Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ẨM THỰC

Trung Quốc lập viện bảo tàng về vịt quay

Mỗi nước có một vài món ăn đặc sắc, được coi là biểu tượng cho văn hóa ẩm thực. Việt Nam có nem và phở. Trung Quốc có thể nhiều món hơn, nhưng lần đầu tiên, tại Bắc Kinh, có một viện bảo tàng rộng 1000 mét vuông được dành cho món vịt quay.

Vịt quay Bắc Kinh (ảnh wikipedia.org)
Vịt quay Bắc Kinh (ảnh wikipedia.org)
Quảng cáo

Tại tiền sảnh nhà hàng Toàn Tụ Đức (Quanjude), ở Bắc Kinh khá rộng lớn, thực khách có thể nhìn thấy bảng quảng cáo : « Hãy đến tham quan viện bảo tàng đầu tiên về vịt quay ».

Ra đời cách nay 150 năm, Toàn Tụ Đức là một trong những nhà hàng nổi tiếng về vịt quay ở Bắc Kinh, cùng với những nhà hàng khác, như « Vịt quay giá rẻ », « Vua vịt » hay « Bắc Kinh Đại Đồng khảo áp điếm – Dadong Roast Duck ». Tất cả các thương hiệu này có các nhà hàng ở nhiều khu vực trong thủ đô Bắc Kinh và trưa tối, lúc nào cũng đông khách.

Viện bảo tàng đầu tiên về vịt quay nằm ở tầng 7 tòa nhà lớn nhất của cửa hàng Toàn Tụ Đức – nơi mà các đầu bếp chuyên về thịt quay được coi là các nghệ nhân, chụp ảnh chung với các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, ví dụ như với cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon hay cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger. Các thực đơn có từ một trăm năm nay cho thấy sự biến đổi phát triển của món vịt quay, để giờ đây, trở thành một món ăn biểu tượng, với một viện bảo tàng 1000 mét vuông, như một định chế thực thụ của văn hóa ẩm thực Trung Hoa.

Một hướng dẫn viên của viện bảo tàng hào hứng nói phóng viên AFP : « Thông thường, thực khách tới tham quan bảo tàng sau khi ăn tối, chắc chắc là họ rất tò mò vì hương vị đặc biệt của món ăn ».

Đương nhiên, viện bảo tàng không tiết lộ công thức chế biến món vịt quay, mà chỉ có khoảng hai chục mẫu vật nặn từ đất sét để miêu tả các công đoạn chế biến : Vịt nặng khoảng 3 cân ; sau khi giết thịt, người ta thổi hơn vào để tách da và lớp mỡ, rồi loại bỏ lòng gan và bơm đầy nước sôi vào bụng vịt, sau đó, để khô ráo, trước khi bôi tẩm các dung dịch hương liệu và quay trong vòng 50 phút.

Theo truyền thuyết, được ghi ở viện bảo tàng, thì thực ra, vịt quay Bắc Kinh xuất phát từ Nam Kinh, miền đông Trung Quốc, trước khi Hoàng đế Vĩnh Nhạc (niềm vui vĩnh cửu) triều đại Nhà Minh, thay đổi thủ đô, vào đầu thế kỷ 15.

Theo bà Fuchsia Dunlop, chuyên gia về văn hóa ẩm thực Trung Hoa, cách thức chuẩn bị, bôi tẩm đúng là theo kiểu của vùng miền đông, thế nhưng, cách quay vịt lại là một sáng tạo của vùng Bắc Kinh. « Trong thời kỳ đầu mới mở nhà hàng Toàn Tụ Đức, đầu bếp treo vịt trên lò đất sét để nướng với củi đốt là các loại cây ăn quả như đào, lê hoặc táo : Chính cách này tạo ra khẩu vị như chúng ta biết ».

Vẫn theo bà Dunlop, thông thường, một đầu bếp chuyên về vịt quay tới bên cạnh bàn ăn của thực khách để chặt vịt và lớp da ròn tan ; nếu là người khéo tay, thì có thể chặt thành hàng trăm miếng nhỏ. Giá một con vịt quay khoảng 288 tệ, tương đương 35 euro ; việc chặt thịt và da vịt quay giống như một màn biểu diễn.

Nhà hàng Toàn Tụ Đức cho biết đã chế biến tới 196 triệu con vịt quay và ba lá bài ngoại giao chiến lược của cố Thủ tướng Chu Ân Lai là : Ngoại giao bóng bàn, ngoại giao rượu Mao Đài và ngoại giao vịt quay.

Theo lời chú giải bức ảnh chụp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ăn tối với Charlie Chaplin – hề Sác Lô - vào năm 1954, thì nghệ sĩ người Anh này cho biết trước đây, ông không bao giờ ăn thịt vịt vì yêu quý loài gia cầm này, nhưng khi nhìn thấy món vịt quay, ông chấp nhận phá lệ một lần để thưởng thức món ăn này.

Một vài tủ kính trong viện bảo tàng trưng bày các số liệu : Thế Vận Hội mùa hè Bắc Kinh năm 2008 tiêu thụ 13 ngàn vịt quay ; báo chí nước ngoài hết lời ca ngợi món ăn này, thậm chí một số tờ báo còn cho rằng Trung Quốc xứng đáng được tặng thưởng huy chương vàng thứ 52 cho món vịt quay.

Chuyên gia Dunlop cho biết, sự nổi tiếng và thành công của vịt quay Bắc Kinh trên thế giới còn do cách thức chuẩn bị và trình bày món ăn : Miếng thịt được cuốn trong một lớp bánh tráng mỏng, cùng với một vài sợi hành, tỏi tây tước nhỏ và dưa chuột thái chỉ, khi ăn thì chấm nước sốt làm từ mận muối và xì dầu. Thực khách dùng tay để ăn giống như ăn hamburger. So với các món ăn khác của Trung Quốc, thì vịt quay phù hợp với thực khách phương Tây, không dai, không có những thứ lạ lẫm hoặc loại thịt mà họ không có thói quen ăn.

Từ vài năm nay, Trung Quốc tổ chức nhiều loại triển lãm, lập viện bảo tàng về văn hóa ẩm thực. Đây cũng là một cách để thu hút khách du lịch. Tháng Ba vừa qua, Bắc Kinh đã nộp đơn lên UNESCO đề nghị công nhận văn hóa ẩm thực Trung Hoa như một loại di sản văn hóa phi vật thể.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.