Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - HIẾN PHÁP

Aung San Suu Kyi thúc đẩy tu chính Hiến pháp Miến Điện

Lãnh đạo đối lập Miến Điện kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ chiến dịch gây sức ép tháo gỡ một trong những chốt chận pháp lý cuối cùng trong tiến trình dân chủ. Bản Hiến pháp hiện hành vừa cấm bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử Tổng thống, vừa bảo đảm cho quân đội thế áp đảo trên chính trường.

Lãnh đạo phong trào dân chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi (T) diện kiến Tổng thống Nepal Ram Baran Yadav tại dinh tổng thống "Shital Niwas" ở Kathmandu ngày 14/06/2014.
Lãnh đạo phong trào dân chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi (T) diện kiến Tổng thống Nepal Ram Baran Yadav tại dinh tổng thống "Shital Niwas" ở Kathmandu ngày 14/06/2014. REUTERS/Navesh Chitrakar
Quảng cáo

Trong hai ngày cuối tuần 14 và 15/06, lãnh đạo đối lập Miến Điện sang thăm xứ Phật Nepal. Hôm qua, trong bài diễn văn đọc tại Quốc hội, bà Aung San Suu Kyi tuyên bố muốn tham gia vào một cuộc bầu cử « thật sự dân chủ » và phải hội đủ hai yếu tố « tự do và công bằng ».

Nobel Hòa bình 1991 kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ « chiến dịch tu chính bản hiến pháp bất bình đẳng » và bà cho rằng phong trào này đang lớn mạnh. Bà kêu gọi Nepal và « tất cả bạn hữu trên thế giới » tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình Miến Điện và « ý thức rằng có những kẻ vẫn muốn tìm cách làm công luận quên đi nhu cầu chính trị thực sự ».

Từ một tháng nay, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ đã mở chiến dịch lấy chữ ký dân chúng đòi thay đổi các điều khoản bất công. Theo giới phân tích thì cuộc bầu cử Quốc hội 2015 và sau đó các dân biểu sẽ bầu Tổng thống sẽ cho thấy rõ quân đội có thực tâm từ bỏ đặc quyền chính trị hay không.

Vấn đề là Hiến pháp 2008 do chính quyền quân sự soạn thảo trước khi lui vào hậu trường đã gài lại hai chốt chận nhằm duy trì thế thượng phong của phe nhà binh. Một là quy định 25% ghế dân biểu dành riêng cho sĩ quan quân đội. Hai là cấm những công dân có chồng hoặc con mang quốc tịch nước ngoài tranh ghế Tổng thống. Đây là hai chướng ngại hầu ngăn chận bà Aung San Suu Kyi lên làm nguyên thủ quốc gia vì nhà lãnh đạo đối lập được dân chúng ngưỡng mộ nhất nước có chồng ( giáo sư Micheal Aris đã quá cố) và hai con trai mang quốc tịch Anh.

Do vậy, cho dù qua bầu cử 2015, phe đối lập có vượt qua cản lực thứ nhất để chiếm đa số tại Quốc hội thì cũng không thể bỏ phiếu cho bà Aung San Suu Kyi lên làm Tổng thống.

Bà Aung San Suu Kyi đến Nepal để thăm lại một nước láng giềng mà lúc thơ ấu đã có dịp tới khi thân mẫu làm đại sứ và sau này khi trưởng thành bà dạy tiếng Anh ở một trường Phật giáo.

Hôm nay 16/06 bà đến thăm vườn Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật đản sinh và sau đó sẽ nhận giải thưởng Hòa Bình, giải thưởng cao quý nhất của Nepal.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.