Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

Nhật Bản cảnh giác cao độ trước thịt hư nhập từ Trung Quốc

Ngay sau khi bùng lên vụ tai tiếng thịt hư thối đã được bán cho các dây chuyền nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s và KFC ở Trung Quốc, Chính quyền Nhật Bản vào hôm nay, 23/07/2014 đã quyết định tăng cường kiểm tra các lô thịt nhập từ Trung Quốc. Giới truyền thông Nhật cũng nhập cuộc, thông tin rộng rãi về vụ scandale thực phẩm mới này tại nước láng giềng.

Nhà máy tập đoàn Osi cung cấp cho McDonald’s và KFC ở Trung Quốc  bị chính quyền Thượng Hải  đóng cửa ngày 20/07/2014.
Nhà máy tập đoàn Osi cung cấp cho McDonald’s và KFC ở Trung Quốc bị chính quyền Thượng Hải đóng cửa ngày 20/07/2014. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Trong một cuộc họp báo vào sáng nay tại Tokyo, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, Yoshihide Suga, cho biết là sẽ gia tăng công việc kiểm tra và tăng cường các biện pháp y tế để tránh không cho các sản phẩm bị hư hỏng tại Trung Quốc nhập vào lãnh thổ Nhật.

Chính quyền Thượng Hải hôm 20/7 vừa qua đã quyết định đóng cửa một nhà máy của tập đoàn OSI, một nhà cung cấp cho McDonald’s và KFC ở Trung Quốc sau khi phát hiện ra tình trạng thịt hư thối bị trộn lẫn với thịt tươi và dán nhãn mới cho các sản phẩm đã quá hạn.

Ngay từ hôm qua, hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s tại Nhật Bản xác nhận là khoảng 20% ​​thịt gà tẩm bột McNuggets của họ, bán tại 40% các cửa hàng McDonald’s tại Nhật Bản (tức là 1.340 nhà hàng) đến từ nhà máy OSI ở Thượng Hải. Nhóm siêu thị nhỏ FamilyMart tại Nhật cũng bán sản phẩm thịt gà lăn bột chiên cùng một xuất xứ trong khoảng 10.000 điểm bán của họ.

Dĩ nhiên là hai doanh nghiệp Nhật Bản này xác nhận là đã đình chỉ không bán các sản phẩm đó nữa. Ngoài MacDonald’s và FamilyMart, chưa thấy doanh nghiệp Nhật Bản nào khác tuyên bố là có mua hàng của công ty Trung Quốc, nhưng tất cả đều kiểm tra xem có ai vô tình nhập thịt Trung Quốc qua các môi giới hay không.

"Không còn muốn mua sản phẩm Trung Quốc"

Truyền thông Nhật Bản đương nhiên đã đua nhau khai thác đề tài này, giải thích kỹ lưỡng cách thức tập đoàn thực phẩm Trung Quốc chế biến hàng hóa, đặc biệt là các đoạn phim quay trong nhà máy ở Thượng Hải, cho thấy cảnh công nhân nhặt thịt bị rơi xuống đất, thẩy lại trên dây chuyền sản xuất, hay là những miếng thịt bị hư thối đến mức đã chuyển sang màu xanh.

Một phóng viên đài truyền hình Nippon TV, trong một chương trình rất được các bà nội trợ hâm mộ, còn tuyên bố : “Với các báo cáo đáng lo ngại như thế, quả là chúng ta không còn muốn mua sản phẩm Trung Quốc nữa”.

Cho dù quan hệ chính trị giữa Tokyo và Bắc Kinh còn rất căng thẳng, nhưng Trung Quốc vẫn là một nhà cung cấp lớn cho Nhật Bản. Thế nhưng Trung Quốc phải thường xuyên đối phó với các vụ bê bối thực phẩm, khiến cho nhiều người Nhật tẩy chay hàng Trung Quốc. Vụ mà nhiều người còn nhớ xẩy ra năm 2008, từng làm người tiêu thụ hoảng loạn là món hoàn thánh (tên tiếng Nhật là "gyoza") nhập từ Trung Quốc và nhiễm thuốc trừ sâu.

Riêng tại Trung Quốc, Công an Thượng Hải hôm nay cho biết đã bắt giữ 5 cán bộ và nhân viên thuộc chi nhánh OSI Shanghai Husi (Phúc Hỷ), trong đó có lãnh đạo bộ phận kiểm tra chất lượng. Phúc Hỷ là chi nhánh của OSI tại Thượng Hải, quản lý nhà máy chế biến thịt hư bị vạch trần.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.