Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG

Bắc Kinh ra Sách Trắng đe dọa dân chủ, Hồng Kông sôi sục

Le Monde và Le Figaro, hai tờ báo lớn của nước Pháp số ra hôm nay, 13/06/2014, đặc biệt quan tâm đến các phản ứng giận dữ tại Hồng Kông, sau khi chính quyền Bắc Kinh công bố Sách Trắng, tái khẳng định chính quyền trung ương có toàn quyền quyết định số phận của khu vực, nguyên là thuộc địa của Anh Quốc, vốn được thừa hưởng các quyền tự do rộng rãi, từ hơn một thế kỷ nay. Lo sợ không thể kiểm soát nổi một xã hội Hồng Kông tự do, chính quyền Bắc Kinh muốn phá bỏ các cam kết trước đây.

Dân Hồng Kông biểu tình ngày 01/06/2014, tưởng niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn
Dân Hồng Kông biểu tình ngày 01/06/2014, tưởng niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn REUTERS/Bobby Yip
Quảng cáo

« Hồng Kông giận dữ sau khi Bắc Kinh nhắc nhở trật tự », bài viết do đặc phái viên Le Monde gửi về từ Trung Quốc, giới thiệu sơ lược « Sách Trắng », một tài liệu khoảng 60 trang, mô tả những đường nét của chính sách « một quốc gia, hai chế độ » của chính quyền Bắc Kinh, vừa được công bố ngày 10/06. Về nguyên tắc, sau khi tiếp nhận vùng lãnh thổ Hồng Kông từ tay Anh Quốc vào năm 1997, Trung Quốc cam kết cho phép duy trì tại đây một chính quyền và một hệ thống tư pháp độc lập, trong đó các quyền tự do căn bản (về ngôn luận, báo chí, tôn giáo, hội họp) được bảo đảm như tại phần lớn các quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, chương thứ 5 của tài liệu chính thức này nhấn mạnh rằng « mức độ tự trị cao nhất » của Hồng Kông không tương đương với một chế độ « tự trị hoàn toàn », dân chủ Hồng Kông được mở đến đâu là phụ thuộc vào « mức độ cho phép » của chính quyền trung ương.

Thông điệp giới hạn quyền tự trị của Hồng Kông được Bắc Kinh tung ra đúng vào thời điểm xã hội Hồng Kông đang có cuộc tranh luận hệ trọng về nền tảng pháp lý tương lai của vùng lãnh thổ này, sau khi chế độ bầu trực tiếp lãnh đạo đặc khu được thực thi vào năm 2017. Ngay lập tức, phong trào bất tuân dân sự với tên gọi « Occupy Central » đã dấy lên, đe dọa làm tắc nghẽn trung tâm thành phố vào tháng 7, nếu thủ tục lựa chọn người đứng đầu đặc khu hành chính không thỏa mãn đầy đủ các tiêu chuẩn dân chủ căn bản.

Suốt ngày thứ Tư, 11/06, những người biểu tình đã bao vây Văn phòng liên lạc chính thức của Bắc Kinh tại đặc khu. Nhiều người bôi đỏ cuốn Sách Trắng, một số người đem sách ra đốt. Hiệp hội sinh viên Hồng Kông thì chế ra một cuộn giấy vệ sinh, với chất liệu là các tờ giấy lấy ra từ « Basic Law », được coi như là bản Hiến pháp của Hồng Kông, để cho thấy số phận hẩm hiu của bản Hiến pháp, một khi Bắc Kinh thực thi chủ trương trong Sách Trắng.

« Yêu nước » mới được ứng cử chức Trưởng đặc khu Hồng Kông

Động tác răn đe của Bắc Kinh nhằm đúng vào thời điểm, chỉ ít ngày sau khi gần 200.000 người Hồng Kông tuần hành tưởng niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989 và một tuần trước cuộc trưng cầu dân ý giả định do phong trào « Occupy Central » tổ chức, dự định từ 20 đến 22/06. Trong cuộc thăm dò dư luận này, các cử tri bỏ phiếu chọn phương thức bầu cử người lãnh đạo Hồng Kông. Trong cuốn Sách Trắng này, Bắc Kinh nhắc lại rằng người Hồng Kông có quyền bầu trực tiếp lãnh đạo, nhưng tất cả các ứng cử viên vào chức vụ này phải là người « yêu nước ». Theo ngôn từ của chế độ hiện hành tại Trung Quốc, « yêu nước » có nghĩa là không « chỉ trích » chế độ cộng sản.

Vẫn theo Le Monde, việc Sách Trắng của Bắc Kinh khẳng định các ứng cử viên phải là người « yêu nước » là nhằm ngăn chặn những chính trị gia thuộc phe « dân chủ » đang bị kiềm tỏa bởi hệ thống luật bầu cử hiện hành. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn người Hồng Kông chỉ được quyền lựa chọn nhà lãnh đạo tương lai trong số những ứng cử viên mà Bắc Kinh chấp thuận. 

Bài « Bắc Kinh nhắc nhở Hồng Kông về những giới hạn của dân chủ », của Le Figaro, cho biết mới đây, trong một cuộc họp kín, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang (Zhang Dejiang) cảnh cáo là việc áp dụng thể thức dân chủ kiểu phương Tây cho cuộc bầu cử 2017 tại Hồng Kông sẽ để lại « những hệ quả kinh hoàng ».

Nhà chính trị học Lâm Hòa Lập (Willy Lam), đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, nhận xét cuốn Sách Trắng cho thấy chính quyền Tập Cận Bình, bất chấp các thỏa thuận song phương Anh-Trung năm 1984 về Hồng Kông, cũng như bộ luật Basic Law dành cho đặc khu, sẵn sàng muốn làm gì thì làm với Hồng Kông, nơi duy nhất ở Trung Quốc mà luật pháp quốc tế còn được tôn trọng. Cuốn Sách Trắng này rất nguy hiểm cho tương lai của « trung tâm tài chính hàng đầu thế giới », mảnh đất của Nhà nước pháp quyền và quyền tự do ngôn luận.

Hỗn loạn tại Irak : Phương Tây không có đồng minh thực sự

Cuộc tấn công bất ngờ của phe nổi dậy Hồi giáo Sunni tại Irak, khởi sự cách đây ít hôm, chiếm chủ đề chính trên trang nhất của hầu hết các báo Pháp số ra hôm nay. Quân Hồi giáo « tấn công trên toàn quốc » là hàng tựa của tờ báo phổ thông Le Parisien. Le Figaro chạy tựa chính « Irak : Lực lượng thánh chiến ở cửa ngõ thành Bagdad ». Báo l’Humanité phẫn nộ : « Hỗn loạn Hồi giáo : Di sản kinh hoàng của cuộc chiến do Bush gây ra tại Irak ». Tại Irak « chiến tranh không có hồi kết » là tiếng than của báo Libération.

Bài xã luận, mang tựa đề « một thảm họa Mỹ » của Le Figaro, không chỉ dành những lời lẽ cay đắng để nói về cựu Tổng thống George W. Bush, mà còn nhắm vào đương kim Tổng thống Obama. « Thay vì nền dân chủ, ‘‘giá trị tốt đẹp phổ quát’’ mà Tổng thống Mỹ cho rằng có sứ mạng phổ biến tại vùng Trung Đông, chúng ta thấy gì ? Tấn công một quốc gia bị nạn bè phái và tham nhũng hủy hoại, những kẻ đồ tể của Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông, những quái thai của Al-Qaida và thảm kịch Syria-Irak, đang ở cửa ngõ của thành Bagdad ». Le Figaro ghi nhận hệ quả nhìn chung là tồi tệ của chính sách của các đời Tổng thống Mỹ đối với vùng Trung Đông. Việc lật đổ Saddam Hussein có thể gây cảm hứng cho các xã hội Ả Rập nổi dậy làm nên « những mùa xuân » dân chủ, nhưng ngoại trừ trường hợp của Tunisia, Irak và Libya chỉ thay kẻ bạo chúa bằng một hình thức đàn áp mới, Syria thì rơi vào nội chiến, còn Ai Cập, sau kinh nghiệm thất bại của phong trào Huynh đệ Hồi giáo, thì trở lại dưới sự thống trị của quân đội. Theo Le Figaro, thất bại của Hoa Kỳ bắt nguồn từ sự « thiếu sáng suốt » và « thiếu kiên quyết ». Tuy nhiên, nhìn chung trong các đụng độ giữa hai hệ phái Hồi giáo chính, Sunni và Shia, giữa quân nổi dậy và chính quyền trung ương tại khu vực này, phương Tây không có đồng minh thực sự, mà chỉ có các đồng minh tình thế. Phương Tây không có con đường nào khác là phải tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực chống lại chủ nghĩa khủng bố, đây là điều mà ít nhất - theo Le Figaro - nguyên Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush cũng có lý.

Về tình trạng hỗn loạn hiện nay tại Irak, báo Công giáo La Croix đưa ra một chỉ trích dè dặt : « Sau cuộc chiến tranh tại Irak, khởi động do những kết luận dựa trên những lời dối trá, Hoa Kỳ chắc chắn đã hạ bệ được Saddam Hussein, nhưng chính quyền kế tục đã không tìm kiếm sự hòa giải ». La Croix đặt lại một câu hỏi thường xuyên ám ảnh cộng đồng quốc tế : Tại các vùng đất như Mali, Trung Phi, hay Afghanistan trước đây, nên hay không nên can thiệp, để mặc cho những kẻ độc tài áp đặt nền cai trị đẫm máu hay giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong cuộc nổi dậy của họ, với nguy cơ là đưa thêm cái ác vào để chống lại cái ác ?...

Tờ báo Cộng sản l’Humanité thì có thái độ dứt khoát, bất bình trước việc người dân Irak lại phải chịu « một cuộc chiến tranh nhập khẩu mới ». Bởi vì lực lượng khủng bố tấn công Irak rõ ràng đã được « điều khiển từ xa » bởi Ả Rập Xê Út và các quốc gia quân chủ dầu lửa vùng Vịnh. Tuy nhiên, l’Humanité cũng nhấn mạnh đến sự mâu thuẫn khiến phương Tây khó xử, trong cuộc khủng hoảng Syria hiện nay, phương Tây đang đứng « cùng một phía » với những kẻ đang vượt sông Eupharate, tấn công Bagdad.

Vô địch bóng đá tại một nước Brazil « vỡ mộng »

Cúp vô địch bóng đá thế giới tại Brazil vừa khai mạc hôm qua lôi cuốn cả tỷ người hâm mộ. Le Monde đưa ra một cái nhìn khác. « Giải vô địch bóng đá tại một nước Brazil hết ảo tưởng » là tựa đề bài xã luận của tờ báo. Le Monde ghi nhận, quốc gia bóng đá huyền thoại, với 5 lần vô địch thế giới, khi giải được tổ chức ở nước ngoài, nhưng lần này, khi chính Brazil tổ chức cúp, thì « dân chúng Brazil lại nhìn sang nơi khác ».

Những nỗi bất bình vô cùng sâu xa của xã hội Brazil đã nổi lên bề mặt, đúng vào giờ khai mạc ngày hội thể thao toàn cầu này. Ngày hôm qua nổi bật với rất nhiều biểu tình và bãi công, bạo lực cũng như sự chậm trễ trong việc hoàn tất các cơ sở hạ tầng. Xã hội Brazil hiện ra rõ ràng trong hình ảnh của một đất nước bị ngược đãi, mang tâm trạng đầy phiền muộn, và đang mong muốn một tương lai khác tốt hơn.

Le Monde so sánh Brazil 2014 với quốc gia này 7 năm về trước, khi Brazil được chọn để đăng cai Cúp bóng đá. Vào thời điểm đó, Brazil là một đất nước thành công, với hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói, tỷ lệ thất học giảm xuống dưới 9% ở những người trên 15 tuổi… Còn hiện nay, đất nước dường như kiệt sức, tăng trưởng chỉ còn 2,3% năm 2013, và giảm xuống chỉ còn 0,2% quý 1 năm nay. Về mặt chính trị, trận chiến đã thể hiện rõ thất bại : Chưa bao giờ trong lịch sử đất nước lại có một làn sóng bất bình chống lại một giải vô địch bóng đá như vậy. World Cup đã trở thành biểu tượng của gian trá Nhà nước. « Giải vô địch này là của ai ? » : Đó là một trong những câu hỏi được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, trên các bức tường của tất cả 12 thành phố, nơi diễn ra các trận đấu.

« Những người Đức mới » : Tuyên ngôn của thanh niên Đức gốc ngoại

Trở lại với Châu Âu, vấn đề chỗ đứng của người nhập cư trong xã hội Đức là chủ đề được trang quốc tế Le Monde chú ý qua bài phóng sự « Những người Đức mới không ngừng bị gắn với quá khứ nhập cư của họ ».

Bài viết mở đầu với chân dung của một người Đức gốc Việt, Khuê Phạm, nữ phóng viên chính trị của tuần báo Die Zeit, tốt nghiệp trường London School of Economics. Khuê Phạm là con của một cặp vợ chồng người Việt, sinh năm 1982 tại Đức, là một trong những người thuộc giới tinh hoa Đức, rất tin tưởng vào tương lai. Học tập và trưởng thành trong môi trường giáo dục Đức, tuy nhiên từ 25 năm nay, những người Đức sống xung quanh thường xuyên hỏi Khuê Phạm, « từ đâu đến ? ».

Tại một quốc gia, có đến 1/5 dân số là người nhập cư, mầu da và diện mạo của nữ phóng viên gốc Việt, vốn hoàn toàn hội nhập về văn hóa với xã hội Đức, vẫn là một yếu tố khiến cô bị phân biệt với những người « bản địa ».

Ghi nhận cảm giác bị phân biệt, đồng thời cũng để khẳng định căn cước công dân của mình, Khuê Phạm cùng chấp bút với hai đồng nghiệp Đức - cùng làm cho tờ Die Zeit, một gốc Thổ Nhĩ Kỳ, một gốc Ba Lan - một cuốn sách mang tựa đề « Chúng tôi, những người Đức mới ». Cuốn sách, mang tính chất như một tuyên ngôn này, chắc chắn sẽ gây tranh luận. Sách nhấn mạnh một điều là « những người Đức mới » ngẩng cao đầu vì ý thức được tính chất « multi-kulti » (đa văn hóa) của nước Đức tương lai, nhiều hơn so với hiện nay. Trên thực tế, trong hiện tại, những người nhập cư đã đóng góp rất nhiều cho Đức quốc gia sở tại, đứng hàng thứ hai thế giới về số lượng người nhập cư, sau Hoa Kỳ, theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế. Quốc hội Đức vừa thông qua đạo luật chấp nhận cho con cái những người nhập cư, sinh ra tại Đức và có một phần lớn thời gian học tập tại nước này, được phép mang hai quốc tịch.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.