Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Đụng độ tôn giáo: Thiết quân luật tại Mandalay

Bắt đầu từ tối hôm qua, 03/07/2014, chính quyền Miến Điện áp đặt lệnh thiết quân luật tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai đất nước, sau hai đêm bạo động do xung đột giữa những người theo đạo Phật và những người theo đạo Hồi, khiến hai người chết.

Cảnh sát canh gác tại một khu dân cư Hồi giáo ở Mandalay ngày 03/07/2014.
Cảnh sát canh gác tại một khu dân cư Hồi giáo ở Mandalay ngày 03/07/2014. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn AFP, người phụ trách cảnh sát Zaw Min Oo cho biết các biện pháp an ninh đặc biệt được thực hiện từ 21 giờ đến 5 giờ hàng ngày, chính quyền không muốn để « tình hình trở nên trầm trọng hơn ». Sau đêm thiết quân luật đầu tiên, tình hình dịu xuống, ngược lại với hai đêm trước, khi hai bên xung đột sử dụng nhiều vũ khí thô sơ, như kiếm, gạch đá, gậy gộc hay súng hơi gây náo loạn trung tâm thành phố.

Bạo động bùng lên vào tối thứ ba, khi đám đông hàng trăm người tấn công một cửa hàng của người theo đạo Hồi, bị cáo buộc tội cưỡng dâm. Những người theo đạo Hồi đã trả đũa khiến một phật tử 36 tuổi thiệt mạng.

Một giới chức văn phòng Tổng thống Miến Điện cho AFP biết « bạo lực bùng phát do các phát ngôn gây hận thù và các thông tin sai lạc lan truyền trên mạng », đồng thời thừa nhận trong hiện tại chính phủ Miến Điện chưa có biện pháp nào nhắm vào các lời lẽ kích động này.

Ông Kari Hasan, người phụ trách một thánh đường Hồi giáo lân cận, than phiền về việc cộng đồng Hồi giáo bị trở thành mục tiêu tấn công, và chỉ trích chính quyền đã không có các biện pháp để bảo vệ. Ông nói : « Mỗi khi có bất cứ việc gì đột nhiên xảy ra, người ta lại quy lỗi cho Hồi giáo ».

Kể từ năm 2012, nhiều bạo lực bùng phát chống lại những người theo Hồi giáo, chiếm khoảng 4% dân số nước này, cho thấy sự thù ghét âm thầm với người Hồi giáo trong cộng đồng Miến Điện, đa số theo đạo Phật. Các bạo động khiến hơn 250 người chết và 140.000 người phải lánh nạn, chủ yếu là người theo đạo Hồi. Nhiều nhà sư cực đoan cũng tham gia kích động bạo lực.

Trả lời đài Á Châu Tự do RFA, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi nhấn mạnh « chính quyền cần phải quan tâm đúng đến những người phổ biến các tin đồn ». Bà cảnh báo « Nếu không có một nhà nước pháp quyền, sẽ còn nhiều bạo động ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.