Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - TRUNG QUỐC - ĐIỆN THOẠI

Smartphone : Samsung sang trọng chao đảo vì đối thủ Trung Quốc bình dân

Chủ đề nổi bật trên các tít lớn trang nhất báo Paris hôm nay 01/08/2014 khá tản mạn, nhưng đáng chú ý là bài trên tờ Le Figaro, đề cập đến sự kiện tập đoàn điện tử Hàn Quốc Samsung bị « chao đảo » trước sự cạnh tranh của các tập đoàn Trung Quốc : Hoa Vi, Lenovo và Xiaomi. Samsung đặt hy vọng trên Galaxy Note 4 sẽ ra vào tháng 9.

Điện thoại thông minh Galaxy 5 (T) và iPhone 5
Điện thoại thông minh Galaxy 5 (T) và iPhone 5 REUTERS
Quảng cáo

Theo Le Figaro, Samsung đang rất đau đầu, tập đoàn hàng đầu thế giới về điện thoại thông minh smartphone bị mất thị phần một cách đau đớn, chỉ nắm 25% trong quý hai năm nay 2014, trong khi cùng thời kỳ năm ngoái, 2013, còn chiếm giữ 32%.

Dù lượng smartphone Samsung bán ra vẫn còn cao, 77 triệu chiếc, từ tháng 3 đến tháng 6, cao gấp đôi so với Apple, đối thủ bám sát nút, nhưng Samsung lại mất đi thị phần, trong lúc mà thị trường smartphone thế giới vẫn tăng, tăng 23% và các đối thủ Trung Quốc của Samsung, như Hoa Vi đã tăng gấp đôi lượng điện thoại bán ra – 20 triệu chiếc. Lenovo cũng tăng gần 40%, với 15 triệu chiếc.

Theo Le Figaro, Samsung bị tập đoàn Trung Quốc tấn công mạnh nhất trên sản phẩm hạng trung và bình dân, phẩm chất thấp nhất.

Tập đoàn Hàn Quốc đã thấy từ lâu mối đe dọa nhưng vẫn không đối phó kịp trước vũ khí lợi hại của tập đoàn Trung Quốc : Giá cả. Sản phẩm Trung Quốc có chất lượng xấp xỉ, nhưng giá rẻ hơn.

Tờ báo nêu ví dụ Hoa Vi đang nhắm vị trí hàng đầu thế giới về smartphone từ đây đến năm 2017. Sau khi thử lửa ở thị trường nội địa, với những sản phẩm bám sát theo các tập đoàn hàng đầu, Hoa Vi đã nhìn ra ngoại quốc, với chiến dịch tiếp thị táo bạo, chọn nơi có thể tôn cao thêm hình ảnh của mình. Hoa Vi đã chọn Paris để giới thiệu chiếc Ascend P7 của mình. Giá của nó là 449 euro, trong khi hàng tương tư của Samsung, Galaxy SS bán ra với giá 679 euro.

Không bì kịp với Hoa Vi và Lenovo, một tập đoàn khác của Trung Quốc là Xiaomi cũng gây chú ý hiện nay với chiếc M4, một điện thoại hạng cao cấp, trị giá 1999 yuan - 240 euro.

Xiaomi được bán chủ yếu ở Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, và đã có mặt tại một số quốc gia lân cận. Chính nhờ thế, theo Le Figaro, Xiaomi đứng hàng thứ 5 thế giới. Sắp tới Xiaomi nhắm phát triển hơn nữa ở Châu Âu.

Sự phát triển này của các tập đoàn Trung Quốc đã có hệ quả trên kết quả hoạt động của Samsung mà hơn một nửa thu nhập là từ lãnh vực điện thoại di động. Số sản phẩm bán ra đã giảm 8,9%, và phần lời giảm 20%.

Nếu trước mắt cũng chưa phải là quá tội nghiệp cho Samsung, vì khoản lời của Samsung vẫn còn kếch xù, 6 250 tỷ won – 4,5 tỷ euro - trong vòng 3 tháng qua, nhưng triển vọng vẫn chưa rõ trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng mạnh mẽ này.

Theo Le Figaro, Samsung hiện đang chờ đợi rất nhiều trên sản phẩm mới, Galaxy Note 4, sẽ được giới thiệu vào tháng 9 này tại Hội chợ triển lãm điện tử tại Berlin.

Các chủ đề khác trên báo Pháp đi từ các khó khăn mà chính phủ Pháp đang gặp phải, tình hình vỡ nợ của Achentina, cho đến virút Ebola, mà trong hàng tựa đập mắt Libération nêu bật là đã ở « ngoài vòng kiểm soát », với hơn 700 người đã chết ở Châu Phi.

Vòng xoáy bạo động tại Tân Cương

Về Châu Á, Le Monde cũng nhìn về Trung Quốc, chú ý đến các sự kiện tại chỗ : « Cuộc bạo động ở Tân Cương mà Trung Quốc gia tăng đàn áp », tít bài báo trang quốc tế

Tác giả bài báo nhìn thấy một vùng phía tây Trung Quốc chìm trong vòng xoáy bạo động với hành động đàn áp của chính quyền kéo theo sự phục thù của người Duy Ngô Nhĩ.

Le Monde trở lại nguyên nhân vụ bạo động, cho là nếu Tân Hoa Xã nêu một cách mơ hồ : « Một đám người trang bị dao tấn công vào một bót cảnh sát và trụ sở chính quyền ... cảnh sát bắn trả và hạ sát hàng chục người... », theo các nhân chứng trả lời báo giới, một trong những nguyên nhân cuộc tấn công hôm thứ Hai là cái chết của một gia đình trong đó có một em bé trai và người ông của em, khi cảnh sát đến khám xét nhà. Cuộc khám xét có lẽ đã dẫn đến xung đột.

Tờ báo nhìn thấy vòng xoáy bạo đông, đàn áp - trả đũa sẽ không ngừng, trả đũa ngay cả trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ. Những người bị cho là thân Trung Quốc đã lãnh hậu quả như giáo sĩ Jume Tahir, được phát hiện sáng thứ Tư 30/07, nằm trong vũng máu bên ngoài đền thờ hồi giáo Id Kah, ở Kashgar.

Vị giáo sĩ bị cho là đã chọn đi theo Bắc Kinh, và đã nhiều lần được Bắc Kinh nhắc đến như một người « tốt ».

Hàng hiệu, hàng sang bị vạ lây vì Trung Quốc chống tham nhũng

Về Trung Quốc, báo Le Monde còn nhắc đến một hệ quả của chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, đó là việc các tập đoàn sản xuất hàng hiệu, hàng hạng sang thế giới đã bị vạ lây.

Trước đây các tập đoàn, hàng hiệu cao cấp trên thế giới đổ xô vào Trung Quốc, một thị trường béo bở với tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, tầng lớp giàu có ngày đông đảo, chi xài không tiếc tay, mua sắm các thứ đắt tiền, xa xỉ cho bản thân, gia đình nhưng cũng là để làm quà...cho cấp trên, để lấy lòng, được việc…

Nhưng chiến dịch chống tham nhũng nhắm từ ‘ruồi đến hổ’ đã thay đổi tình hình : Hàng xa xỉ mang trên người có thể nguy hiểm cho bản thân. Hậu quả là - như tập đoàn Pháp LVMH, đứng đầu thế giới ngành hàng sang này đã thấy - hoạt động của họ giảm 5% trong sáu tháng đầu 2014.

Theo Le Monde, các quan chức Nhà nước Trung Quốc hiện rất ngần ngại mang ví, đồng hồ… loại hàng hiệu – sau vụ Thị trưởng Lan Châu bị mất chức vì hình ảnh các đồng hồ xa xỉ của ông được truyền trên mạng. Sau vụ này, số đồng hồ hạng sang bán ở Trung Quốc đã giảm đi 11% năm 2013. Ngành rượu cũng bị ảnh hưởng, như loại cognac cũng giảm đi 12%.

Hậu quả trên, theo Le Monde, đã khiến các nhà xuất khẩu, trong ngành rượu chẳng hạng phải xét lại « chiến lược », bán ra những mặt hàng giá « vừa phải », không quá phô trương, để thoát ra khỏi các « radar » của chiến dịch chống tham nhũng.

Khách sạn Peninsula Paris : Giá trị mỗi phòng 4,2 triệu euro

Nếu ở Trung Quốc, có tình trạng tránh phô trương sự giàu có, sang trọng thì ở nơi khác, chiêu dụ khách hành với sự sang trọng, hào nhoáng lại là một nguyên tắc : Báo Les Echos, trên mặt này, chú ý đến một khách sạn mở cửa hôm nay, 01/08, khách sạn Peninsula Paris, một khách sạn cực kỳ sang trọng trong mắt Les Echos và cũng rất tốn kém, nằm ngay trung tâm Paris, cách Khải Hoàn môn không xa.

Khách sạn 200 phòng, thuộc dây chuyền Peninsula, nhưng với 80% phần vốn của tập đoàn Quatar Katara Hospitality, và 20% của The HongKong and Shanghai Hotels. Chủ nhân dây chuyền Peninsula.

Phải mất 6 năm để đề án Peninsula Paris hoàn tất và trở thành một trong những « sự kiện » trong năm trong ngành khách sạn Pháp.

Theo Les Echos, với Peninsula Paris, dây chuyền khách sạn Châu Á đã thay đổi chuẩn mực khách sạn hạng sang ở Paris, tức là buộc các khách sạn nổi tiếng lâu năm của Paris phải nâng cấp như Crillon, Ritz...v.v.

Riêng về chi phí của Peninsula, từ khâu mua lại, cho đến tu sửa, xây dựng …, tổng số tiền chi ra, theo Les Echos, được ước tính lên đến 850 triệu euro. Tờ báo tính nhẩm : Như thế một phòng tốn kém đến 4,2 triệu euro.

Tờ báo không quên nhắc lại, Peninsula Paris nằm ở nơi trước đây – vào 1908, là khách sạn sang trọng Majestic, sau đó là trụ sở Unesco, trước khi chuyển thành Trung tâm Hội Nghị quốc tế Kleber, một nơi lịch sử đối với người Việt Nam, vì là nơi ký kết Hiệp định Paris 1973.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.