, nếu nhìn từ phía Nga, một thế giới tam cực, tức trục 3 cường quốc Nga – Mỹ - Trung là một điều quá hoàn hảo. Một điều mỉa mai là trong trục « tam giác chiến lược » đó, không hề có chỗ cho Bruxelles, tức Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng tác giả cho rằng, trên thực tế mối quan hệ tam cường này không hề đơn giản chút nào. Dù là Nga hay Mỹ, mỗi bên đều có một chiến lược xoay trục về Châu Á theo một phách riêng.

Nga : Nhà vô địch thế giới cờ vua

Đối với Washington, chiến lược xoay trục nhằm tái khẳng định vị trí cường quốc của mình tại khu vực Thái Bình Dương bằng cách tái cân bằng quân sự và kinh tế tại Châu Á – Thái Bình Dương. Còn phía Matxcơva, đây lại là một sự xích lại gần Trung Quốc nhằm loại trừ đến mức tối đa rủi ro bị cô lập ngoại giao sau vụ sáp nhập Crimée của Ukraina vào lãnh thổ Nga, đồng thời hòng thoát khỏi các lệnh trừng phạt cũng như xu hướng độc lập khí đốt ngày càng tăng của Tây Âu.

Là một nhà vô địch về cờ vua, Nga đã tính toán rất kỹ nước cờ của mình. Tiến một con chốt phía Tây khi chơi trò vừa đánh vừa xoa với Ukraina. Sáp nhập Crimée, sau đó Putin lại giang tay với tân tổng thống Ukraina Petro Porochenko. Như vậy, Putin có thể tiến hành nước cờ đông Ukraina bằng cách « hâm nóng » xung đột vào lúc Matxcơva cho là cần thiết.

Song song đó, Nga tiến thêm một con chốt khác ở phía Đông, khi thực hiện chuyến công du chính thức tại Trung Quốc hồi cuối tháng Năm vừa qua và một cuộc gặp gỡ phô trương ầm ĩ trên báo chí với chủ tịch Tập Cận Bình.

Nga – Trung : Xích lại gần nhưng vẫn nghi kỵ

Nhưng ván cờ của Nga không phải là không có rủi ro. Nhằm đa dạng hóa nguồn khách hàng, Matxcơva cuối cùng đã ký kết một thỏa thuận cung ứng khí đốt cho Bắc Kinh trong vòng 30 năm, với tổng trị giá 300 tỉ euro. Về mặt giấy tờ, đây quả là một hợp đồng « khổng lồ ». Thế nhưng giới quan sát cho rằng, chưa chắc Nga đã thắng trên ván cờ này.

Theo tính toán của chuyên gia François Heisbourg, cố vấn đặc biệt cho Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (Fondation pour la recherche stratégique – FRS), bình quân mỗi năm Nga cung cấp 10 tỉ euro khí đốt cho Trung Quốc, chỉ chiếm có 1/8 tổng trao đổi mậu dịch giữa hai cường quốc. Ông nhận định « Về mặt cơ bản, điều đó chẳng thể làm thay đổi diện mạo thế giới ». Nếu so với lượng cung ứng cho Châu Âu, sản lượng trên chỉ bằng có ¼.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc đi lên thành cường quốc lại làm cho Nga cảm thấy bất an và nghi kỵ. Cựu phát ngôn viên của cựu tổng thống Gorbachov khẳng định: « Putin sẽ không tìm thấy niềm hạnh phúc tại Trung Quốc. Ông ta có nguy cơ biến thành một chú chó cưng của Bắc Kinh ». Điều đã từng xảy ra cho Tony Blair, cựu thủ tướng Anh quốc, vốn từng được mệnh danh là « Poodle » (chó cưng) của George W. Bush, chỉ vì đã theo chân Mỹ trong cuộc chiến Iraq.

Tác giả còn đi xa hơn cho rằng cũng giống như Anh quốc trước siêu cường Mỹ trong những năm đầu thế kỷ XXI, nước Nga chẳng có chút trọng lượng nào đối với Trung Quốc, thậm chí là với Liên Hiệp Châu Âu chứ đừng nói đến gì với Hoa Kỳ. Bởi vì hiện nay cán cân kinh tế Trung Quốc nặng hơn hẳn của Nga đến gấp bốn lần (cách đây 23 năm, cả hai đều ngang ngửa nhau). Cũng giống như Việt Nam hiện nay, Matxcơva xuất nguyên vật liệu cho Trung Quốc và đổi lại nhập hàng tiêu thụ từ quốc gia này.

Một chuyên gia khác còn lưu ý là, sự chuyển trục về Châu Á của Nga không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà còn thông qua một số quốc gia thù nghịch của mình như Nhật Bản, Bắc Triều Tiên hay quốc gia bạn bè cũ như Việt Nam chẳng hạn. Cũng đừng quên một quốc gia Nam Á quan trọng khác là Ấn Độ.

Để lấp khoảng trống, tổng thống Nga Putin còn thiết kế một dự án liên minh Á-Âu với các quốc gia vùng Trung Á như Kazakhstan và Belarus. Tuy nhiên, Matxcơva không ngờ rằng sự sụp đổ của cựu tổng thống Ukraina bị lật đổ Viktor Ianoukovitch và phong trào nổi dậy tại quảng trường độc lập Maidan đã làm vỡ kế hoạch liên hiệp này.

Nga vô địch cờ vua thì Trung Quốc vô địch cờ vây

Còn về phía Bắc Kinh thì sao ? Les Echos cho rằng Trung Quốc chưa hẳn sẵn sàng sát cánh cùng Nga. Điều này đã được chứng minh qua hồ sơ Crimée. Bắc Kinh không những đưa quyền phủ quyết mà còn vắng mặt trong buổi bỏ phiếu Nghị quyết khi viện dẫn lý do tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ.

Từ đó có thể thấy là sự xích lại gần của hai cường quốc này chỉ có thể là kết quả của mối liên kết theo tình huống, trước một đối thủ chung là Hoa Kỳ. Mối liên kết đó được hình thành trên một nền tảng chung là phủ nhận một Nhà nước pháp quyền như Mỹ và Châu Âu. Nhưng cũng không vì vậy mà sự đối đầu và nghị kỵ lẫn nhau giữa hai quốc gia này đã biến mất.

Tác giả nhận định, ít có khả năng Putin giao hẳn cả thể xác và linh hồn vào tay Tập Cận Bình. Nếu không muốn nói là trở thành chư hầu của Trung Quốc. Cuối cùng tác giả nhắc khéo đừng quên Trung Quốc còn là nhà vô địch cờ vây.

Iraq : Thời sự quốc tế nóng trên các trang báo Pháp

Tin tức phe nổi dậy « Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Trung Đông » chiếm lĩnh được một vùng rộng lớn phía bắc Iraq đều được các báo Pháp đưa lên trang nhất. Le Figaro và Le Monde lần lượt chạy tít lớn trên trang nhất « Iraq : Phe thánh chiến Hồi giáo Djihad mở rộng chân rết ở phía bắc »« Hồi giáo cực đoan Djihad chiếm lĩnh phía bắc Iraq ».

Như vậy là « Quân thánh chiến Hồi giáo Djihad đã chiếm được thành phố thứ hai của Iraq », theo như tựa đề của một bài viết trên báo Le Monde. Đội quân của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Trung Đông (EIIL), đã kiểm soát được nhiều khu đô thị và khu khai thác dầu. Vụ tấn công đã làm cho 500.000 người phải chạy nạn và 80 người Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có một lãnh sự bị bắt làm con tin. Đối với Les Echos, giờ đây « Iraq bị nhấn chìm bởi vụ tấn công chớp nhoáng của phe thánh chiến Djihad ».

Libération nghi ngờ là Bagdad có thể thất thủ khi đưa hàng tít nhỏ trên trang nhất « Phe Djihad tiến về Bagdad ». Bài viết trên trang 8 trích dẫn những nghi vấn đăng trên tờ nhật báo Iraq Al-Mada về vai trò của quân đội Iraq. Tại sao con lộ lại quá thông thoáng đến mức như thế ? Tại sao quân thánh chiến có thể chiếm đóng các làng xã, rồi trung tâm thành phố không hề gặp chút kháng cự nào từ phía quân chính phủ ? Tại sao không quân không được điều động để đẩy lui, làm tê liệt thậm chí là hủy diệt đạo quân đó ?

Số binh lính trong quân đội Iraq cũng đông đáng kể 350.000 quân (so với con số 8000 quân của phe nổi dậy), cộng thêm với 600 ngành cảnh sát, chưa tính đội dân quân tự vệ của cộng đồng người Hồi giáo hệ phái Sunni và cả những người theo hệ phái Si-ai ủng hộ chính phủ. Quân đội Iraq còn được trang bị vũ khí tối tân do Mỹ cung cấp. Với ngần ấy nhân vật lực mà không ai cản được đường tiến của đạo quân thánh chiến này.

Về điểm này, Les Echos có bài giải thích cho là sở dĩ EIIL có thể thực hiện được cú đánh chớp nhoáng đó là nhờ vào đạo quân đông đúc được tuyển từ nhiều nước, nhất là từ phương Tây, đạo quân cảm tử, bị hút hồn bởi uy tín và tính tàn bạo của tổ chức này. Đồng thời cũng phải kể đến sự ủng hộ của cộng đồng người Hồi giáo hệ Sunni, luôn bị chế độ theo phe Hồi giáo Si-ai của ông Nouri Al Maliki trấn áp. Một quan điểm cũng được nhật báo Công giáo La Croix và tờ Le Monde tán đồng.

Vụ việc cho thấy quân EIIL đã có những tiến bộ nhanh chưa từng thấy. Le Figaro đánh giá đây là một « sự đi lên đầy nguy hiểm của phe Djihad ». Bởi vì, việc chiếm được Mossoul sẽ giúp cho EIIL làm bàn đạp để tiến về Samara khu vực phía nam, nơi tập trung đông người đạo Hồi theo hệ Si-ai. Tại đây còn có nhiều khu lăng tẩm thiêng của hệ phái này. Dĩ nhiên người dân tại vùng Samara sẽ huy động toàn lực để bảo vệ các khu di tích của mình, chỉ có điều nạn nhân đầu tiên của các vụ bạo động lại là những thường dân vô tội.

« Djihadistan », một quốc gia Hồi giáo cực đoan tại Cận Đông?

Bài xã luận trên Le Monde nhìn xa hơn cho rằng vụ EIIL chiếm lĩnh được một vùng rộng lớn phía Bắc có thể sẽ làm nảy sinh thêm một « Nhà nước Hồi giáo Ả Rập mới, tạm được đặt tên là Djihadistan », bao trùm cả một vùng rộng lớn bao gồm phía bắc Iraq và đông bắc Syria. Đây quả là một sự kiện có tầm vóc quan trọng đáng kể không chỉ cho cả khu vực lẫn Châu Âu.

Sự suy yếu của hai quốc gia Cận Đông mạnh là Syria và Iraq là cơ hội tốt cho EIIL không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng. Xét về mặt tài lực, rõ ràng EIIL đã hơn hẳn cả quân khủng bố Al Qaida. Cũng giống như nhận định của Libération, dựa trên nền tảng thuần đạo Hồi cực đoan thuộc hệ Sunni và các thủ đoạn hành động bạo tàn, giờ đây đạo quân nổi dậy Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Trung Đông có thể làm thay đổi một cách lâu dài bản đồ khu vực.

Bởi vì tại Iraq, đạo quân thánh chiến này hầu như đã chiếm lĩnh gần hết các vùng đông người Hồi giáo theo hệ phái Sunni. Tại Syria, EIIL chinh phục một phần phía đông đất nước đồng thời vẫn đảm bảo tính liên tục lãnh thổ với lãnh địa của mình tại Iraq. Có thể nói là một tiểu quốc gia đang cắm rễ bằng cách dỡ bỏ thuế, bắt cóc đòi chuộc, cướp bóc và buôn lậu dầu hỏa.

Trong khi đó thì chính quyền Bagdad, do phần đông hệ phái Si-ai điều hành, lại bất lực trong việc ngăn chặn EIIL. Chính sự điều hành quá thiên vị nên chính phủ ông Nouri Al-Maliki đã phải trả giá bằng lòng thù hận của thiểu số cộng đồng Sunni tại Iraq.

Kết quả là gì ? Một sự hỗn loạn chiến lược chưa từng thấy. Các bộ tộc Sunni ủng hộ EIIL, giống như nhận định của La Croix cho đó là « Sự trả thù của những người theo hệ Sunni tại phía bắc Iraq ».

Vấn đề ở chỗ thái độ lập lờ của Hoa Kỳ. Về phía Syria, Washington chỉ ủng hộ một cách dè chừng quân nổi dậy chống lại chế độ Al-Assad. Nhưng đồng thời Hoa Kỳ lại dựa vào chính quyền ông Al-Maliki tại Iraq chống lại EIIL, dù biết rằng Bagdad lại là đồng minh của Bachar Al Assad tại Syria.

Bài xã luận nhắc lại rằng vào năm 2003, lấy danh nghĩa chống khủng bố, Washington tiến hành cuộc chiến xâm lược tại Iraq. Mười một năm sau, trên đống đổ nát của cuộc xâm lược năm nào, phe Hồi giáo cực đoan Djihad đang chiến thắng tại Iraq. Một thảm họa cuối cùng cho Hoa Kỳ. Nhưng lại là một thảm kịch không hồi kết cho người dân Iraq và Syria. Đồng thời mối họa cho Châu Âu. Như vậy phải chăng là « Mỹ, đang bất lực đứng ngắm nhìn thảm họa » như tựa đề bài viết trên Le Figaro.

Cúp Bóng đá 2014, vũ điệu Samba buồn

Bỏ qua những tin tức nặng nề về chiến sự hay chính trị, thì sự kiện Cúp bóng đá Thế giới hôm nay chính thức khai mạc mới là thông tin được nhiều người trông đợi nhất. La Croix chạy tít lớn « Bóng đá trẩy hội tại Brazil ».

Dù bị một bộ phận dân chúng phản đối mạnh mẽ, Cúp bóng đá Thế giới hôm nay chính thức khai mạc với trận mở màn của đội chủ nhà Brazil với Croatia. Nếu như « Đối với Brazil, đã đến lúc giữ lời hứa », lễ hội túc cầu diễn ra hôm nay tại Sao Paulo được công luận đón nhận trong một niềm háo hức khá chừng mực. Đất nước phải thuyết phục người dân và cộng đồng quốc tế là họ có khả năng tổ chức một sự kiện như thế mà vẫn có thể đối mặt được với nhiều làn sóng xã hội khác nhau.

Le Figaro thấy là « Brazil thể hiện sức mạnh qua bóng đá ». Cúp bóng đá Thế giới là dịp để quốc gia Nam Mỹ này khẳng định sự lớn mạnh trên trường quốc tế.

Tuy nhiên bên cạnh sự háo hức chờ đợi cho một kỳ lễ hội thể thao lớn nhất hành tinh này, các tờ báo còn phản ảnh lại những mặt trái của sự kiện. Tờ Libération trích dẫn những ưu tư của người dân về việc tổ chức đăng cai. Họ cho rằng cái giá phải trả cho kỳ tranh giải lần này là khá đắt bằng chính sinh mạng, tiền của và cả những bất công xã hội. Theo họ, « Cúp bóng đá có lẽ sẽ trở nên đẹp đẽ hơn tại những quốc gia khác ». Tờ báo tự hỏi liệu cơn sốt bóng đá có làm biến mất được cơn sốt xã hội hay không.

La Croix đồng thanh tương ứng cho rằng "Đó là câu chuyện về một quả bóng không bao giờ lăn tròn". Cũng chẳng nên đào bới thêm chi nữa để tìm tòi mặt xấu của quả bóng. Tiền bạc chiếm một vị trí lớn đến mức tham nhũng đã chen chân vào : một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác minh xem có chuyện hối lộ các quan chức trong FIFA trong quyết định chọn Qatar làm quốc gia đăng cai cho năm 2022.

Hay như chuyện các cầu thủ ngôi sao được trả những khoản tiền khổng lồ. Chuyện các cổ động viên trên khán đài đi đến hành động bạo lực hay kỳ thị chủng tộc. Và tại Brazil, đất nước môn bóng đá vua này, những khoản tiền bị nuốt chửng trong việc chuẩn bị cho Cúp bóng đá đang đặt ra nhiều nghi vấn : có lẽ tốt hơn hết là dồn tiền cho giáo dục, y tế và an ninh ?

Dù sao đi nữa cũng không nên để lỡ mất dịp vui hiếm có này. Trong nỗi bất an đó, thì « Đối với người dân Brazil, duy chỉ có chiến thắng của đội nhà sẽ là điều đẹp nhất », như tựa đề bài viết trên Le Figaro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.