Vào nội dung chính
ĐÔNG BẮC Á

Nhật "kiên quyết phản đối" Nga tập trận tại quần đảo Kuril

Bộ Ngoại giao Nhật Bản, vào hôm nay 13/08/2014, đã lên tiếng « kiên quyết » phản đối một cuộc tập trận mà Nga vừa tổ chức vào hôm qua tại vùng quần đảo Kuril. Đây là một khu vực do Nga kiểm soát từ sau Đệ nhị Thế chiến đến nay, nhưng đang bị Nhật Bản đòi lại chủ quyền.

Quần đảo Kuril
Quần đảo Kuril Wikipedia
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã cho rằng các cuộc tập trận đó « rất đáng tiếc và Nhật Bản đã gửi một lời phản đối kiên quyết đến đại sứ quán Nga ở Tokyo ». Về phần mình, theo hãng tin Nhật Bản Jiji, Thủ tướng Shinzo Abe cũng tuyên bố « tuyệt đối không thể chấp nhận điều đó ».

Cho dù quan hệ kinh tế Nga Nhật rất đáng kể, hai nước vẫn chưa ký kết hòa ước kể từ khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến, vì cuộc tranh chấp trên 4 hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kuril ở vùng cực bắc của Nhật Bản mà Tokyo gọi là « vùng lãnh thổ phía Bắc ». Đây là các hòn đảo bị sáp nhập vào Liên Xô sau năm 1945, và bị Nhật Bản đòi lại. 

Vào hôm qua, Nga đã bắt đầu một cuộc tập trận tại quần đảo Kuril, huy động hơn 1.000 binh lính, năm máy bay trực thăng tấn công Mi-8AMTSh và 100 loại thiết bị quân sự khác.

Việc Nga cho tập trận tại vùng quần đảo Kuril là một hành vi trả đũa mới nhắm vào Nhật Bản, sau khi Tokyo phải miễn cưỡng ban hành một số biện pháp trừng phạt Mátxcơva liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina. Cách nay vài hôm, Nga cũng đã hủy bỏ một cuộc họp với một nhà ngoại giao cấp cao của Nhật Bản về tranh chấp Kuril.

Cuộc họp cấp thứ trưởng ngoại giao này từng được dự kiến tại Mátxcơva trong tháng Tám, nhưng trong một bản thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng việc tổ chức các cuộc đàm phán đó sẽ « không ổn sau các lệnh trừng phạt chống Nga mới nhất mà Tokyo áp đặt ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.