Vào nội dung chính
NHẬT-MỸ

Quân đội Nhật có thể trợ giúp tàu chiến Mỹ bị tấn công

Hôm nay 12/07/2014, theo AFP, tại Washington Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố việc tu chính Hiến pháp « chủ hòa » cho phép quân đội Nhật hỗ trợ tàu chiến Hoa Kỳ trong trường hợp bị tấn công.

Khu trục hạm JDS Kirishima của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản khởi hành từ Trân Châu cảng ngày 07/07/2014 chuẩn bị tham gia cuộc tập trận RIMPAC.
Khu trục hạm JDS Kirishima của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản khởi hành từ Trân Châu cảng ngày 07/07/2014 chuẩn bị tham gia cuộc tập trận RIMPAC. REUTERS
Quảng cáo

Trong chuyến công du Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera có bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies). Bộ trưởng Nhật Bản nhận định rằng quyết định xem xét lại Hiến pháp của chính phủ Shinzo Abe, được thông báo ngày 3/7, sẽ mở ra các phương thức mới cho hợp tác quân sự Nhật – Mỹ. Cụ thể là quân đội Nhật có quyền trợ giúp một quốc gia đồng minh bị tấn công, ngay cả khi nước Nhật không trực tiếp bị tấn công. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản giải thích « trong trường hợp các tàu chiến Mỹ được cử đến bảo vệ Nhật và hạm đội Mỹ bị tấn công, cho đến nay Hiến pháp Nhật vẫn cấm chúng tôi trợ giúp ».

Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Nhật Bản ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh « quyết định dũng cảm và mang tính lịch sử này sẽ trở thành một cái mốc quan trọng, bởi vì nó cho phép Nhật Bản gia tăng đáng kể mức độ đóng góp vào an ninh khu vực và thế giới, và mở rộng vai trò của Nhật trên trường quốc tế ».

Lần đầu tiên từ nhiều năm nay, Thủ tướng Nhật quyết định gia tăng ngân sách quốc phòng nhằm cải thiện hệ thống lá chắn tên lửa, thành lập nhiều đơn vị được trang bị các phương tiện tác chiến thủy lục hỗn hợp, và tăng cường sức mạnh hải quân để « bảo vệ các đảo ».

Việc Nhật Bản xúc tiến việc sửa đổi Hiến pháp khiến Bắc Kinh giận dữ và đồng thời bị một bộ phận công luận Nhật - vốn rất gắn bó với quan điểm chủ hòa - phản đối. Các tuyên bố nói trên được đưa ra trong bối cảnh Tokyo và Bắc Kinh có nhiều tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Hoa Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.