Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc hành quyết 13 người vì « khủng bố và bạo lực » ở Tân Cương

Tân Hoa Xã hôm 16/06/2014 loan báo, 13 người đã bị hành quyết sau khi lãnh án tử hình vì tội « khủng bố và các hành động bạo lực khác » tại Tân Cương.

Phiên tòa xử bị cáo vụ tấn công khủng bố tại Thiên An Môn hồi tháng 10/2013. Ảnh chụp lại từ màn hình TV ngày 16/06/2014.
Phiên tòa xử bị cáo vụ tấn công khủng bố tại Thiên An Môn hồi tháng 10/2013. Ảnh chụp lại từ màn hình TV ngày 16/06/2014. Reuters
Quảng cáo

Theo hãng tin nhà nước Trung Quốc, những người trên đây hoàn toàn có liên can trong bảy vụ khác nhau. Bản tin được viết từ Urumqi, thủ phủ Tân Cương, vùng đất đa số dân cư là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, đã xảy ra nhiều vụ bạo động. Hiện chưa có thêm chi tiết nào được loan tải.

Tân Hoa Xã viết : « Trong một trường hợp, ba trong số các bị cáo bị kết án vì đã tổ chức và lãnh đạo các vụ tấn công khủng bố vào một đồn công an, một khách sạn, một tòa nhà có các cơ quan nhà nước và các địa điểm khác làm 24 công an và thường dân chết và 23 người bị thương, tại Lukqun thuộc huyện Thiện Thiện (Shangshan), Thổ Lỗ Phiên (Turpan), hôm 26/06/2013 ».

Vài tiếng đồng hồ trước đó, kênh truyền hình nhà nước CCTV loan báo, ba « tên khủng bố », đồng bọn của những người chủ mưu vụ tấn công tự sát năm 2013 trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, đã bị kết án tử hình. Bốn bị cáo khác bị lãnh án từ 5 đến 20 năm tù, người thứ năm bị kết án chung thân.

Hôm 28/10/2013, một chiếc xe jeep chứa đầy các can xăng đã lao vào Tử Cấm Thành, dưới tấm chân dung Mao Trạch Đông, làm ba người đi trên xe thiệt mạng. Trong số đám đông du khách tại quảng trường Thiên An Môn hôm ấy, có hai người chết và 40 người khác bị thương. Theo công an, tác giả vụ tấn công tự sát này là ba người Duy Ngô Nhĩ đến từ Tân Cương, gồm một người đàn ông cùng với vợ và mẹ vợ.

Từ sau vụ tấn công trên, các vụ khác đã xảy ra ở các địa điểm công cộng tại Trung Quốc, cũng được chính quyền cho là do những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương thực hiện. Đặc biệt là một vụ tấn công bằng dao tại nhà ga Côn Minh làm 29 người chết và 140 người bị thương, và một vụ khác vào tháng trước tại một khu chợ ở Urumqi làm 43 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương.

Người Duy Ngô Nhĩ, trong số đó có một ít người cực đoan, cho rằng họ đã bị gạt ra ngoài quá trình tăng trưởng kinh tế nhờ đầu tư của Bắc Kinh, và bị cản trở trong các hoạt động tín ngưỡng cũng như văn hóa.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.