Vào nội dung chính
CUBA - CẢI TỔ

Cuba phải cải tổ, dù được Nga và Trung Quốc giúp đỡ

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các quốc gia đang trỗi dậy BRICS (bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) được tổ chức tại Brazil, vào giữa tháng Bẩy vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới La Habana và ký với Cuba một loạt các hợp đồng kinh tế.

Chủ tịch Cuba Cuba Raul Castro tiếp đón ông Tập Cận Bình tại La Habna 22/07/2014 -  Reuters
Chủ tịch Cuba Cuba Raul Castro tiếp đón ông Tập Cận Bình tại La Habna 22/07/2014 - Reuters
Quảng cáo

Trong các hợp đồng này, đặc biệt có các dự án đầu tư quan trọng trong lĩnh vực dầu khí, công nghiệp và nông nghiệp. Thế nhưng, theo giới chuyên gia, Cuba phải đẩy mạnh cải tổ kinh tế, nếu muốn tranh thủ được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga, đồng thời giảm bớt được sự phụ thuộc vào Venezuela.

Theo ông Carlos Alzugaray, nguyên là nhà ngoại giao, hiện giảng dạy tại đại học Cuba, được AFP trích dẫn, « Cuba phải cải tổ sâu rộng bởi vì lòng tin của các đồng minh này sẽ tùy thuộc vào sự thành công của Cuba, họ sẽ không ủng hộ tiến trình cập nhật hóa một mô hình kinh tế không vận hành được ». Lý do là sáu năm qua, mặc dù lãnh đạo Raul Castro tiến hành cải cách, nhưng Cuba vẫn tiếp tục thiếu hụt trầm trọng đầu tư, còn tăng trưởng thì đình trệ.

Việc tìm kiếm và khai thác dầu với sự tham gia của Nga và Trung Quốc sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng : Một nửa nhu cầu năng lượng hiện nay của Cuba là do Venezuela cung ứng, với các điều kiện rất ưu đãi, thế nhưng, chính quyền Caracas đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị.

Ông Arturo Lopez-Levy, thuộc đại học Denver, Hoa Kỳ, đánh giá rằng, số lượng hợp đồng vừa ký được, 29 thỏa thuận với Bắc Kinh và 10 với Matxcơva, cũng như các lĩnh vực liên quan, « cho thấy rõ ràng sự ủng hộ của hai cường quốc đối với các cải cách mà ông Raul Castro đang tiến hành ».

Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo, Nga và Trung Quốc sẽ không tiếp tục ủng hộ Cuba nếu như La Habana ngừng cải cách. Sự ủng hộ của Bắc Kinh và Matxcơva « không phải là một giải pháp cho các vấn đề mà Cuba đang trải qua » mà chỉ tạo ra « những điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh các thay đổi khẩn cấp trong lĩnh vực kinh tế và chính trị ».

Về phần mình, chuyên gia phân tích chính trị Esteban Morales nhấn mạnh ; Cuba « phải tỏ rõ khả năng chính trị và kinh tế hấp thụ được sự trợ giúp của Nga và Trung Quốc, bởi vì đó là cách duy nhất để sống sót ».

Chuyên gia về dầu lửa, ông Jorge Pinon, đại học Texas, Hoa Kỳ, cũng có cùng nhận định : Trợ giúp của Nga và Trung Quốc cho Cuba chủ yếu mang tính chính trị. « Cuba có thể cung cấp gì cho Trung Quốc ? Nguyên liệu ư ? Có thể là một chút đường và nikel, nhưng rất ít. Và Cuba không phải là một thị trường đối với hàng tiêu dùng của Trung Quốc ». Thế nhưng, « về địa lý và nhất là chính trị, thì Cuba lại là một cửa đi vào Nam Mỹ ».

Một nhà ngoại giao phương Tây làm việc lâu năm tại La Habana tóm gọn như sau : Để có « quan hệ tốt đẹp với Nam Mỹ, thì trước tiên phải có quan hệ tốt với Cuba ».

Theo nhà cựu ngoại giao Carlos Alzugaray, bị cô lập từ nhiều thập niên qua, Cuba tìm cách « đa dạng hóa » các quan hệ. « Các thỏa thuận ký với Nga và Trung Quốc là những ví dụ rõ ràng, cũng giống như các hợp đồng đã ký với Brazil và việc Cuba xích lại gần Liên Hiệp Châu Âu ».

Sau một thập niên quan hệ lạnh nhạt, vào mùa xuân vừa qua, Cuba và Châu Âu đã bắt đầu tiến trình bình thường hóa bang giao song phương.

Từ hơn nửa thế kỷ qua, Hoa Kỳ vẫn duy trì cấm vận thương mại và tài chính đối với Cuba, do vậy, ông Arturo Lopez-Levy cho rằng, « sau các thỏa thuận với Nga và Trung Quốc, nếu quan hệ giữa Cuba và Châu Âu trở nên ổn định và bình thường, thì áp lực đối với Mỹ sẽ rất mạnh và người ta có thể nghĩ tới việc Washington sẽ xem xét lại chính sách đối với Cuba ».

Vẫn theo chuyên gia này, liên minh giữa Cuba với Nga và Trung Quốc « không phải là một mối đe dọa đối với các lợi ích của Hoa Kỳ », nhưng đối với La Habana, điều này có thể cho phép tránh được các nỗ lực của Washington nhằm cô lập và bóp nghẹt nền kinh tế Cuba.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.