Vào nội dung chính
THÁI LAN

Thủ lãnh quân đội Thái Lan được “bầu” làm Thủ tướng

Hôm nay, 21/08/2014, lãnh đạo tập đoàn quân sự Thái Lan được Quốc hội, với 191 nghị sĩ, chỉ định làm Thủ tướng chính phủ lâm thời. Sự bổ nhiệm không làm ai ngạc nhiên này cho thấy giới quân sự muốn kiểm soát tối đa quá trình cải cách hệ thống chính trị, trước các cuộc bầu cử dự kiến sẽ được tổ chức sớm nhất là vào cuối năm tới.

Tướng Prayuth Chan-Ocha được bầu làm Thủ tướng chính phủ Thái Lan lâm thời - RFI
Tướng Prayuth Chan-Ocha được bầu làm Thủ tướng chính phủ Thái Lan lâm thời - RFI
Quảng cáo

Thông tín viên Arnaud Dubus tường trình từ Bangkok :

« Với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối tại Quốc hội, viên tướng Prayuth Chan-ocha, thủ lãnh cuộc đảo chính, đã được bầu làm Thủ tướng chính phủ lâm thời. Chỉ duy nhất có Chủ tịch Quốc hội và hai Phó Chủ tịch là không bỏ phiếu, theo truyền thống. Việc viên tướng được bầu làm người đứng đầu chính phủ rất dễ giải thích, bởi vì toàn bộ thành viên Quốc hội là do tập đoàn quân sự bổ nhiệm.

Sự kiện này là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy giới quân sự muốn kiểm soát toàn bộ quá trình chuyển đổi của hệ thống chính trị mà họ muốn thực hiện. Điều này có lẽ cho thấy phần nào hình hài của Hiến pháp Thái Lan tương lai, một Hiến pháp mà giới quân sự từng khăng khăng tuyên bố là ‘‘hoàn toàn dân chủ’’.

Việc bổ nhiệm các bộ trưởng trong chính phủ lâm thời sẽ được thông báo trong những ngày tới, tuy nhiên công chúng đã biết trước là một phần ba các bộ trưởng sẽ là quân nhân. Phải đi ngược về các chế độ độc tài những năm 1960 mới có thể thấy lại một sự kiểm soát đến như vậy của quân đội đối với đất nước này ».

Để chính thức có hiệu lực, quyết định để tướng Prayuth Chan-ocha trở thành Thủ tướng của Quốc hội còn phải được nhà vua Bhumibol phê chuẩn.  

Theo AFP, đầu tuần này, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ « mối quan ngại sâu sắc » trước tình hình Thái Lan, đặc biệt là trước việc gia tăng các vụ truy tố vì « tội khi quân », với các án tù thường rất nặng.  

Giới quân sự Thái Lan thực hiện cuộc đảo chính ngày 22/05, chấm dứt bảy tháng biểu tình với nhiều bạo động đẫm máu chống chính phủ Yingluck Shinawatra. Nhiều người lo ngại tập đoàn quân sự lấy cớ tình hình bất ổn để loại bỏ các ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin, anh trai bà Yingluck. Theo giới quan sát, ông Thaksin Shinawatra, hiện đang sống lưu vong sau cuộc đảo chính quân sự 2006, bị giới thượng lưu truyền thống, được quân đội ủng hộ, coi như mối đe dọa với vương triều Thái Lan.  

Nhiều người lo ngại, bất chấp những lời hứa hẹn sẽ tổ chức bầu cử vào cuối năm tới, tập đoàn quân sự sẽ tiếp tục nắm quyền trong nhiều năm tới, chứ không có ý định rời bỏ quyền lực như sau cuộc đảo chính 2006. Tờ báo Thái Lan The Nation dẫn lời tướng Ekachai Srivilas, giám đốc trung tâm Hòa bình và Quản trị thuộc Viện King Prajadhipok's Institute (viện nghiên cứu mang tên vua Thái Rama VII, quân vương đầu tiên của nền quân chủ lập hiến), theo đó : « Để giải quyết các vấn đề của Thái Lan cần ít nhất 10 năm, chứ không phải chỉ vài năm ».

Theo nhà nghiên cứu Sunai Phasuk, thuộc bộ phận Châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, « giới tướng lãnh không có dự kiến rõ ràng trong việc tái lập nền dân chủ. Hiến pháp tạm thời cho họ một cơ sở pháp lý nhất định để hợp thức hóa việc họ nắm quyền ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.