Vào nội dung chính
KINH TẾ - ĐÔNG Á

Trung Quốc phạt nặng 10 công ty phụ tùng ô tô Nhật Bản

Chính quyền Bắc Kinh hôm nay, 20/08/2014 chính thức loan báo quyết định phạt 10 hãng sản xuất linh kiện xe hơi Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc hơn 200 triệu đô la. Lý do là các công ty này, trong vòng 10 năm qua, đã lợi dụng vị thế độc quyền để áp đặt giá cả. Quyết định này, theo giới phân tích, chỉ làm gia tăng nỗi lo ngại của các tập đoàn ngoại quốc đang làm ăn tại Trung Quốc.

Một xe hơi chạy điện của hãng Mitsubhishi
Một xe hơi chạy điện của hãng Mitsubhishi Reuters/Issei Kato
Quảng cáo

Trong một bản thông cáo, cơ quan đặc trách chống độc quyền tại Trung Quốc mang tên Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) đã cáo buộc các công ty phụ tùng ô tô Nhật Bản là đã thông đồng với nhau để « làm giá » trong hơn 10 năm qua. Do đó, Ủy ban này quyết định mức tiền phạt nhắm vào 10 công ty bị cáo buộc là 1,24 tỷ nhân dân tệ, tương đương với hơn 200 triệu đô la.

Theo đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV, đây là mức phạt lớn nhất từ khi Bắc Kinh bắt đầu áp dung luật chống độc quyền kể từ năm 2008 đến nay.

Hãng Sumitomo Electric đã bị phạt nặng nhất – 290,4 triệu nhân dân tệ - trong số bảy công ty Nhật bị phạt về tội áp đặt giá cả từ tháng 01/2000 đến tháng Hai năm 2010. Các công ty khác là Denso, Aisan, Mitsubishi Electric, Mitsuba, Yazaki và Furukawa Electric.

Ba hãng còn lại NSK, JTEKT và NTN thì bị phạt về tội thông đồng giá cả từ năm 2000 đến tháng 06/2011. Trong số này, NSK phải nộp phạt đến 174,9 triệu nhân dân tệ.

Riêng hai công ty khác là Hitachi và Nachi, cũng bị buộc tội, nhưng được miễn phạt vì đã chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng Trung Quốc và cung cấp bằng chứng về các thỏa thuận độc quyền.

Trong tầm nhắm của cơ quan chống độc quyền Trung Quốc, ngoài 12 hãng Nhật Bản kể trên, còn có 2 tập đoàn xe hơi Audi và Chrysler.

Trong những năm qua, Bắc Kinh đã phát động chiến dịch trấn áp trên quy mô rộng lớn nhắm vào một loạt các doanh nghiệp nước ngoài trong mọi lĩnh vực, từ dược phẩm, sữa bột trẻ em, cho đến công nghệ cao cấp.

Tháng Bảy vừa qua chẳng hạn, họ đã bố ráp văn phòng của tập đoàn tin học Microsoft của Mỹ tại Trung Quốc, bị cáo buộc độ quyền trong lãnh vực phần mềm, và theo các nguồn tin báo chí, sắp tới đến lượt nhà sản xuất chip điện tử Qualcomm của Mỹ sẽ bị điều tra về tư thế độc quyền trong địa hạt chip dùng cho điện thoại di động.

Tất cả những sự kiện này đã khiến cho giới đầu tư nước ngoài lo ngại, và trong tháng bảy vừa qua, lượng đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.