Vào nội dung chính
INDONESIA

Bầu cử Tổng thống Indonesia : Chọn lựa giữa cấp tiến và bảo thủ

Ngày mai 09/07 tại Indonesia, 190 triệu cử tri đi bầu lãnh đạo mới kế nhiệm Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono kết thúc hai nhiệm kỳ 5 năm liên tục. Hai ứng cử viên có chương trình hành động tương tự nhau nhưng là hai con người hoàn toàn khác biệt nhau : một doanh nhân thành đạt xuất phát từ tầng lớp bình dân đối mặt với một cựu tướng lãnh mang nhiều tai tiếng.

Đô trưởng Joko Widodo vận động tranh cử : kết quả dự trù rất sát sao giữa ông và con rể của nhà độc tài Suharto.- REUTERS
Đô trưởng Joko Widodo vận động tranh cử : kết quả dự trù rất sát sao giữa ông và con rể của nhà độc tài Suharto.- REUTERS
Quảng cáo

Indonesia bầu một vị lãnh đạo mới để điều hành quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á và cũng là nền dân chủ thứ ba trên thế giới sau Ấn Độ và Hoa Kỳ. Đây là cuộc bầu cử được xem là « then chốt » từ khi nhà độc tài Suharto bị đường phố lật đổ vào năm 1998. Theo dự báo, số phiếu sẽ rất sát sao, giữa đương kim đô trưởng Jakarta Joko Widodo, đại diện của dân nghèo, và cựu tư lệnh lực lượng đặc biệt Prabovo Subianto, con rể của nhà độc tài quá cố.

Theo phân tích của AFP từ thủ đô Jakarta, cuộc bầu cử lần này quan trọng ở chổ là sẽ cho thế giới biết hướng đi của quốc gia hùng mạnh nhất Đông Nam Á : tiến về tương lai, củng cố dân chủ hay quay trở lại trang sử quân nhân mặc áo dân sự cầm quyền.

Ứng cử viên có uy tín nhất, chứng tỏ tài năng kinh bang tế thế trong đời sống cá nhân và hoạt động cộng đồng là đương kim đô trưởng Jakarta, ông Joko Widodo, 53 tuổi. Xuất thân từ gia đình nghèo, nhà tranh vách lá, cha làm thợ mộc ở ngoại ô Solo, một thành phố 500 ngàn dân ở đảo Java. Với đầu óc bén nhạy, Joko Widodo, mà người thân gọi là Jokowi, thành lập công ty bàn ghế và xuất nhập khẩu.

Chỉ trong một thời gian ngắn, thành công trên thương trường cho phép doanh nhân trẻ tuổi này tạo được tiếng tăm và đến 2005 đắc cử thị trưởng Solo. Jokowi có phương cách quản lý rất tân tiến. Thị trưởng Solo thường xuyên thăm viếng các khu nhà nghèo và trực tiếp theo dõi các đề án cải thiện mức sống của người dân từ lúc khởi công cho đến khi hoàn tất. Năm năm sau, ông tái đắc cử với tỷ lệ phiếu áp đảo không khác gì trong chế độ cộng sản độc tài : 91%.

Thành công ở Solo tạo bàn đạp cho Jokowi tranh cử và đắc cử đô trưởng Jakarta với số dân đông gắp 20 lần hơn vào năm 2012. Với dóc dáng cao, gầy, da ngâm ngâm đen, nhiều người nhận xét Joko Widodo hao hao Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đô trưởng Jakarta tiếp tục đường lối cải cách như ông đã thực hiện tại Solo nhưng thêm một sáng kiến mới nữa là cấp cho dân nghèo thẻ chăm sóc sức khỏe và đi học miễn phí tại thành phố mà gần 20% dân chúng sống dưới mức nghèo khó 2 đôla mỗi ngày.

Jokowi tạo được niềm hy vọng một thế hệ chính trị gia mới lên cầm quyền thay thế lớp người cũ của chế độ Suharto.Trong nhiều tháng dài, uy tín của Joko Widodo bỏ xa điểm tín nhiệm của cựu tướng Prabovo Subianto. Đại diện của đảng Golkar bị giới nhân quyền tố cáo bắt cóc các thành viên dân chủ trong giai đoạn cuối của chế độ độc tài.

Tuy nhiên, do được giới chủ nhân truyền thông ủng hộ, trong những tuần lễ gần đây, phe Prabovo Subianto đã sử dụng nhiều biện pháp tuyên truyền bôi nhọ mà không cho phép đối thủ trả lời trên các đài truyền hình và báo chí do họ kiểm soát. Nếu Barack Obama từng bị tố là theo đạo Hồi thì Jokowi bị cho là người gốc Hoa theo đạo Thiên chúa. Tin đồn này gây nhiều bất lợi cho ứng cử viên đảng Dân chủ Indonesia tại một nước mà đại đa số dân theo Hồi giáo và ít nhiều có tinh thần bài thiểu số người Hoa và đã từng gây ra biểu tình bạo động.

Với chiến thuật này và với diễn văn nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa, viên tướng lực lượng đặc biệt hồi hưu đã lên điểm tín nhiệm trong giới cử tri bảo thủ, chỉ muốn « ổn định » theo mô hình độc đoán cũ và chưa bao giờ nghe nói đến « ứng cử viên của nhân dân ».

Chuyên gia Tobias Basuki thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Jakarta nhận định : Jokowi là biểu tượng của thế hệ lãnh đạo hoàn toàn mới không thuộc guồng máy cũ. Trong khi đó, tướng hồi hưu Prabovo Subianto đại diện cho « ổn định và an ninh » theo suy nghĩ của một số cử tri và những người hoài niệm chế độ Suharto.

Trong một quốc gia cần vốn nước ngoài để phát triển mà nạn tham nhũng đang làm cho thất thoát ít nhất 1% GDP mỗi năm, cả hai ứng cử viên đều cam kết diệt trừ tham nhũng. Nhưng ứng cử viên Prabovo Subianto có nhược điểm lớn là gây lo ngại cho doanh nhân và giới đầu tư quốc tế vì những tuyên bố mị dân và quá khứ tham ô.

Ngày thứ Tư 09/07/2014, vài phút sau khi các phòng phiếu đóng cửa, các viện thăm dò sẽ công bố kết quả ước lượng đầu tiên và trả lời câu hỏi : Indonesia rụt rè lùi lại phía sau hay thẳng tiến về phía trước theo con đường dấn thân của Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.