Vào nội dung chính
KINH DOANH - TRUNG QUỐC

Trung Quốc : Chiến dịch ''Bàn tay sạch'' đánh vào công ty ngoại quốc

Liên quan đến thời sự tại Châu Á, mục kinh tế báo Le Figaro quan tâm đến chiến dịch « bàn tay sạch » của Trung Quốc. Bài  « Bắc Kinh đưa các công ty quốc tế vào khuôn phép » cho thấy đối tượng chính của Chủ tịch Tập Cận Bình là các doanh nghiệp ngoại quốc.

Một cửa hiệu McDonald tại Trung Quốc
Một cửa hiệu McDonald tại Trung Quốc Reuters
Quảng cáo

Các công ty ngoại quốc từ lâu là biểu tượng của xu hướng toàn cầu hóa tại Trung Quốc và đã góp phần vào sự cất cánh thần kỳ của con rồng Châu Á đang ngủ. Các tập đoàn đã ào ạt đầu tư vào Trung Quốc từ những thập niên 1980 nhưng giờ đây, họ đã bị ra rìa và rơi vào vòng điều tra của Bắc Kinh.

Thông tín viên Le Figaro tường thuật, các tên tuổi lớn Tây phương, từ công nghiệp sản xuất ô tô đến ngành dược phẩm hay công nghệ cao đều lần lượt bị Bắc Kinh làm mất mặt. Một thám tử tư của tập đoàn dược phẩm GSK (GlaxoSmithKline) bị kết án 2 năm rưỡi tù bởi bị nghi vấn làm gián điệp, trong khi chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s bị bắt quả tang dùng thịt ôi làm bánh hamburger. Hai tập đoàn lớn của làng công nghệ Hoa Kỳ là Microsoft và Qualcomm bị một nhóm thanh tra ập đến để điều tra về chống độc quyền. Nghiêm trọng hơn là tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, trong đó, các nhà sản xuất Đức đứng đầu trên thị trường Trung Quốc cũng bị rơi vào tầm ngắm của chiến dịch « bàn tay sạch ». 1000 công ty trong lĩnh vực này bị Bắc Kinh điều tra về hành vi độc quyền.

Tờ báo đặt câu hỏi : liệu đây có phải là cuộc thập tự chinh nhằm chống lại các hãng nước ngoài ? Chính quyền tự bào chữa là không hề có hành vi « kỳ thị » khi tung ra chiến dịch này và hứa hẹn sẽ lôi ra những con « cá lớn » nội địa để chứng tỏ thiện chí của chính quyền. Vô Dự (Mei Yu), chuyên gia tại Viện nghiên cứu hợp tác thuộc Bộ Thương mại nhận định : « Từ lâu, một số công ty nước ngoài thao túng giá cả, nhưng chính quyền không có biện pháp để bài trừ. Từ khi luật chống độc quyền ra đời năm 2008, chính quyền đã biết nên tiến hành điều tra như thế nào. Mục đích của chúng tôi không phải để phá ngầm các công ty ngoại quốc mà để thiết lập các quy tắc thị trường bền vững ».

Nhà sản xuất linh kiện Nhật NSK vừa phải lãnh án phạt là 21,25 triệu euro do hành vi độc quyền khi bán vòng bi công nghiệp. Trong cơn bão táp, các tập đoàn ngoại quốc hứa hẹn hợp tác với các nhà điều tra để tránh làm tình hình thêm nghiêm trọng. Thế nhưng, ở hậu trường, các công ty này lên án hành vi của Bắc Kinh là « dọa nạt ». Stefan Sacks, phó Chủ tịch phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc cho Le Figaro biết : « Trong một đất nước pháp quyền, bị cáo được phép bào chữa. Các nhà điều tra đã khuyên một số thành viên của chúng tôi không nên mang luật sư theo ».

Đòn cảnh cáo

Theo Le Figaro, cuộc tấn công nhắm vào các tập đoàn nước ngoài bắt đầu từ mùa hè năm ngoái khi Chủ tịch Tập Cận Bình vừa đắc cử. Một số đưa ra giả thuyết, đây là chiến dịch chính trị nhằm thiết lập quyền lực mới bằng biện pháp ái quốc. Việc Bắc Kinh đưa các công ty này vào khuôn phép được tiến hành cùng lúc với chiến dịch bài trừ tham nhũng để được lòng dân.

Trên thực tế, làn sóng tấn công vào các công ty ngoại quốc diễn ra trong chiến lược kinh tế Trung Quốc nhằm chấm dứt thời kỳ hoàng kim của các tập đoàn này. Chiến dịch này đáp ứng được mục tiêu của Bắc Kinh là kích thích năng suất của các công ty nội địa, đồng thời cải thiện sức mua của các tầng lớp trung lưu mới, bảo đảm ổn định cho xã hội.

Đại diện một tập đoàn dược phẩm Châu Âu nhận định : « các cuộc điều tra này là một đòn cảnh cáo để nói rằng : chúng tôi sẽ tôn vinh các công ty nội địa ». Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhìn thấy, Bắc Kinh sẽ không động đến những lĩnh vực mà công nghệ phương Tây vượt bậc, hiện bỏ xa Trung Quốc như ngành hàng không. Theo ông Sack, phó Chủ tịch phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, các công ty quốc tế sẽ dè dặt hơn khi đầu tư vào Trung Quốc. Một số có ý định ra đi, nhưng « đó không phải là quyết định dễ dàng vì Trung Quốc là thị trường số một thế giới », theo nhận định của chuyên gia Trung Quốc.

Vì sao Ferguson bùng nổ ?

Trở lại sự kiện được báo giới Pháp quan tâm bình luận là làn sóng biểu tình đang diễn ra tại Ferguson (Mỹ) sau sự kiện một thanh niên da màu bị cảnh sát bắn chết. Nhật báo Le Figaro nhận định, Tổng thống Obama đối mặt với vấn đề kỳ thị chủng tộc sau vụ Ferguson. Libération cho biết, sau các vụ bạo động xảy ra vào ban đêm, dân chúng nhận định, những thành phần đập phá đến từ nơi khác chứ không phải là dân thành phố Ferguson.

Bên cạnh đó, nhật báo Cộng sản L’Humanité quan tâm đến những nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của dân chúng Ferguson vài ngày gần đây. Cái chết của chàng thanh niên Micheal Brown nêu bật sự chia rẽ trong một xã hội luôn bất công, theo nhận định của tờ báo. L’Humanité cho biết, « Big Mike », chàng thanh niên bị cảnh sát bắn là một thanh niên chăm chỉ học hành và không có vấn đề gì cả. Hai ngày sau khi qua đời, lẽ ra Micheal Brown đã được đi học tại một trường thương mại thuộc bang Missourri. L’Humanité trích lời phóng viên tờ báo Saint-Louis Post-Dispatch : « nếu như hành động của cảnh sát châm ngòi cho bùng nổ biểu tình trong tuần này thì nguyên nhân cốt lõi bên trong chính là sự nghèo khổ và tuyệt vọng của dân chúng ». Trong khu phố mà Brown sống, 70% dân cư là người Mỹ da đen. Thu nhập trung bình không quá 27 000 đô la/năm.

Theo thống kê chính thức, lương của người dân tại Ferguson giảm 30% từ năm 2000. Trong khi đó, nhìn sang các khu phố giàu sang của Saint-Louis, nơi có đại đa số người Mỹ da trắng sinh sống, người giàu cứ càng giàu thêm. Những năm gần đây, chia rẽ trong xã hội và bất công ngày càng rõ rệt, mặc dù Tổng thống da màu đã đặt chân vào Nhà Trắng. 

Ferguson, bóng tối những rạn nứt trong xã hội Mỹ

Xã luận Le Monde nhận định, cách đây 20 năm, thành phố Ferguson có 3/4 dân cư là người da trắng và hiện nay, 2/3 cư dân da đen. Trước kia đa phần là tầng lớp trung lưu thì ngày nay, Ferguson toàn dân nghèo. Thị trưởng là người Mỹ trắng. Hội đồng thành phố chỉ có duy nhất một người Mỹ gốc Phi. Trong đội ngũ cảnh sát chỉ có 6% người da đen.

Tờ báo nhận định, cũng giống như vụ sát hại một thanh niên Mỹ đen Trayvon Martin vào năm 2012 và nhiều vụ khác tương tự nhưng ít gây ầm ĩ hơn, thảm kịch tại Ferguson nhắc nhở rằng, nạn kỳ thị chủng tộc trong xã hội Mỹ vẫn tiếp diễn và có khuynh hướng gia tăng. Người Mỹ đen vẫn là đối tượng hàng đầu của nạn bạo lực của cảnh sát Hoa Kỳ và không ngừng bị lực lượng an ninh kiểm soát hàng ngày.

Sự kiện Tổng thống Obama bước chân vào Nhà Trắng cho thấy tiến triển rõ ràng trong tâm lý của người Mỹ từ lâu vốn rất kỳ thị chủng tộc. Thế nhưng, vụ Micheal Brown nhắc nhở, con đường tiến đến việc xóa bỏ « biên giới màu da » vẫn còn dài và đây luôn là đề tài gây chia rẽ nước Mỹ. Tổng thống Obama cũng từng thừa nhận vào ngày 18/08 rằng, « thanh niên da màu thường có nhiều nguy cơ rơi vào tù hơn là có cơ hội vào đại học hay xin được việc làm tốt ». « Đây (cuộc đấu tranh này) là một dự án to lớn và đất nước của chúng ta đã tiến hành từ 2 thập kỷ ».

Anh quốc : chim săn mồi và hươu là nạn nhân của nạn buôn lậu trái phép

Nhìn sang Anh quốc, nhật báo Le Monde có bài viết : « chim săn mồi và hươu tại Anh quốc là nạn nhân của nạn buôn lậu quốc tế trái phép thú vật ». Theo Le Monde, các băng nhóm tội phạm xuất khẩu các giống động vật hoang dã sang Châu Á và Trung Đông.

Theo cảnh sát địa phương, các trường hợp săn bắn trái phép có khuynh hướng gia tăng trong khu vực. Nhung hươu bị cắt và bán sang Trung Quốc, có thể dùng để làm thuốc. Ngoài ra, sừng tê giác hay ngà voi cũng là mặt hàng ưa thích của bọn buôn lậu.

Đơn vị cảnh sát Anh chịu trách nhiệm điều tra nạn săn bắn trái phép lấy làm tiếc vì không đủ phương tiện làm việc. Chỉ có 11 cảnh sát trong khi việc điều tra thường khó khăn vì các hành vi săn bắn trái phép xảy ra trong rừng hay những nơi hoang dã ít ai thấy.

Ngoài các tập đoàn buôn lậu xuyên lục địa, các băng đảng săn bắn trái phép trong nội bộ nước Anh cũng bị Tổ chức bảo tồn động vật thế giới điểm mặt. Nai và hưu đặc biệt cũng là nạn nhân, nhất là khi dịp lễ Noel đến gần, khi thịt hai loại động vật này được ưu chuộng.

Tỷ phú Trung Quốc rơi vào bẫy trong một cuộc đi săn

Hiện nay, săn bắn trở thành thú tiêu khiển mới của tầng lớp nhà giàu ở Trung Quốc. Trong đó, có doanh nhân Mã Vân (Ma Yun), người sáng lập ra tập đoàn Alibaba, ông trùm thương mại điện tử Trung Quốc cũng đến Scotland để săn bắn.

Le Monde trích dẫn lời của tờ Sunday Times như sau : « Ông Mã, một doanh nhân trong làng thương mại điện tử đã thuê 4 chiếc trực thăng với giá 1000 bảng/chiếc/giờ để vào một loạt khu săn bắn. Nhóm của ông ta đã giết 17 con hưu và các loại động vật hoang dã khác ». Tiết lộ trên làm tổn hại đến sự nổi tiếng của một chủ doanh nghiệp cam kết bảo vệ môi trường. Một số cáo buộc ông Mã đã không thực hành những điều đã tuyên thệ, vì ông là một trong những thành viên danh dự của tổ chức phi chính phủ Mỹ về bảo tồn thiên nhiên (The Nature Conservancy, TNC).

Theo Le Monde, những công kích nhắm vào ông Mã có thể được giải thích bởi một hiện tượng gọi là « sự căm ghét người giàu » tại Trung Quốc. Trào lưu này lại càng bùng phát hơn khi bất bình đẳng ngày càng tăng tại nền kinh tế thứ hai thế giới. Sự tức giận được thể hiện qua hành động phá hoại xe hơi xịn đậu trên lề đường hay những lời công kích thậm tệ của những cư dân mạng đối với những tay nhà giàu lố bịch ở Trung Quốc. Từ một người đi săn, giờ đây chủ tập đoàn Alibaba rơi vào bẫy của giới truyền thông. Le Monde nhận thấy, « đây là một sai sót nhỏ » về mối quan hệ công chúng trước khi Alibaba lên sàn chứng khoán Mỹ vào trung tuần tháng Chín tới.

Crimée bên bờ vực khủng hoảng

Trong một lĩnh vực khác, cuộc khủng hoảng Ukraina đã gây ra những hậu quả cho ngành du lịch trong vùng, theo La Croix và đặc biệt là bán đảo Crimée. Nhật báo La Croix đến các bãi biển Hắc Hải, tại Yalta để làm phóng sự với kết quả là bài viết : « Crimée khó thu hút du khách mà Mátxcơva hứa hẹn ».

Từ khi bị sáp nhập vào « nước mẹ » Nga vào tháng Ba vừa qua, bán đảo đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Du lịch là hoạt động chính của vùng lại đang rất đình đốn : du khách đi nghỉ hè người Ukraina trước đây chiếm 70% tổng lượng du khách hiện không ghé bán đảo nữa. Người Nga cũng ít hơn trước nhiều. Dường như truyền hình Nga đang tuyên truyền khắp nơi vào lúc này, như dưới thời Xô Viết cũ, khi « chiếu phóng sự bao nhiêu đám đông người Nga hân hoan đến Crimée nghỉ hè ». Với bức ảnh minh họa, La Croix cho thấy một hiện thực hoàn toàn trái ngược. Bức ảnh được chụp tại Yalta, bãi biển nổi tiếng nhất tại Crimée, không có lấy một con mèo trên bãi biển, các ghế dài ngoài biển cũng vắng tanh, gần như không một bóng du khách mặc dù thời tiết khá đẹp và chính quyền Mátxcơva còn cấp cho một số công nhân các chuyến du lịch miễn phí.

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.